Mỹ rút bài học quan trọng từ chiến sự Nga - Ukraine
"Chúng tôi theo dõi từng ngày về những gì đang diễn ra ở Ukraine, những gì chúng tôi thấy ở lực lượng Nga và cố gắng thu thập nhiều bài học kinh nghiệm nhất có thể cho quân đội Mỹ trong tương lai", Bộ trưởng Lục quân Mỹ Christine Wormuth phát biểu trong sự kiện của Hội đồng Đại Tây Dương đầu tháng 6.
Lãnh đạo lục quân Mỹ đã nêu ra 5 bài học được đúc kết sau bốn tháng Nga mở chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine.
Bộ trưởng Lục quân Mỹ Christine Wormuth. Ảnh: BPQ Mỹ.
Đầu tiên là vấn đề chỉ huy trên chiến trường. Bà Wormuth nhận định quân đội Nga gặp vấn đề với bộ máy lãnh đạo trên chiến trường, khi ít nhất 4 tướng chỉ huy được xác nhận thiệt mạng. Hàng loạt chỉ huy cấp trung đoàn hoặc thấp hơn cũng được cho là đã tử trận.
Viện Nghiên cứu Chiến tranh (ISW), có trụ sở tại Mỹ, hồi tháng 4 chỉ ra một trong những trở ngại lớn nhất trong chiến dịch của Nga là "thiếu tổng chỉ huy thống nhất" cho các mặt trận, gây ra nhiều khó khăn về hiệp đồng tác chiến giữa các mũi tấn công trên chiến trường rộng lớn.
Lực lượng Nga không có tổng chỉ huy cao nhất cho các mũi tiến công trong một tháng đầu xung đột. Điều này chỉ thay đổi sau khi đại tướng Alexander Dvornikov, người kinh qua trận mạc ở Syria, được bổ nhiệm làm tổng chỉ huy giai đoạn hai của chiến dịch ở vùng Donbass hồi giữa tháng 4.
Tướng Alexander Dvornikov trong một cuộc diễn tập ở Nga hồi tháng 3/2017. Ảnh: AP.
Bài học thứ hai là hậu cần. Trong suốt xung đột, quân đội Nga phải vật lộn với việc cơ động và bảo đảm vận hành khí tài. Một trong những dấu hiệu cho thấy trở ngại với ngành hậu cần Nga là đoàn xe quân sự dài 64 km, với nhiều xe tăng, thiết giáp và pháo kéo, ùn lại cách thủ đô Kiev khoảng 30 km hồi đầu tháng 3.
Bộ Quốc phòng Anh khi đó nhận định lý do khiến đoàn xe chôn chân tại chỗ suốt nhiều tuần là do sự cố kỹ thuật cũng như cạn nhiên liệu. Điều này cho thấy tầm quan trọng của công tác hậu cần trong các cuộc xung đột kéo dài.
"Nga cho thấy những hạn chế đáng ngạc nhiên trong lĩnh vực này", bà Wormuth nói. Dù năng lực hậu cần của Mỹ vẫn rất mạnh, chiến sự Ukraine là lời nhắc nhở rằng hậu cần luôn là yếu tố then chốt với mọi xung đột tiềm tàng trong tương lai, đặc biệt là ở khu vực rộng lớn như Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.
Bài học tiếp theo là sự nguy hiểm của tác chiến điện tử trên chiến trường hiện đại, đòi hỏi các quân đội phải giảm thiểu tín hiệu điện tử và hạn chế sử dụng điện thoại trên chiến trường.
Các thiết bị như radar, hệ thống điều khiển máy bay không người lái (UAV) khi hoạt động ở Ukraine đều có nguy cơ bị pháo binh hoặc tên lửa dẫn đường tập kích. Đây được coi là minh chứng cho hiệu quả của lực lượng tác chiến điện tử Nga trên chiến trường.
Trên chiến trường Ukraine, bật nguồn điện thoại di động có thể là hành động tự sát bởi lực lượng Nga có thể tận dụng cơ hội này để điều động hỏa lực tập kích.
