Mỹ - Trung tạm gác đối đầu để hợp tác kinh tế?
Sau cuộc hội đàm trực tuyến giữa Tổng thống Joe Biden và Chủ tịch Tập Cận Bình, các cuộc đối thoại để giải quyết bất đồng về thương mại đã được đẩy nhanh. Nhưng các chuyên gia nhận định vẫn còn lâu hai nước mới có thể đạt được đồng thuận trong hàng loạt vấn đề, theo South China Morning Post.
Gác lại đối đầu để hợp tác kinh tế
Sau thời gian đấu khẩu gay gắt, Washington và Bắc Kinh dường như đều chấp nhận giảm tông để cải thiện quan hệ kinh tế song phương, ít nhất trong ngắn hạn.
Tuy vậy, giới phân tích Trung Quốc vẫn hoài nghi ý đồ phía sau "cạnh tranh chiến lược" của Mỹ. Khả năng đàm phán hiện nay có thể tiến xa đến đâu cũng là điều chưa rõ, khi tại Điện Capitol, những quan điểm chống Bắc Kinh và cáo buộc Trung Quốc là nền kinh tế phi thị trường vẫn còn đó.
Cuộc hội đàm giữa Tổng thống Biden và ông Tập cho thấy hai nước mong muốn hạ nhiệt căng thẳng, nhưng vẫn còn khác biệt rất lớn trong hàng loạt vấn đề, từ kinh tế, cạnh tranh địa chính trị, công nghệ hay quyền con người.
Chen Fengying, chuyên gia Viện Quan hệ Quốc tế đương đại Trung Quốc, cho biết cam kết mua hàng theo từng giai đoạn của Bắc Kinh, bên cạnh vấn đề chuỗi cung ứng, sẽ là chủ đề các cuộc thảo luận trong tương lai, đặc biệt trong bối cảnh chính quyền Tổng thống Biden muốn làm giảm lạm phát tại Mỹ.
Tổng thống Biden và Chủ tịch Tập Cận Bình dự hội đàm trực tuyến hôm 16/11. Ảnh: Reuters. |
Nếu xung đột thương mại được tháo gỡ, Mỹ có thể hủy bỏ mức thuế 7,5% đánh vào số hàng hóa xuất khẩu trị giá 120 tỷ USD của Trung Quốc, đồng thời giảm nhẹ mức thuế 25% đánh vào số hàng hóa Trung Quốc trị giá 250 tỷ USD, bà Chen nói thêm.
Thỏa thuận thương mại giai đoạn 1 giữa hai nước ký tháng 1/2020 sẽ hết hạn vào 31/12 tới. Bà Chen cho rằng dù vẫn còn một số tranh cãi về vấn đề quyền sở hữu trí tuệ và cam kết mua hàng hóa từ Trung Quốc, thỏa thuận này nhìn chung có ý nghĩa tích cực.
"Thỏa thuận không cần đàm phán lại, tuy nhiên có thể cần một dạng cam kết mới", bà Chen nói.
Trung Quốc từng cam kết mua thêm 200 tỷ USD hàng hóa của Mỹ trong giai đoạn 2020-2021 so với mức năm 2017. Tuy nhiên đến nay, Bắc Kinh vẫn chưa hoàn thành mục tiêu này.
"Tổng thống Biden nhấn mạnh Trung Quốc cần thực hiện đầy đủ cam kết trong giai đoạn 1, ông muốn các cuộc đối thoại về thương mại đạt được tiến triển thật sự", thông cáo báo chí được Mỹ công bố sau hội đàm hôm 16/11 cho biết.
Trong khi các cuộc đàm phán tới đây có thể không đạt được nhiều tiến triển về sở hữu trí tuệ hay thỏa thuận mua hàng hóa, các doanh nghiệp Mỹ mong đợi những khúc mắc khác giữa hai nước được hóa giải.
Những vấn đề được quan tâm nhất là tạo điều kiện công bằng hơn để doanh nghiệp Mỹ tiếp cận thị trường Trung Quốc, nới lỏng hạn chế đi lại, chấm dứt trợ cấp cho các tập đoàn nhà nước, cũng như các nghĩa vụ của Trung Quốc tại Tổ chức Thương mại Thế giới WTO.
