Nga khó dùng biện pháp mạnh để ngăn Phần Lan gia nhập NATO
Chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraine đã phá vỡ trật tự thời kỳ hậu Chiến tranh Lạnh kéo dài 30 năm qua ở châu Âu. Một trong những tác động quan trọng và bất ngờ nhất là việc Phần Lan, quốc gia từ lâu duy trì chính sách không liên minh quân sự, có thể sớm gia nhập NATO cùng với nước láng giềng Thụy Điển.
Phần Lan có chung đường biên giới dài hơn 1.300 km với Nga và thủ đô Helsinki còn gần với quê hương St. Petersburg của Tổng thống Vladimir Putin hơn so với thủ đô Stockholm của Thụy Điển. Biên giới đất liền giữa NATO và Nga sẽ tăng gấp đôi nếu Phần Lan gia nhập khối này.
Binh sĩ huấn luyện tại một thao trường ở tây nam Phần Lan hồi tháng 1. Ảnh: Yle.
Phần Lan từng có một thế kỷ thuộc đế chế Nga trước khi giành độc lập vào năm 1917. Năm 1939, cuộc chiến mùa đông bùng phát giữa Phần Lan và Liên Xô, xuất phát từ những tính toán an ninh địa chính trị trong Thế chiến II và mâu thuẫn mang tính lịch sử giữa hai bên.
Phần Lan trở thành nước trung lập thông qua hiệp ước hữu nghị với Liên Xô năm 1948, với kỳ vọng ngăn tái diễn cuộc chiến mùa đông từng khiến hơn 80.000 quân nhân nước này thiệt mạng.
Sau khi Liên Xô tan rã, Phần Lan đã gia nhập Liên minh châu Âu (EU) vào năm 1995. Cùng với phần còn lại của EU, Helsinki phê chuẩn Hiệp ước Lisbon năm 2007, trong đó cam kết mỗi thành viên sẽ hỗ trợ bất kỳ nước nào khác bị tấn công quân sự.
Sau khi sáp nhập bán đảo Crimea năm 2014, Nga bắt đầu gây áp lực đối với Phần Lan, coi quốc gia này không khác gì các thành viên NATO xung quanh, theo giáo sư Kimberly Marten, chuyên gia về khoa học chính trị tại Đại học Columbia, Mỹ. Tuy nhiên, Helsinki vẫn lựa chọn chính sách không liên minh quân sự và không mặn mà với phương án gia nhập NATO, do người dân nước này lo ngại kịch bản đối đầu với Nga.
Cuộc khảo sát vào mùa thu năm 2021 cho thấy chưa đến 1/3 dân số Phần Lan ủng hộ gia nhập NATO, xu hướng đã kéo dài suốt nhiều thập kỷ. Thay vào đó, người Phần Lan thích được xem như cầu nối kinh tế và ngoại giao giữa Nga với phương Tây.
Trước đại dịch, kim ngạch thương mại song phương giữa Nga với Phần Lan thường trên 10 tỷ USD, biến Moskva thành một trong 5 đối tác thương mại hàng đầu của Helsinki. Hơn 900 doanh nghiệp Phần Lan đầu tư vào Nga năm 2019.
Tuy nhiên, xung đột Ukraine đã nhanh chóng thay đổi dư luận Phần Lan. Hiện tại, phần lớn công chúng và hầu hết đảng chính trị ở Phần Lan đều ủng hộ gia nhập NATO. Quốc gia này có khả năng sẽ nộp đơn xin gia nhập trước hội nghị thượng đỉnh NATO tại Madrid vào cuối tháng 6.
Tư cách thành viên NATO sẽ mang lại cho Phần Lan đảm bảo an ninh tập thể của liên minh quân sự hùng mạnh nhất thế giới. Tuy nhiên, nó cũng có thể làm đảo lộn mối quan hệ kinh tế truyền thống giữa Phần Lan với Nga, đồng thời khiến Helsinki đứng trước nguy cơ hứng chịu các biện pháp trả đũa của Moskva.
Ngoài biên giới đất liền, Phần Lan và Nga còn là những quốc gia ven biển dọc Vịnh Phần Lan. Vịnh này đổ ra Biển Baltic, nơi có vùng lãnh thổ hải ngoại Kaliningrad mà Hạm đội Biển Đen của Nga đóng quân. Ở bờ đông của Biển Baltic là các thành viên NATO gồm Đức, Ba Lan, Estonia, Latvia và Litva.
Vị trí các nước xung quanh Biển Baltic. Đồ họa: SWP.
Kaliningrad nằm giữa Ba Lan và Litva, nên việc NATO thêm Phần Lan và Thụy Điển sẽ gây ra những tác động địa chính trị lớn, theo giáo sư Marten. Nó sẽ ảnh hưởng tới khả năng duy trì quyền tiếp cận trên biển và trên không của Nga tới vùng lãnh thổ Kaliningrad nếu xảy ra chiến tranh, vì hành lang nối vùng lãnh thổ này với Nga sẽ bị bao quanh bởi các thành viên NATO.