Lục quân Mỹ những năm qua đã nỗ lực tìm cách che giấu tín hiệu điện tử phát ra từ các sở chỉ huy trên chiến trường. Lực lượng này đang hiện đại hóa hệ thống mạng nhằm ngăn nguy cơ bị đối phương định vị khi xảy ra xung đột với các cường quốc ngang hàng.
"Chúng tôi đang xem xét khả năng giảm tín hiệu điện tử, nhất là tín hiệu làm lộ đội hình chiến đấu", bà Wormuth nói, đồng thời cho rằng cần đánh giá sự phổ biến của điện thoại thông minh trong lực lượng, khi nhiều binh sĩ trẻ mang chúng đến mọi địa điểm làm nhiệm vụ.
Bài học thứ tư là cần sẵn sàng đối phó với UAV, khi chiến trường Ukraine chứng minh tính hiệu quả của loại khí tài này.
Quân đội Ukraine thường xuyên sử dụng UAV Bayraktar TB2 do Thổ Nhĩ Kỳ sản xuất để tấn công các đội hình thiết giáp và vị trí tập kết lính Nga, trong khi lực lượng Nga cũng sử dụng triệt để UAV nhằm xác định vị trí tập kết đối phương và chỉ điểm cho pháo binh bắn phá dữ dội.
Lục quân Mỹ đã chú ý đến mối đe dọa từ UAV trong nhiều năm, đặc biệt là sau cuộc xung đột Nagorno-Karabakh giữa Armenia và Azerbaijan. "UAV và các hệ thống tự động khác đặt ra những thách thức không nhỏ đối với Mỹ. Đây là lý do chúng tôi đang xem xét việc hiện đại hóa hệ thống phòng thủ tên lửa và phòng không", bà Wormuth cho hay.
Bài học cuối cùng là bảo đảm kho đạn dược. Kể từ khi chiến sự nổ ra, Mỹ đã gửi cho Ukraine lượng lớn vũ khí gồm tên lửa chống tăng Javelin và phòng không Stinger. Giới chức Ukraine hồi tháng 3 cho biết họ cần khoảng 500 quả đạn Stinger và tên lửa Javelin mỗi ngày.
Binh sĩ Ukraine khai hỏa lựu pháo M-777 do Mỹ viện trợ ở Donetsk ngày 6/6. Ảnh: Reuters.
Nghị sĩ Mike Gallagher, thành viên Ủy ban Quân vụ Hạ viện Mỹ, sau đó cho biết kho dự trữ tên lửa của Washington đang cạn dần. "Chúng ta đã đốt sạch lượng tên lửa Javelin tích trữ trong 7 năm. Đây là vấn đề quan trọng khi Mỹ đang tìm cách hỗ trợ Ukraine, đồng thời giúp Đài Loan tăng năng lực phòng thủ. Đài Loan sẽ cần tiếp cận những vũ khí tương tự, trong lúc chúng ta không có đủ kho dự trữ để lấp khoảng trống khí tài đã viện trợ cho Ukraine", ông nói.
James Taiclet, CEO tập đoàn quốc phòng Lockheed Martin, cho biết doanh nghiệp này đặt mục tiêu xuất xưởng 4.000 tên lửa Javelin mỗi năm, tăng gần gấp đôi mức 2.100 quả/năm hiện nay, nhưng thêm rằng quá trình tăng sản lượng có thể mất vài năm. Tập đoàn Raytheon cuối tháng 4 cũng cảnh báo sẽ mất nhiều năm để bù đắp kho dự trữ tên lửa Stinger của Mỹ sau khi chuyển giao lượng lớn cho Ukraine.
"Chiến sự Ukraine nhấn mạnh tầm quan trọng của duy trì cơ sở công nghiệp và kho dự trữ bom đạn của Mỹ. Chúng sẽ rất quan trọng trong tương lai, đặc biệt nếu chúng ta tham gia xung đột kéo dài", Bộ trưởng Lục quân Mỹ nhấn mạnh.
chuyên bán các loại thực phẩm tươi ngon như trái cây, thịt, cá,...
Article sourced from VNEXPRESS.
Original source can be found here: https://vnexpress.net/lanh-dao-luc-quan-my-neu-bai-hoc-tu-chien-su-nga-ukraine-4477319.html