NATO lên chiến lược chống biến đổi khí hậu
Mùa hè ở Iraq ngày càng trở nên nóng nực, khiến các binh lính ngồi trong xe bọc thép phải chịu cực khổ. Cùng lúc này, lũ lụt là mối đe dọa với căn cứ hải quân lớn nhất thế giới, trong khi các tàu ngầm của Nga chứng kiến Bắc Cực "tan chảy", theo Washington Post.
Trước tình trạng này, Tổng thư ký Jens Stoltenberg muốn coi biến đổi khí hậu là vấn đề trọng tâm trong chiến lược của liên minh NATO. Giờ đây, vấn đề này có tầm quan trọng ngang hàng các mối đe dọa an ninh khác.
Một cuộc họp của liên minh NATO. Ảnh: AP. |
Trong cuộc họp hôm 23/3 tại Brussels (Bỉ), Tổng thư ký Stoltenberg hy vọng các nhà lãnh đạo NATO sẽ coi hội nghị thượng đỉnh cuối năm là dịp để cam kết giảm thiểu khí thải carbon trong hoạt động quân sự.
Ông Stoltenberg từng trả lời phỏng vấn: “Biến đổi khí hậu là nhân tố gây ra khủng hoảng. Nó làm thời tiết khắc nghiệt, gây ra hạn hán và lũ lụt, khiến con người phải di chuyển, phải cạnh tranh vì các nguồn tài nguyên dần khan hiếm”.
Thời điểm phù hợp
Quân đội ở các quốc gia từng lo ngại về tầm ảnh hưởng của biến đổi khí hậu. Song họ chỉ chú ý đến những thách thức an ninh mới và nguy cơ từ biến đổi khí hậu với cơ sở vật chất, cơ sở hạ tầng.
Việc tiếp cận vấn đề theo hướng toàn diện là điều hiếm thấy, đặc biệt như cách NATO đang thúc đẩy nỗ lực tổng hợp để loại bỏ khí thải nhà kính.
Tình trạng này bắt nguồn từ sự thiếu sót trong khâu hợp tác quản lý. Trên thực tế, quân đội kiểm soát nhiều vùng lãnh thổ, song lại không chú trọng về cách thức quản lý bền vững như các nhà hoạt động hay chuyên gia về biến đổi khí hậu.
Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg, từng làm đặc phái viên của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu, đang cố gắng tìm “tiếng nói chung” giữa quân đội và các chuyên gia.
Ông Stoltenberg khởi động các nỗ lực về biến đổi khí hậu, từ khi Tổng thống Mỹ Joe Biden lên nắm quyền. Trong 4 năm trước đó, cựu Tổng thống Donald Trump thường xuyên gọi biến đổi khí hậu là một “trò lừa đảo”, đồng thời đe dọa rút Mỹ ra khỏi liên minh NATO.
Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg từng là đặc phái viên của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu. Ảnh: Getty. |
Khi còn tại nhiệm, cựu Tổng thống Donald Trump không mặn mà với vấn đề biến đổi khí hậu. Do đó, các nhà lãnh đạo quân sự vừa phải “tự lực” với tình trạng nóng lên toàn cầu, vừa phải giúp chính quyền xác định nguyên nhân và đưa ra giải pháp.
Họ thường thảo luận với Nhà Trắng theo quy tắc “nói giảm nói tránh”. Ví dụ, một báo cáo của Bộ Quốc phòng, vốn soạn thảo từ thời Obama, đã phải thay đổi câu chữ để phù hợp với chính quyền của ông Trump.
Cụ thể, bản báo cáo loại bỏ hầu hết cụm từ liên quan đến biến đổi khí hậu, và dùng những cụm từ như “thời tiết khắc nghiệt” để miêu tả tình hình.
Vấn đề trọng tâm
Có thể nói, biến đổi khí hậu đang đặt ra những thách thức đặc biệt nghiêm trọng với quân đội Mỹ.
Đến nay, nhiều căn cứ quân sự của Mỹ, bao gồm Trạm Hải quân Norfolk ở Virginia, Học viện Hải quân ở Maryland và Trạm Radar Tầm xa Cape Lisburne tại Alaska, đều chịu ảnh hưởng của lũ lụt, hạn hán và nhiệt độ khắc nghiệt.
