Ngôi làng không xe hơi được ví như 'Venice của Hà Lan'
Sinh sống và làm việc ở Prague (CH Czech), nhiếp ảnh gia Ha Tomas có cơ hội ghé thăm nhiều điểm đến nổi tiếng trên khắp châu Âu. Trong chuyến đi 3 ngày 2 đêm đến Hà Lan, anh dành ngày thứ hai để khám phá Giethoorn - ngôi làng nổi tiếng của xứ sở hoa tulip. |
Ngôi làng nổi tiếng với biệt danh "Venice của Hà Lan" nhờ hệ thống kênh đào chằng chịt và hàng trăm cây cầu gỗ. Tính tới nay, tuổi đời của ngôi làng đã lên tới hơn 700 năm. |
"Đây là lần đầu tôi ghé thăm Hà Lan và dĩ nhiên cũng là lần đầu được tận mắt chiêm ngưỡng ngôi làng cổ tích Giethoorn. Có một sự thanh bình khó tả khi vừa đặt chân đến đây", nhiếp ảnh gia người Việt chia sẻ. |
Những chiếc xe đạp di chuyển quanh ngôi làng để lại nhiều ấn tượng đẹp cho anh Ha Tomas. Nhiếp ảnh gia này cho biết các lối đi bên trong làng chỉ dành cho người đi bộ và phương tiện chính của họ là xe đạp, thuyền. Ngoài việc nổi tiếng về cảnh quan, ngôi làng cũng có khá nhiều quán ăn ngon. "Tôi mê món cá nướng than ở đây, ngon tuyệt vời", anh cho biết. |
Ngôi làng có khoảng 2.600 cư dân sinh sống trong các ngôi nhà mái tranh cổ kính, trước sân trồng nhiều loại hoa rực rỡ. Làng Giethoorn yên tĩnh tới mức âm thanh lớn nhất du khách có thể nghe được là tiếng vịt kêu. |
Ngôi làng nổi lên như điểm du lịch hàng đầu châu Âu sau khi được chọn làm bối cảnh phim hài Fanfare năm 1958. Để đến Giethoorn từ Amsterdam, bạn sẽ phải lái xe khoảng 1,5 giờ. Du khách đi ôtô tới làng sẽ phải đỗ xe gần trung tâm và thuê xe đạp, cano để đi dạo. |
Ngôi làng được xây dựng khoảng năm 1230 bởi một nhóm người Địa Trung Hải di cư. Khi đang làm việc trên cánh đồng, cư dân vô tình phát hiện rất nhiều sừng dê bị vùi lấp trong lòng đất. Từ đó, họ đặt tên ngôi làng là Giethoorn, với ý nghĩa nơi khai quật sừng dê. |
"Tôi đã tìm hiểu nhiều về Giethoorn trước chuyến đi. Nhìn chung, không có gì để thất vọng về ngôi làng được ví như Venice của Hà Lan", anh Ha Tomas chia sẻ với Zing. |
Article sourced from NEWS.
Original source can be found here: http://news.zing.vn/ngoi-lang-khong-oto-trong-mat-nhiep-anh-gia-viet-post1311982.html