Ngồi là tư thế gây nguy cơ bệnh lý cột sống nhiều nhất
Giáo sư Nabil A Ebraheim, Trưởng khoa Ngoại chỉnh hình, Trường đại học Toledo Medical Center (Hoa Kỳ) cho biết thông tin này trong hội thảo "Vai trò điều trị các bệnh lý cơ xương khớp, các chứng đau bằng y học cổ truyền kết hợp y học hiện đại" diễn ra tại Viện Y Dược học dân tộc Sài Gòn.
Ngồi là tư thế gây nguy cơ bệnh lý cột sống nhiều nhất
Cụ thể theo chuyên gia, ngồi là tư thế có nguy cơ gây thoát vị đĩa đệm hoặc bệnh lý cột sống nhiều nhất.
Dù có tư thế ngồi đúng thì áp lực trên đĩa đệm đã tăng 1,4 lần so với tư thế đứng thẳng và tăng gần gấp 6 lần so với tư thế nằm ngửa.
Bác sĩ thăm khám cổ, cột sống cho bệnh nhân.
Với tư thế ngồi khom cúi người ra phía trước sẽ tạo ra rất nhiều nguy cơ xấu như:
- Gây áp lực trên đĩa đệm tăng vọt gần gấp 2 lần so với tư thế đứng thẳng;
- Các đốt sống bị chèn ép phía trước ép đĩa đệm về phía sau, tăng nguy cơ thoát vị đĩa đệm, trượt đốt sống;
- Ngồi sai tư thế khiến toàn bộ cột sống bị biến đổi cấu trúc;
- Gây nên bệnh cột sống cổ - ngực - lưng: ảnh hưởng máu đến não, ảnh hưởng chức năng vận động (yếu, liệt), rối loạn cảm giác (tê, đau, mỏi, nóng rát, buốt...).
Căn bệnh gây yếu liệt, mất kiểm soát khả năng tiêu tiểu
Các bác sĩ cho biết, thoát vị đĩa đệm là bệnh khá phổ biến tại Việt Nam cũng như các nước trên thế giới. Hằng năm, số người mới mắc đau thần kinh tọa do thoát vị đĩa đệm chiếm từ 5-10% dân số.
Là căn bệnh dễ mắc nhưng lại khó điều trị, thoát vị đĩa đệm ngày càng ảnh hưởng lớn đến cuộc sống người bệnh.
Các nguyên nhân gây thoát vị đĩa đệm thường gặp là do người bệnh bị thoái hóa, chấn thương hoặc có bệnh lý về cột sống.
Bên cạnh đó, người thường xuyên làm các công việc nặng nhọc, ngồi sai tư thế lâu ngày hoặc mắc các bệnh lý đái tháo đường, viêm đa khớp dạng thấp, gút… đều có nguy cơ cao bị thoát vị đĩa đệm.
Một bệnh nhân bị thoát vị đĩa đệm với triệu chứng là tê yếu chân.
Bệnh thường khởi phát sau một thời gian dài đau lưng âm ỉ hoặc khởi phát đột ngột sau khi cúi người xuống làm việc nặng.
Triệu chứng của thoát vị đĩa đệm thường là đau lưng dữ dội, cơn đau giảm khi nằm nghỉ nhưng sẽ tái phát khi ngồi, đi lại hoặc thậm chí khi hắt hơi.
Những cơn đau do thoát vị đĩa đệm làm suy giảm nghiêm trọng chất lượng cuộc sống của người bệnh.
Trường hợp nặng có thể khiến người bệnh yếu liệt, không kiểm soát được khả năng tiêu tiểu.
Rất nhiều trường hợp thoát vị đĩa đệm trước đó đã điều trị sai phương pháp, chẳng những gây tốn kém thời gian, chi phí điều trị mà còn khiến bệnh ngày càng trầm trọng hơn.
Bác sĩ khuyến cáo người dân cần phải tránh làm việc mang vác nặng, khom cúi không đúng tư thế, có chế độ sinh hoạt lành mạnh, chế độ tập luyện thể dục thể thao phù hợp với tình trạng sức khỏe để giúp tránh thoái hóa cột sống và thoát vị đĩa đệm.
Ghế ngồi đúng giúp bảo vệ cột sống, cổ, lưng
Giáo sư Nabil cho rằng, muốn ngồi đúng trước tiên phải có một chiếc ghế đúng.
Cụ thể, phải là ghế có lưng tựa và đỡ được phần mông, thắt lưng;
Mặt ghế có thể giữ chặt mông sát với lưng ghế;
Tư thế ngồi sai (bên trái) và đúng khi làm việc. (Ảnh: Vikicare)
Chiều cao của mặt ghế phù hợp với chiều cao của một người ngồi, hai bàn chân đặt được trên mặt đất.
Các tư thế ngồi đúng
Trục cơ thể rơi vào vị trí cột sống cổ, lưng. Cổ và lưng uốn cong ra trước, ngực uốn nhẹ ra sau.
Xương chậu thẳng đứng, cân xứng, xương cùng ở trên cao.
Trục cơ thể nằm trên cột sống cổ và lưng.
Ngồi sát mông vào lưng ghế để trục cơ thể luôn thẳng giúp bảo vệ và phòng bệnh cột sống.
Toàn bộ cột sống cổ - ngực - lưng có độ cong tốt nhất.
Bác sĩ khẳng định tư thế ngồi đúng giúp lượng tưới máu não đáp ứng tốt hơn, tăng đáng kể khả năng làm việc và học tập.
Article sourced from KENH14.
Original source can be found here: http://kenh14.vn/bac-si-tiet-lo-su-that-ngo-ngang-ngoi-dung-tu-the-cung-co-nguy-co-mac-can-benh-gay-yeu-liet-nguoi-20191107175056238.chn