Nghệ thuật sống thật với chính mình...
Chúng ta đều đã quên mất cách sống thật với mình, thay vào đó lại liên tục bắt chước và so sánh bản thân với người khác. Ta bắt chước cách sống của người ngoài từ kiểu ăn mặc cho đến cách đi đứng. Nếu thấy ai đó diện đồ mới, ngày mai bạn sẽ tìm mua ngay bộ cánh đó. Cô gái kia mặc chiếc váy trông thật đẹp, mình cũng phải sắm ngay bộ cánh mới. Rồi bạn sẽ so sánh, xem mình hơn hay kém. Chúng ta thường gắn những nhãn mác “xấu, đẹp”, “thời thượng, cổ hủ” cho bản thân và mọi người để rồi thay vì biết hài lòng, chúng ta lại thấy ganh tị. Khi để bản ngã kiểm soát, chúng ta rất nỗ lực hướng mọi việc theo ý thích của mình, nhưng điều đó lại che lấp những phẩm chất tốt đẹp sẵn có nơi mỗi người. Tâm phân biệt nhị nguyên dẫn đến vô số vấn đề và kết thúc là sự thất vọng vì đơn giản là bạn đã hy vọng quá nhiều.
Bản ngã làm nền cho sự bám chấp phát triển. Khi suy ngẫm kỹ, bạn sẽ hiểu rằng chính bản ngã châm ngòi cho các cảm xúc phiền não thiêu đốt bản thân và cả những người xung quanh. Những cảm xúc này rất mãnh liệt, không chỉ não hại trong khoảnh khắc đó mà còn tạo nên sự bất an sâu sắc. Những cảm xúc này khiến bạn thầm chỉ trích bản thân, dẫn tới sự lo âu và cảm nhận là mọi việc, hoặc bản thân bạn có vấn đề. Với một số người, sự lo âu khiến họ tiếp tục thấy mình chưa đủ tốt và nghi ngờ các quyết định của bản thân. Bạn bị nhấn chìm bởi những tiêu chuẩn bất khả thi do chính mình đặt ra. Tự sâu thẳm bạn biết rằng không có ai là hoàn hảo, nhưng thay vì giải phóng bản thân khỏi suy nghĩ đó, bạn lại để mình bị chồng chất thêm áp lực.
Bản ngã ưa thích sự lo âu bởi nó khiến bạn bị trói buộc dựa trên những định kiến trong quá khứ về bản thân thay vì con người thực sự trong hiện tại của bạn. Tương tự như vậy, có một mối liên hệ mật thiết giữa những kỳ vọng lớn lao mọi người dành cho chúng ta từ khi còn nhỏ với tỷ lệ bệnh trầm cảm. Bệnh trầm cảm đang tăng trưởng tới mức báo động ở các nước phương Tây. Sự hoành hành của căn bệnh này quả là điều đáng buồn của thế giới hiện đại. Căn bệnh này cần mất nhiều thời gian để điều trị. Trầm cảm thực chất là sự hiểu nhầm về bản thân, khiến người ta rơi vào trạng thái rối loạn tâm trạng, gây ra một cảm giác buồn và mất hứng thú kéo dài dai dẳng dẫn đến những vấn đề đa dạng về tinh thần và thể chất.
Đối thủ lớn nhất của bạn là ai?
Khi bị bản ngã chi phối, một số người có cảm giác hổ thẹn, thậm chí tủi nhục. Đó là cảm giác gắn liền với ký ức từ khi còn thơ ấu. Bản ngã bám lấy những ký ức và cảm xúc này, tái hiện lại chúng khi cần. Bản ngã còn muốn bạn phải gắn chặt với cảm giác tội lỗi đó. Để đương đầu với bản ngã, bạn cần có sự chuẩn bị thật kỹ càng.
Một phẩm chất quan trọng là sự khiêm nhường. Trước khi có thể học và đón nhận bất kỳ tri thức gì, bạn cần có thái độ khiêm tốn và giảm thiểu sự kiêu mạn. Đức tính này được tôi luyện qua sự thực hành vô ngã. Nếu bạn vẫn bám chấp vào thân thể, diện mạo, tuổi trẻ, của cải của mình, thì không tài nào khiêm tốn được. Nếu thiếu sự khiêm nhường, thái độ kiêu mạn sẽ như quả bóng được thổi căng lên. Bởi bên trong rỗng không, một cái kim chọc vào cũng khiến nó nổ tung. Kiêu mạn là như vậy: to lớn, nhưng không có thực chất. Nó luôn vỗ ngực tự kiêu: “Tôi thế này, tôi thế kia”, tự phóng lớn hình ảnh của mình. Kiêu mạn khiến bạn đánh mất khả năng đón nhận, trong khi khiêm nhường giúp bạn rộng mở với mọi cơ hội. Bất cứ điều gì bạn muốn biết, những gì người khác nói với bạn, bạn lắng nghe và chấp nhận. Nhận thức về bản thân là một hành trình đi vào nội tâm tìm hiểu điều gì tạo nên con người bạn. Nếu bạn không là chính mình, hành trình này sẽ không đi tới đâu cả! Khi tách rời khỏi bản ngã, bạn sẽ hiểu bản ngã chi phối sai sử mình như thế nào.
Article sourced from GUU.
Original source can be found here: https://guu.vn/nghe-thuat-song-that-voi-chinh-minh-6Tp8Z9rUufbg9.html