Người dân Pakistan tuyệt vọng vì đói

16:00' 21-04-2023
Tại thủ đô Islamabad, hàng trăm người xếp hàng chờ nhận bột mì miễn phí tại trung tâm phân phối của chính phủ trong tháng lễ Ramadan.


    Trong bối cảnh lạm phát kỷ lục và nghèo đói gia tăng, Thủ tướng Pakistan Shahbaz Sharif hồi đầu tháng 3 công bố gói cứu trợ, phân phát một bao bột mì miễn phí "cho những người nghèo nhất".

    Xếp hàng dưới ánh nắng chói chang ở thủ đô Islamabad ngày 19/4, Waqas Chaudhry, 20 tuổi, làm việc trong lĩnh vực công nghệ, cho biết chưa từng xin đồ từ thiện trong đời.

    "Mọi thứ đều trở nên quá đắt", anh nói. "Sống sót cũng vô cùng khó khăn".

    Waqas Chaudhry, 20 tuổi, chờ nhận bột mì miễn phí ở Islamabad. Ảnh: CNN

    Waqas Chaudhry, 20 tuổi, chờ nhận bột mì miễn phí ở Islamabad. Ảnh: CNN

    Tại Karachi, trung tâm tài chính của Pakistan, 13 phụ nữ và trẻ em thiệt mạng hồi tháng 3 khi hàng trăm người giẫm đạp tranh giành đồ ăn miễn phí. 9 người thiệt mạng hồi cuối tháng 3 tại các điểm phân phối bột mì của chính phủ tại tỉnh Khyber Pakhtunkhwa.

    Ủy ban Nhân quyền Pakistan lo ngại tình trạng "quản lý yếu kém" gây giẫm đạp tại các điểm phân phối này. Quốc gia hơn 200 triệu dân lâm vào khủng hoảng kinh tế từ năm ngoái do lạm phát cao, đồng tiền mất giá, dự trữ ngoại tệ thấp và đa số dùng để nhập khẩu thực phẩm và nhiên liệu.

    1/3 diện tích đất nông nghiệp Pakistan bị ảnh hưởng sau trận lũ thảm khốc mùa hè năm ngoái. Theo Ủy ban Cứu hộ Quốc tế, 33 triệu người ở Pakistan bị lũ lụt ảnh hưởng, thiệt hại kinh tế 40 tỷ USD.

    Chính phủ Pakistan đang đàm phán với Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) để tái khởi động chương trình vay 6,5 tỷ USD đình trệ từ hồi tháng 11/2022 nhằm vực dậy nền kinh tế. IMF đưa ra hàng loạt điều kiện để giải ngân khoản vay 1,1 tỷ USD, bao gồm thả nổi tỷ giá đồng rupee và tăng thuế.

    Theo số liệu chính phủ ban hành, chỉ số giá tiêu dùng của Pakistan tăng 35% trong tháng 3, mức cao chưa từng có. Cục Thống kê cho hay con số lạm phát tháng 3 vượt qua mức 31,5% hồi tháng 2 do giá thực phẩm, đồ uống và xăng xe tăng tới 50% so với năm ngoái. Các mặt hàng cơ bản như bột mì, loại thực phẩm chính trong bữa ăn của người Pakistan, đã tăng gấp đôi trong năm qua.

    Người phụ nữ nhận túi bột mì tại trung tâm phân phối của chính phủ ở Islamabad. Ảnh: CNN

    Người phụ nữ nhận túi bột mì tại trung tâm phân phối của chính phủ ở Islamabad. Ảnh: CNN

    Cựu thủ tướng Imran Khan, lãnh đạo phe đối lập, chỉ trích chính sách phân phối bột mì là "không bền vững" và "làm nhục con người".

    Pakistan từng trải qua nhiều cuộc khủng hoảng trong những năm gần đây, nhưng khó khăn kinh tế hiện nay đặc biệt nghiêm trọng, khiến sự bất mãn và tuyệt vọng lan rộng.

    Theo khảo sát của Gallup & Gilani Pakistan, gần 3/4 trong số 2.000 người được hỏi nhận định tình hình kinh tế của đất nước đã xấu đi hơn trong 6 tháng qua.

    Ammar Khan, thành viên cấp cao của Hội đồng Đại Tây Dương, tổ chức tư vấn ở Mỹ, cho hay những yếu tố thúc đẩy lạm phát lương thực là giá ngũ cốc toàn cầu tăng cao do chiến sự Ukraine, đồng rupee mất giá trị so với đồng USD khiến hàng nhập khẩu đắt đỏ hơn.

    Ammar Khan nhận định tình trạng thiếu hàng nhập khẩu cơ bản như thức ăn chăn nuôi, nguyên liệu thô phục vụ sản xuất lương thực, đã góp phần gây ra cuộc khủng hoảng lương thực và nạn đói trên diện rộng ở Pakistan. Ông cho rằng giải pháp cho cuộc khủng hoảng lương thực là cần đàm phán thành công với IMF, tiếp cận nguồn vay USD, nhập khẩu hàng hóa trở lại.

    Buôn lậu cũng góp phần gây thiếu lương thực. Adil Mansoor, nhà phân tích an ninh lương thực ở Karachi, cho hay các mặt hàng lương thực thiết yếu như bột mì đang bị tích trữ ở Pakistan và buôn lậu qua biên giới phía bắc đến Afghanistan để kiếm lời. Bộ trưởng Nội vụ Pakistan Rana Sanaullah ngày 12/4 nhắc lại chính phủ quyết tâm trấn áp hành vi buôn lậu.

    Người phụ nữ khóc vì người thân chết trong khi chờ nhận phân phối thực phẩm, tại nhà xác bệnh viên ở Karachi, Pakistan, ngày 31/3. Ảnh: Reuters

    Người phụ nữ khóc vì người thân chết trong khi chờ nhận phân phối thực phẩm ở Karachi, Pakistan, ngày 31/3. Ảnh: Reuters

    Trong tháng lễ Ramadan, diễn ra từ 22/3 tới 20/4, tín đồ Hồi giáo không ăn uống vào ban ngày nhưng họ thường quây quần cùng nhau ăn tối. Nhưng tháng lễ năm nay bị lu mờ bởi khủng hoảng kinh tế.

    Các trung tâm từ thiện thường tổ chức tặng bữa ăn miễn phí sau khi mặt trời lặn trong tháng Ramadan. Năm nay, số người sống nhờ bữa ăn từ thiện tăng gấp đôi, theo tổ chức phi chính phủ Saylani.

    "Tôi không trả được tiền học cho con", Syed Naseer, công nhân xây dựng đang đứng chờ nhận bữa ăn, nói. "Chúng tôi chỉ uống nước, món ngon khác bây giờ chỉ có thể mơ".



    Mời bạn bầu chọn hay chia sẻ trên Facebook:

Bạn đang tìm dịch vụ về ?
Cultural Perspectives Vùng: Redfern. Phone: 0431 646 710
Xem thêm

Article sourced from VNEXPRESS.

Original source can be found here: https://vnexpress.net/nhung-nguoi-pakistan-tuyet-vong-vi-doi-4595523.html


Để lại Tên và mobile, chúng tôi sẽ tìm cho bạn những nhà cung cấp dịch vụ tốt nhất.

TÌM DỊCH VỤ