Người Anh rộn ràng trong 'ngày tự do'

16:00' 20-07-2021
Thủ tướng Anh Johnson kêu gọi mọi người thận trọng trong ngày tự do 19/7, khi nước này dỡ gần như toàn bộ biện pháp hạn chế chống Covid-19.


    Thế giới đã ghi nhận 191.184.903 ca nhiễm nCoV và 4.105.232 ca tử vong, tăng lần lượt 430.580 và 6.555, trong khi 174.142.155 người đã bình phục, theo trang thống kê thời gian thực Worldometers.

    Anh, vùng dịch lớn thứ bảy thế giới, hiện ghi nhận 5.433.939 ca nhiễm và 128.708 ca tử vong do nCoV, tăng lần lượt 48.161 và 25 ca so với một ngày trước đó. Quốc gia này đã dỡ gần như toàn bộ biện pháp hạn chế chống Covid-19 vào ngày 19/7.

    "Nếu chúng ta không làm điều đó ngay bây giờ, chúng ta phải tự hỏi vậy liệu bao giờ mới có thể làm được? Đây là thời điểm thích hợp, nhưng chúng ta phải hành động thận trọng. Chúng ta phải nhớ điều đáng buồn là virus vẫn hiện hữu ngoài kia", Thủ tướng Anh Boris Johnson nói trong video được đăng tải hôm 18/7, đề cập tới quyết định "thả cửa" Covid-19.

    Chính phủ Anh thông báo chính thức dỡ bỏ các hạn chế chống Covid-19, bất chấp sự phản đối của hàng nghìn nhà khoa học và chính trị gia đối lập. Ngay từ 0h ngày 19/7, Anh cho phép mở cửa trở lại hộp đêm trong khi các địa điểm khác được hoạt động hết công suất. Quy định về làm việc tại nhà và đeo khẩu trang cũng được dỡ bỏ.

    Người dân xếp hàng chờ được vào hộp đêm ở London, Anh, khi nước này dỡ gần như toàn bộ biện pháp chống Covid-19 từ 0h ngày 19/7. Ảnh: Reuters.

    Người dân xếp hàng chờ được vào hộp đêm ở London, Anh, khi nước này dỡ gần như toàn bộ biện pháp chống Covid-19 từ 0h ngày 19/7. Ảnh: Reuters.

    Quyết định dỡ các biện pháp hạn chế chống dịch của chính quyền Thủ tướng Johnson sẽ cho phép nền kinh tế Anh khởi động lại sau loạt tổn thất về các đợt phong tỏa từ tháng 3/2020.

    Nếu vaccine Covid-19 tiếp tục chứng minh hiệu quả trong giảm nguy cơ trở nặng và tử vong ngay cả khi ca nhiễm không ngừng gia tăng, quyết định của chính phủ Anh có thể là hình mẫu cho các nước có tỷ lệ tiêm chủng cao về cách mở cửa trở lại.

    Tuy nhiên, chiến lược này cũng đi kèm rủi ro, đặc biệt là khi các biến chủng đang lan rộng. 1.200 nhà khoa học quốc tế đã cảnh báo việc Anh dỡ gần như toàn bộ biện pháp hạn chế chống Covid-19 có thể là mối đe dọa với thế giới.

    Nhiều chuyên gia lo ngại vị trí của Anh như một trung tâm giao thông toàn cầu đồng nghĩa với việc bất cứ biến chủng nCoV mới nào xuất hiện tại đây sẽ nhanh chóng lan khắp thế giới. Một số người còn lo ngại nhiều chính quyền vì lý do chính trị sẽ học theo Anh mở cửa.

    Mỹ, vùng dịch lớn nhất thế giới, báo cáo 34.963.332 ca nhiễm và 624.745 ca tử vong do nCoV, tăng 9.395 ca nhiễm và 30 ca tử vong so với một ngày trước đó.

    Giám đốc Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) Mỹ Rochelle Walensky hôm 16/7 cảnh báo Covid-19 đang trở thành đại dịch của những người không tiêm vaccine. Ca nhiễm nCoV ở Mỹ đang tăng mạnh ở các khu vực có tỷ lệ tiêm vaccine thấp.

    Tính đến 18/7, 186.038.501 người Mỹ đã được tiêm ít nhất một mũi vaccine Covid-19 trong khi 161.232.483 người đã được tiêm chủng đầy. Với tốc độ hiện tại, Mỹ khó lòng đạt được mục tiêu tiêm vaccine cho 70% người trưởng thành vào cuối tháng 7.

    Ấn Độ là vùng dịch lớn thứ hai thế giới với 31.143.595 ca nhiễm và 414.141 ca tử vong, tăng so với hôm trước lần lượt 38.325 và 501 ca. Sau làn sóng bùng phát Covid-19 thảm khốc hồi tháng 4-5, các chuyên gia cảnh báo Ấn Độ có thể tiếp tục hứng đợt bùng phát mới trong vài tuần tới.

