Người dân Mỹ ngày càng có xu hướng thu hẹp không gian sống của mình
Mô hình nhà nhỏ chỉ hơn 20m2 đang ngày càng được ưa chuộng ở Mỹ. (Nguồn: New Atlas)
Cuộc cách mạng những căn nhà nhỏ đã bắt đầu từ mấy chục năm trước, nhưng cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008 và thế hệ millennial (những người sinh ra trong giai đoạn từ đầu thập niên 1980 đến đầu thập niên 2000) đã tạo động lực mới cho xu hướng này.
Một ngôi nhà bình thường ở Mỹ có diện tích trung bình khoảng 2.600 foot vuông (khoảng 260m2), trong khi căn nhà nhỏ được định nghĩa là những căn nhà với diện tích từ 100-400 foot vuông. Người ta có thể thuê hoặc sở hữu các căn nhà nhỏ. Về hình thức, nhà nhỏ có thể là những căn nhà mini trên bánh xe hoặc nhà nhỏ xây trên móng.
Theo kết quả khảo sát của Hiệp hội Các chủ thầu xây dựng Mỹ, hơn 50% người Mỹ cân nhắc việc sống trong một căn nhà nhỏ hơn 600 foot vuông và tỷ lệ này ở thế hệ millennial thậm chí còn cao hơn, ở mức 63%.
Chi phí là một trong những điểm mạnh của hình thức nhà nhỏ. Một căn nhà hơn 200 foot vuông (khoảng 18-20m2) chỉ mất khoảng 50.000 USD, một sự tiết kiệm khổng lồ so với một căn nhà lớn ở vùng ngoại ô. Marcus Stoltzfus, Giám đốc bán hàng và marketing của Công ty Liberation Tiny Homes, cho biết 40 năm qua, người Mỹ luôn chuộng những ngôi nhà rộng lớn.
Nhưng giờ đây, ở nhiều vùng, người ta nhận ra rằng sống tối giản sẽ có lợi cho phong cách sống của mình hơn. Sự khác biệt lớn nhất mà những căn nhà nhỏ mang lại là mỗi một không gian đều được tận dụng triệt để nên không có không gian “chết.”
Ngoài ra, lối sống tối giản với một căn nhà nhỏ cũng có tác động tích cực đến môi trường. Sống trong một căn nhà nhỏ, người ta sẽ không tiêu thụ nhiều điện và nước như khi sống trong một căn hộ truyền thống.
Dù có nhiều ưu thế, nhưng xu hướng nhà nhỏ vẫn chưa thực sự lan rộng. Theo ước tính sơ bộ, số nhà nhỏ ở Mỹ chỉ đang ở mức hơn 10.000 căn. Nguyên nhân khiến những người muốn sống trong những căn nhà nhỏ dễ nản lòng là khó khăn về mặt pháp lý cũng như trong việc tiếp cận các sản phẩm cho vay tiêu dùng.
Vấn đề đầu tiên là những trở ngại trong việc vay tiền, khi xây dựng những căn nhà nhỏ, các ngân hàng thường đưa ra những khoản vay trung hạn đến bảy năm với mức lãi suất cao hơn nhiều so với các khoản vay thông thường. Với những căn nhà lưu động trên bánh xe, người mua khó có thể được cấp các khoản cho vay truyền thống.
Tuy nhiên, “chướng ngại” chính ở đây là vấn đề pháp lý. Nhiều nơi ở Mỹ có các quy định yêu cầu nhà phải đạt được diện tích tối thiểu. Điều này không cấm các căn nhà nhỏ, nhưng sẽ khiến chúng trở nên rất đắt đỏ khi tính đến giá đất. Hầu hết các thành phố và thị trấn ở Mỹ đều cấm cư dân sống quanh năm trong bất kỳ hình thức nhà ở nào trên bánh xe và thường có quy định yêu cầu các căn nhà phải rộng ít nhất 900 foot vuông.
Nhiều bang ở Mỹ như Colorado, Nevada và North Carolina được xem là cởi mở hơn trong vấn đề này, nhưng hầu hết các khu vực đông dân nhất nước Mỹ nhìn chung vẫn “ngó lơ” xu hướng nói trên.
Các quy định này đang được thay đổi dần. Hiệp hội Các chủ thầu xây dựng Mỹ cho biết một điều luật về xây dựng mới được cập nhật đã nới lỏng các yêu cầu nhất định đối với các căn nhà nhỏ, như chiều cao trần nhà và những thông số về cầu thang. Với chiều hướng này, nhà nhỏ hứa hẹn sẽ là một xu hướng lớn chi phối thị trường bất động sản Mỹ trong những năm tới.
ẩm thực đồ biển Trung Hoa ngon nhất vùng Melbourne
Article sourced from VIETNAMPLUS.
Original source can be found here: http://www.vietnamplus.vn/nguoi-my-dang-ngay-cang-co-xu-huong-chuong-nhung-can-nha-nho/583051.vnp