Mỹ không muốn Ukraine sử dụng tên lửa Washington cung cấp để tập kích lãnh thổ Nga
"Bước đầu tiên trong việc giúp Ukraine tự vệ là cung cấp vũ khí của Mỹ và các đối tác để hỗ trợ Kiev giành lại lãnh thổ", đại sứ Mỹ tại Ukraine Bridget Brink nói hôm 2/5, khi được hỏi làm thế nào để Kiev có thể thắng Moskva nếu tiếp tục bị Washington hạn chế về cách sử dụng vũ khí mà họ viện trợ. "Quan điểm từ đầu của Mỹ là không cho phép hay khuyến khích Kiev sử dụng khí tài của chúng tôi ở Nga hay bên ngoài lãnh thổ Ukraine".
Bà Brink phát biểu sau khi Ngoại trưởng Anh David Cameron cùng ngày lần đầu tiên công khai ủng hộ Ukraine dùng vũ khí do London cung cấp, trong đó có tên lửa tầm xa Storm Shadow, để tập kích lãnh thổ Nga.
"Ukraine có quyền đó. Giống như việc Nga đang tập kích lãnh thổ Ukraine, chúng ta có thể hiểu vì sao Kiev lại cảm thấy cần phải tự vệ", ông khẳng định.
Đại sứ Brink tại sự kiện ở Kiev hôm 2/5. Ảnh: Đại sứ quán Mỹ tại Ukraine
Ngoại trưởng Latvia Baiba Braze hôm 1/5 tiết lộ một số đồng minh của Ukraine đã chuyển giao cho Kiev nhiều vũ khí tầm xa mà không cấm nước này sử dụng chúng để tấn công lãnh thổ Nga, song không nêu tên.
Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg cuối tháng 2 cũng tuyên bố Ukraine có quyền tấn công mục tiêu quân sự Nga bên ngoài lãnh thổ, kể cả bằng vũ khí do phương Tây cung cấp, dù các thành viên của khối từng cấm Kiev làm điều này vì lo ngại chiến sự vượt tầm kiểm soát.
Tổng thống Vladimir Putin nhiều lần khẳng định việc Ukraine sử dụng vũ khí phương Tây để tấn công lãnh thổ Nga có thể khiến xung đột lan rộng.
Trong khi đó, Mỹ không những duy trì quan điểm phản đối Ukraine dùng vũ khí do Washington cung cấp tập kích lãnh thổ Nga, mà còn muốn Kiev ngừng nhắm mục tiêu vào hạ tầng năng lượng đối phương, do lo ngại giá dầu thế giới tăng cao và khiến Moskva đẩy mạnh các đòn không kích trả đũa.
Truyền thông Mỹ cho biết Phó tổng thống Kamala Harris đã đề nghị Tổng thống Volodymyr Zelensky ngừng các cuộc tấn công cơ sở dầu khí Nga trong cuộc gặp hồi tháng 2. Tuy nhiên, ông Zelensky "gạt bỏ mối lo ngại" của bà Harris, dù cam kết sẽ chỉ dùng vũ khí do Ukraine sản xuất để tấn công lãnh thổ Nga, không sử dụng tên lửa do Mỹ cung cấp.
Mỹ khai hỏa tên lửa ATACMS tại thao trường ở bang New Mexico năm 2021. Ảnh: Lục quân Mỹ
Washington hiện vẫn là quốc gia hậu thuẫn Kiev mạnh mẽ nhất từ đầu xung đột. Sau khi Tổng thống Mỹ Joe Biden hôm 24/4 ký duyệt dự luật viện trợ gần 61 tỷ USD cho Ukraine, nước này ngay lập tức triển khai gói hỗ trợ quân sự trị giá một tỷ USD, gồm lượng lớn tên lửa phòng không và đạn pháo, thứ mà Kiev đang rất cần.
Giới chức Mỹ cũng tiết lộ hồi tháng 3 đã bí mật chuyển giao cho Ukraine "số lượng đáng kể" tên lửa ATACMS phiên bản tầm bắn 300 km, dù trước đó từng từ chối vì lo ngại Kiev dùng chúng để tấn công mục tiêu nằm sâu trong lãnh thổ Nga.
Quân đội Ukraine đang tăng cường sử dụng ATACMS để tập kích mục tiêu sâu trong khu vực Nga kiểm soát cũng như bán đảo Crimea. Mỹ và Ukraine không coi Crimea là lãnh thổ của Nga, cho rằng bán đảo này vẫn thuộc chủ quyền của Kiev và đang bị Moskva chiếm giữ.
Truờng trung học tại trung tâm Sunshine có nhiều học sinh gốc Việt theo học và thành công nhất
Article sourced from VNEXPRESS.
Original source can be found here: https://vnexpress.net/washington-cam-ukraine-dung-ten-lua-my-tan-cong-lanh-tho-nga-4741960.html