Nếu Britney Spears là "nữ hoàng hát nhép" thì Beyoncé chính là "thánh hát đè"
Ở ngay cả kinh đô giải trí của thế giới - Hollywood, bên cạnh việc hát live truyền thống, thì vấn đề hát nhép hoặc hát đè, cũng gây tranh cãi không kém, kéo dài suốt nhiều năm vẫn chưa bao giờ có hồi kết. Để có thể hiểu rõ hơn về việc: thế nào là hát nhép, thế nào là hát đè, mời các bạn cùng "chiêm ngưỡng" hai "tượng đài" của mỗi lĩnh vực: Britney Spears và Beyoncé.
Britney Spears - "Nữ hoàng hát nhép"
Ngoại trừ danh hiệu chính thức "Công chúa nhạc Pop" thì Britney Spears cũng gắn liền với danh hiệu "Nữ hoàng hát nhép" suốt ngần ấy năm sự nghiệp. Thật vậy, nhắc đến Britney Spears, một trong những hashtag nổi tiếng nhất (mà cũng tai tiếng nhất) nhất gắn liền với cô chính là hát nhép. Cô hát nhép miệt mài, hăng say, trời không biết thần không hay, hát nhép như một đam mê và là một điều hoàn toàn tự nhiên. Thậm chí, cộng đồng fan US-UK còn lan truyền câu nói đùa rằng: "Nếu bạn không phải Britney Spears, thì bạn không có quyền hát nhép!". Phải cách vài năm dài đằng đẵng, hiếm hoi lắm cô nàng mới "buộc miệng" hát live được một lần, và fan còn mừng hơn bắt được vàng.
"Hát nhép" ở đây có thể định nghĩa là việc mấp máy môi theo giai điệu và cả lời hát có sẵn sao cho hoàn toàn ăn khớp, khi lên sân khấu, hoàn toàn không phát ra bất kì tiếng động thực sự nào từ miệng. Thậm chí, trong nhiều trường hợp, micro cũng được tắt đi để... màn hát nhép tránh được các rủi ro. Điều này có nghĩa là, âm thanh mà khán giả nghe được hoàn toàn là âm thanh của studio, giọng hát đã qua chỉnh sửa, hoàn toàn không có tạp âm. Nếu như màn "nhép" diễn ra suôn sẻ thì không có vấn đề gì, nhưng mỗi khi bị "bể" do các sự cố sân khấu, danh tiếng của nghệ sĩ bị ảnh hưởng nghiêm trọng, thậm chí kéo cả sự nghiệp đi xuống.
Ngay từ những năm đầu debut, việc Britney Spears hát nhép đã bị chỉ trích dữ dội, thậm chí tại sân khấu Grammy năm 1999, cô nàng vẫn đối mặt với cáo buộc hát nhép. Từ đó về sau, gần như trong 90% các sân khấu trình diễn, Britney Spears đều hát nhép: từ tour lưu diễn đến các sân khấu trao giải cho đến các sự kiện âm nhạc. Đỉnh điểm vào năm 2007, khi Britney Spears có sân khấu Gimme More tại MTV VMAs đầy tai tiếng: không chỉ hát nhép lộ liễu, nhiều đoạn không khớp, thì thân hình xồ xề, vũ đạo quờ quạng cùng thần thái thiếu sức sống cũng khiến khán giả thất vọng nặng nề.
Nhưng ngược lại, cũng là Britney Spears, cũng là sân khấu lễ trao giải MTV VMAs, nhưng thời điểm là 6 năm trước, lúc đó, "Công chúa nhạc Pop" đã mang đến một trong những sân khấu đỉnh cao và mang tính biểu tượng của làng nhạc đại chúng. Và tất nhiên, sân khấu này cũng là... hát nhép! Tuy nhiên, vì vũ đạo quá bốc lửa, dàn dựng sân khấu đầy choáng ngợp với trăn vàng Miến Điện, hổ, báo, sư tử xuất hiện thật trên sân khấu, thần thái quá xuất sắc ở tuổi 19,... tất cả đều đã làm việc hát nhép công khai trở thành chuyện thứ yếu, không ai buồn nhắc đến. Nói cho công bằng, với vũ đạo cực kì phức tạp như vậy, thì việc hát live 100% gần như là không khả thi, đặc biệt với một ca sĩ có giọng hát yếu như Britney.