Việc trở thành thành viên NATO cũng tiềm ẩn nguy cơ biến quân đội Phần Lan thành lực lượng tuyến đầu trong cuộc đối đầu căng thẳng giữa khối với Nga. Chuyên gia Marten cho rằng mối quan tâm hiện nay là Moskva sẽ phản ứng thế nào đối với nguyện vọng gia nhập NATO của Phần Lan.
Trong thời gian chờ được phê duyệt làm thành viên chính thức, Phần Lan sẽ chưa được đảm bảo an ninh theo nguyên tắc phòng thủ chung của NATO. Marten cho rằng giai đoạn chuyển tiếp này có thể là khoảng thời gian Nga tiến hành những động thái răn đe để buộc Phần Lan từ bỏ ý định tham gia liên minh quân sự.
"Chúng tôi từng nhiều lần khẳng định NATO là công cụ hướng tới đối đầu và việc mở rộng liên minh này sẽ không mang đến ổn định cho châu Âu", phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết hôm 11/4.
Nga được cho là đã bắt đầu đưa thêm các hệ thống vũ khí hạng nặng và tên lửa tới gần biên giới Phần Lan, sau khi Helsinki công bố ý định gia nhập NATO. Tuy nhiên, các nhà hoạch định chính sách ở Điện Kremlin có thể sẽ cân nhắc rất kỹ khả năng sử dụng biện pháp quân sự, theo Marten.
Kể từ năm 2014, lực lượng phòng vệ với 280.000 thành viên của Helsinki đã được tái cấu trúc để phản ứng nhanh với chiến tranh lai, loại hình chiến tranh kết hợp nhiều phương thức, từ chính trị, quân sự cho tới tấn công mạng. Hồi đầu tháng 4, chính phủ Phần Lan đã tăng thêm 2 tỷ USD chi tiêu quốc phòng, cao hơn 70% so với ngân sách quân sự thường niên. Quyết định tăng ngân sách có thể là nhằm đáp ứng mục tiêu chi 2% GDP cho quốc phòng mà NATO đặt ra cho các thành viên.
Mỹ và các thành viên NATO có thể cung cấp hỗ trợ quốc phòng song phương cho Phần Lan trong quá trình chờ gia nhập, theo giới quan sát. Phần Lan đã mua vũ khí của Mỹ trong 30 năm và chỉ vài tuần trước khi xung đột Ukraine nổ ra, họ đã ký thỏa thuận trị giá 9 tỷ USD để mua 64 tiêm kích tàng hình F-35 của Mỹ.
Thủ tướng Phần Lan Sanna Marin (trái) họp báo cùng Thủ tướng Đức Olaf Scholz tại Berlin, Đức hồi tháng 3. Ảnh: Reuters.
Năng lực quân sự đáng gờm của Phần Lan cùng những đảm bảo an ninh của các thành viên NATO sẽ khiến Nga khó mở thêm một mặt trận khác, trong bối cảnh xung đột ở Ukraine chưa có dấu hiệu hạ nhiệt, theo Marten.
Katharine Wright, chuyên gia chính trị quốc tế tại Đại học Newcastle, Australia, cũng nhận định rằng Nga sẽ khó có hành động quân sự quyết liệt với Phần Lan khi nước này xin gia nhập NATO và nhận được đảm bảo an ninh khá vững chắc từ phương Tây.
"Nếu Nga đưa quân can thiệp vào Phần Lan như những gì đã xảy ra ở Ukraine, hành động đó sẽ làm gia tăng đáng kể nguy cơ nổ ra chiến tranh quy mô lớn", Wright nói. Nga sẽ không có đủ nguồn lực để kham nổi một lúc hai mặt trận như vậy.
Giới phân tích cho rằng Điện Kremlin có thể chọn cách gây áp lực khác với Phần Lan. Moskva nhiều khả năng sẽ sử dụng chiến dịch thông tin để khiến công chúng Phần Lan phản đối phương án gia nhập NATO. Hồi đầu tháng 4, giới chức Phần Lan đã cảnh báo công chúng về ảnh hưởng từ các chiến dịch chiến tranh thông tin sai lệch.
Mặc dù giới chức Nga đã cảnh báo về những hậu quả nếu Thụy Điển và Phần Lan gia nhập NATO, thậm chí leo thang nguy cơ hạt nhân, phát ngôn viên Điện Kremlin Peskov đã nói rõ rằng Nga không coi một bước đi như vậy là mối đe dọa hiện hữu và là động lực để Nga tái cân bằng lực lượng ở phía tây.
Giới quan sát cho rằng không thể biết chắc Tổng thống Putin sẽ phản ứng thế nào với việc Phần Lan gia nhập NATO, nhưng họ tin đây là bước đi hợp lý với Helsinki và Nga gần như không có công cụ hữu hiệu để đảo ngược quá trình này.
"Đối mặt với tình hình ngày càng khó đoán định do khủng hoảng Ukraine, Phần Lan có lẽ sẽ an toàn hơn khi ở trong NATO", Marten nhận định.
Article sourced from VNEXPRESS.
Original source can be found here: https://vnexpress.net/nga-kho-ngan-phan-lan-gia-nhap-nato-4459695.html