"Tôi hy vọng các cuộc họp sẽ sớm được lên kế hoạch để có thể thảo luận những vấn đề kinh tế, thương mại với Trung Quốc. Có rất nhiều vấn đề, nên hai bên cần nỗ lực hơn để giải quyết các thách thức.", Chủ tịch Hội đồng Doanh nghiệp Mỹ - Trung Craig Allen cho biết.
Vấn đề thương mại không còn được ưu tiên?
Dù có một số dấu hiệu cải thiện, giới chuyên gia hoài nghi khả năng các vấn đề thương mại thực sự được đặt ở vị trí hàng đầu trong ưu tiên của hai bên.
"Chính quyền ông Biden hiểu họ sẽ không thể đàm phán tạo ra những thay đổi với Trung Quốc, trừ khi Trung Quốc sẵn sàng thực hiện", Derek Scissons, chuyên gia tại tổ chức tư vấn chính sách American Enterprise Institute, nhận định.
"Thật khó có thể tưởng tượng Đại diện Thương mại Mỹ Katherine Tai có thể phạm sai lầm bằng cách khởi động một cuộc đối thoại toàn diện khác", ông Scissons nói thêm.
Phát biểu tại Viện Brookings hôm 16/11, Cố vấn An ninh Quốc gia Jake Sullivan cho hay Washington đang đánh giá những công cụ có trong tay đủ khả năng đối phó với hành vi kinh tế phi thị trường mà Bắc Kinh theo đuổi lâu nay.
Tới 17/11, Mỹ, Nhật và EU công bố gia hạn thỏa thuận đối tác 3 bên nhằm "giải quyết thách thức toàn cầu xuất phát từ các chính sách và hành vi phi thị trường" của các đối thủ. Lúc này, bà Tai đang trên đường đến Hàn Quốc và Ấn Độ để lôi kéo thêm đồng minh.
Tổng thống Biden lắng nghe phát biểu của ông Tập. Ảnh: Reuters. |
Từ phía Trung Quốc, các cố vấn chính sách lo ngại những thỏa thuận kinh tế trong tương lai có thể bị đe dọa nếu không duy trì quan hệ ngoại giao đủ êm thấm với Washington.
Tuy nhiên, Bắc Kinh dường như ngày càng tự tin hơn, cho rằng Trung Quốc đã có đủ sức mạnh kinh tế và đoàn kết chính trị nội bộ để ứng phó với thách thức từ Mỹ.
Xu Lin, thành viên đoàn đàm phán gia nhập WTO của Trung Quốc, cho rằng chính sách với Trung Quốc của chính quyền Biden không khác nhiều so với thời Trump.
"Mỹ sẽ viện dẫn các tiêu chuẩn kinh tế thị trường, cạnh tranh bình đẳng để ép Trung Quốc cải cách các doanh nghiệp nhà nước, chính sách công nghiệp, trợ cấp chính phủ, quyền của người lao động, khí hậu, sở hữu trí tuệ, thông qua các hiệp định song phương có tính ràng buộc", ông Xu nhận định.
Đồng thời, Mỹ cũng tiếp tục kiềm chế khả năng phát triển khoa học công nghệ của Trung Quốc để duy trì lợi thế, cựu quan chức Trung Quốc nói thêm. Ông này kết luận Mỹ sẽ tiếp tục các chính sách cứng rắn, thậm chí khắc nghiệt hơn, với Trung Quốc.
"Mỹ ưu tiên thảo luận với các đồng minh thay vì đàm phán trực tiếp với Trung Quốc, bởi họ nhận ra không thể một minh đối phó với Trung Quốc', Xu nói thêm.
Wang Yong, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Mỹ của Đại học Bắc Kinh, cho rằng đảng Dân chủ có thể không sẵn sàng nhượng bộ để đạt được thỏa thuận với Trung Quốc, trong bối cảnh tâm lý bài Trung đang dâng cao và bầu cử giữa nhiệm kỳ đã đến gần.
"Nếu nhìn vào kết quả cuộc chiến thuế quan, đứt gãy chuỗi cung ứng và các vấn đề kinh tế vĩ mô của chính họ, có thể thấy Mỹ đã không còn công cụ nào (để đối phó Trung Quốc). Gây sức ép với Trung Quốc giờ là điều rất khó thực hiện", ông Wang tuyên bố.
Article sourced from NEWS.
Original source can be found here: https://news.zing.vn/my-sap-het-cong-cu-thuong-mai-de-doi-pho-trung-quoc-post1278570.html