    Truyền thông Ấn Độ cuối tuần qua đưa tin chính phủ nước này đã đặt 660 triệu liều vaccine Covid-19 cho tháng 8-12 khi giới chức cùng chuyên gia y tế lo ngại tình trạng thiếu hụt vaccine có thể khiến ca nhiễm nCoV tăng trở lại.

    Pháp, vùng dịch lớn thứ năm thế giới, báo cáo 5.867.730 ca nhiễm và 111.472 ca tử vong do nCoV, tăng so với một ngày trước đó lần lượt 12.532 và 5 ca. Ca nhiễm nCoV hàng ngày ở Pháp đã vượt 10.000 trong ba ngày liên tiếp. Biến chủng Delta được cho là gây ra đợt bùng phát mới tại Pháp.

    Hơn 100.000 người Pháp đã xuống đường biểu tình khắp cả nước cuối tuần qua nhằm phản đối kế hoạch tiêm chủng của Tổng thống Emmanuel Macron, trong đó gồm tiêm vaccine bắt buộc với nhân viên y tế và yêu cầu người dân trình giấy chứng nhận âm tính nCoV hoặc chứng nhận đã tiêm vaccine để vào những địa điểm công cộng như nhà hàng và rạp chiếu phim.

    Người biểu tình cho rằng điều này đã xâm phạm quyền tự do của những người không muốn tiêm vaccine. Nhiều cuộc biểu tình đã diễn ra trên khắp nước Pháp từ đầu tuần, buộc cảnh sát bắn đạn hơi cay để giải tán đám đông.

    Indonesia báo cáo 1.093 ca tử vong do nCoV trong 24 giờ qua, mức tăng kỷ lục từ khi đại dịch xuất hiện tại quốc gia này, nâng tổng số người chết lên 73.582. Số ca nhiễm mới tại Indonesia là 44.721, cao thứ hai thế giới sau Anh.

    Tâm dịch mới của châu Á từ tuần trước đã tiến hành các biện pháp hạn chế chặt chẽ hơn, bao gồm đóng cửa các trung tâm mua sắm, nhà hàng và văn phòng tại thủ đô Jakarta, đảo Java và đảo Bali.

    Bộ trưởng Tôn giáo Indonesia Yaqut Cholil Qoumas cảnh báo người dân không tụ tập và chuyển sang cầu nguyện tại nhà cho lễ hội Hồi giáo Eid-al-Adha sắp tới để tránh nguy cơ lây lan Covid-19. "Khi chính phủ ban hành các quy định bảo vệ người dân, đó là điều bắt buộc", Bộ trưởng Qoumas nhấn mạnh.

    Thái Lan trong 24 giờ qua báo cáo thêm 11.397 ca nhiễm và 101 ca tử vong, nâng tổng số ca nhiễm và tử vong vì Covid-19 của nước này lên lần lượt 403.386 và 3.341.

    Chính phủ Thái Lan hôm 18/7 công bố các biện pháp hạn chế chống Covid-19 nghiêm ngặt hơn tại thủ đô Bangkok và các tỉnh có nguy cơ cao, có hiệu lực từ tuần này. Các biện pháp hạn chế mới sẽ đình chỉ hầu hết các chuyến bay nội địa và mở rộng khu vực giới nghiêm sau khi Thái Lan nhiều ngày tăng ca nCoV cao kỷ lục.

    Số ca nhiễm tăng nhanh dẫn đến tình trạng thiếu giường bệnh trầm trọng, khiến giới chức phải cho phép bệnh nhân triệu chứng nhẹ hoặc không triệu chứng được cách ly tại nhà và các trung tâm cộng đồng. Thái Lan cũng cho phép người dân sử dụng bộ xét nghiệm Covid-19 ngay tại nhà.

    Myanmar ghi nhận 5.285 ca nhiễm mới và 231 ca tử vong do Covid-19, nâng tổng số lên lần lượt 229.521 và 5.000. Nhiều bác sĩ và các cơ sở tang lễ Myanmar cho biết ca tử vong thực tế ở nước này cao hơn nhiều so với báo cáo.

    Quốc gia này đang đối mặt với đợt bùng phát lớn khi hàng nghìn nhân viên y tế đình công để phản đối cuộc đảo chính hồi tháng hai. Trong những ngày gần đây, hàng trăm người đã xếp hàng để mua oxy trên khắp Yangon và thành phố lớn thứ hai đất nước Mandalay.



    Mời bạn bầu chọn hay chia sẻ trên Facebook:

Bạn đang tìm dịch vụ về ?
SUPA VALU Vùng: Delahey. Phone: 9362 1207
Xem thêm

Article sourced from VNEXPRESS.

Original source can be found here: https://vnexpress.net/anh-buoc-vao-ngay-tha-cua-covid-19-4326743.html


Để lại Tên và mobile, chúng tôi sẽ tìm cho bạn những nhà cung cấp dịch vụ tốt nhất.

TÌM DỊCH VỤ