Những căn cứ khác, như Căn cứ Không quân Langley ở Virginia hay Căn cứ Không quân Peterson ở Colorado, cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng vì bão hoặc nạn cháy rừng. Theo các nhà khoa học, những hiện trượng thời tiết cực đoan này đều là hệ quả của biến đổi khí hậu.
Norfolk, nơi có căn cứ hải quân lớn nhất thế giới, có mực nước biển dâng cao và thủy triều liên tục thay đổi. Tại đây, lũ lụt đã trở thành một “đặc sản” ngay cả khi trời không mưa. Tình trạng ngập lụt cũng khiến giao thông ách tắc, gây thiệt hại đối với cơ sở hạ tầng.
Giờ đây, chính quyền Biden coi biến đổi khí hậu như một ưu tiên trong việc bảo đảm an ninh quốc gia. Đây cũng từng là nhiệm vụ trọng tâm trong chính quyền cựu Tổng thống Obama.
Tại Lầu Năm Góc, Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin mới thành lập một nhóm đặc nhiệm cấp cao về biến đổi khí hậu. Ông Austin cũng cho biết Bộ Quốc phòng Mỹ sẽ coi biến đổi khí hậu là một phần của kế hoạch và chiến lược quân sự.
Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cũng ủng hộ cam kết về khí hậu của ông Stoltenberg hôm 23/3. Ông Blinken tuyên bố: "Chúng tôi chia sẻ tầm nhìn của tổng thư ký NATO về việc ngăn chặn, phòng thủ các mối đe dọa, bao gồm các mối đe dọa như biến đổi khí hậu”.
Trong cuộc họp ngày 23/3, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg khuyến khích các nước bằng cách tuyên bố rằng việc “xanh hóa” quân đội có thể tạo ra nhiều cơ hội mới.
Ngoại trưởng các nước thành viên NATO và Tổng thư ký Jens Stoltenberg hội họp hôm 23/3. Ảnh: AP. |
Ví dụ, những chiếc xe tải chở đầy nhiên liệu, chạy dọc theo tuyến đường hiểm trở đến các căn cứ ở Afghanistan và Iraq, là một trong những lỗ hổng nguy hiểm nhất khi triển khai quân sự tại các quốc gia này.
Ông Stoltenberg nhận định: “Việc lắp đặt các tấm pin Mặt Trời, giảm sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch và tăng cường quyền tự chủ tại các căn cứ quân sự có thể cứu sống nhiều mạng người”.
Dù vậy, nỗ lực này vẫn đứng trước một thách thức lớn: Quân đội của các quốc gia ít khi công khai lượng khí thải carbon. Từ đó, việc chẩn đoán quy mô thải khí carbon có thể gặp nhiều khó khăn.
Theo một nghiên cứu của Đài quan sát Xung đột và Môi trường, ngành công nghiệp quân sự -quốc phòng đã tạo ra khoảng 1,6% tổng lượng khí thải carbon tại Anh, 1% tại Pháp, 0,8% tại Tây Ban Nha, và 0,5% tại Đức và Italy.
Chuyên gia Louise van Schaik từ tổ chức tư vấn các vấn đề toàn cầu Clingendael cho biết: “Đây là một phạm trù khá bí ẩn. Khi nói về biến đổi khí hậu, người ta ít đề cập đến quy mô khí thải từ hoạt động quân sự”.
Ông Stoltenberg cho rằng các nỗ lực về khí hậu của NATO cần trải dài ở nhiều lĩnh vực, từ việc cắt giảm lượng khí thải nói chung đến việc thiết kế trang phục giúp binh sĩ chịu được cái nóng 120 độ ở Iraq.
Theo ông Stoltenberg, hoàn toàn có khả năng loại bỏ động cơ chạy bằng nhiên liệu hóa thạch trên các phương tiện quân sự. Ông nói: “Chúng ta phải cấp tiến trong suy nghĩ. Thật kỳ lạ nếu xã hội có thể thay thế nhiên liệu hóa thạch mà quân đội không làm được điều này”.
Hội chợ Tết St Albans 2024
Article sourced from NEWS.
Original source can be found here: https://news.zing.vn/nato-xung-tran-trong-cuoc-chien-moi-post1196778.html