Beyoncé - Không thể không hát đè
Cùng thế hệ với Britney Spears, trong khi "Công chúa nhạc Pop" đã rời xa thời hoàng kim, thì ngược lại, Beyoncé ngày càng quyền lực và uy nghi trong đế chế nữ quyền được gầy dựng bởi riêng cô. Nếu như phong cách trình diễn của Britney Spears chú trọng vào sự quyến rũ và sexy trong từng vũ đạo, từng cử chỉ và ánh mắt, thì Beyoncé mang đến một phong cách mạnh mẽ, "hùng hục", đậm chất da màu và nữ quyền. Queen B vẫn luôn cố gắng hát live bất kì khi nào cô có thể, tuy nhiên, dù đã luyện tập và bảo vệ giọng hát kĩ lưỡng, Beyoncé cũng không phải là "thánh thần" để có thể hát live 100% trong bất kì lúc nào, thế nên, cô đã chọn cách "hát đè".
Việc hát đè ở đây có thể hiểu là một ca sĩ vẫn hát live bằng giọng thật của mình trên sân khấu, nhưng phần nhạc nền vẫn có sẵn giọng hát của chính ca sĩ đó được thu trước, thế nên trong cùng một lúc, khán giả sẽ nghe cả tiếng hát thật của nghệ sĩ lẫn tiếng của phòng thu. Đây được xem là một "thủ thuật" sân khấu cực kì thông dụng khắp nơi trên thế giới, nhằm đảm bảo chất lượng của màn trình diễn. Việc làm này thường được sử dụng trong nhiều trường hợp: các tour lưu diễn dài ngày với hàng chục bài hát được hát mỗi đêm, trong các màn trình diễn quan trọng được truyền hình trực tiếp hoặc các màn trình diễn đòi hỏi vũ đạo phức tạp.
Một trong những màn "hát đè" nổi tiếng nhất của Beyoncé chính là màn trình diễn Quốc ca Mỹ tại Lễ Nhậm chức lần thứ 2 của Tổng thống Barack Obama. Trên sóng truyền hình trực tiếp, khán giả đã được thưởng thức một trong những màn trình diễn Quốc ca Mỹ hay nhất trong lịch sử với những cú run/ riff và nhả chữ đậm chất r&b của Beyoncé. Tuy nhiên, sau khi màn trình diễn lên sóng, đông đảo khán giả đã phát hiện: Beyoncé đã không hề hát live trong màn trình diễn này. Sau đó, phía nữ ca sĩ quyền lực cũng đã thừa nhận: cô đã hát đè trong phần trình diễn này, phần giọng hát thu sẵn được ghi âm tại một phòng thu của quân đội Mỹ vài ngày trước đó.
Lí do Beyoncé phải hát đè khá rõ ràng: đây là sự kiện cực kì quan trọng mang tính chính trị, được theo dõi trực tiếp bởi hàng trăm nghìn người và được truyền hình trực tiếp đến hàng trăm triệu người, thế nên, để đề phòng tất cả bất trắc có thể, phía ban tổ chức của Lễ Nhậm chức đã chọn cách để nữ ca sĩ hát đè. Chỉ vài ngày sau đó, Beyoncé mở cuộc họp báo về vấn đề này, mở đầu bằng màn hát live 100% bản Quốc ca, dập tắt mọi nghi ngờ và đàm tiếu.
Beyoncé sau đó cũng có khá nhiều màn hát đè, tiêu biểu có thể nhắc đến sân khấu Billboard Music Awards 2011 khi cô có màn trình diễn Run The World (Girls) cực kì hoành tráng. Không chỉ có dàn vũ công phụ họa lên đến hàng trăm nữ chiến binh, kĩ thuật hologram và 3D khiến sân khấu hư hư ảo ảo, khiến khán giả không biết đâu là thật, đâu là ảnh dựng. Để có thể tương tác triệt để với màn hình, vừa thực hiện vũ đạo phức tạp, Beyoncé buộc phải hát đè lên những đoạn phức tạp, tuy nhiên giọng hát live của cô vẫn có thể nghe khá rõ.
Những ngày qua, có vẻ sự việc nữ ca sĩ Bích Phương hát nhép hay hát đè đang là một trong những chủ đề gây tranh cãi bậc nhất trong cộng đồng mạng Việt Nam. Những người bảo vệ Bích Phương, bao gồm nhiều đồng nghiệp, nhạc sĩ, nhà sản xuất, đạo diễn có tiếng của Vbiz, khẳng định Bích Phương đã sử dụng kĩ thuật "hát đè" trên nền backing vocals hoàn toàn hợp lệ. Trong khi đó, phía phản đối gồm một số giảng viên thanh nhạc có tiếng của nhạc viện, lại khẳng định việc làm của Bích Phương, dù sử dụng thuật ngữ nào, vẫn là hát nhép. Sự việc tranh cãi vẫn kéo dài đến tận ngày hôm nay.
Article sourced from KENH14.
Original source can be found here: http://kenh14.vn/neu-goi-britney-spears-la-nu-hoang-hat-nhep-thi-beyonce-cung-xin-duoc-phep-goi-la-ba-chua-hat-de-20191104212525176.chn