Một lần đổ vỡ
Gia đình cậu mợ tôi ly hôn sáu năm về trước. Cũng lưng chừng Tết năm đó, vợ chồng người ta đưa con đi sắm sửa Tết, cậu mợ tôi lại dẫn con đến tòa án để làm thủ tục chia ly. Vết sẹo tinh thần ấy như nhói đau mỗi độ Tết đến xuân về cùng ba đứa nhỏ, tức em họ tôi. Nhưng mấy năm gần đây, Tết là dịp để chúng ngóng đợi người mẹ phương xa trở về và sưởi ấm tình mẹ con sau một năm xa cách.
Tôi nhớ như in cái Tết đầu tiên khi gia đình cậu mợ tôi chia xa. Ba đứa con của cậu mợ về sống với ngoại tôi. Sáng hôm mùng một Tết, ngoại xén bánh chưng ăn cùng ba đứa nhỏ trong những dòng nước mắt tuôn trào. Nhìn cảnh đó, tôi buồn đến nao lòng, tôi thương những người thân thuộc của tôi. Tôi không biết ba đứa em ngồi đấy đang nghĩ gì? Chúng có đang hoài niệm về những cái Tết hạnh phúc trước kia hay không?
Mùa Tết liền kề sau đó, không khí buồn, ảm đạm vẫn len lỏi quanh căn nhà của ngoại. Từ những ngày 28, 29 Tết, tôi đến thăm ngoại, tôi thấy thằng út con của cậu mợ điện thoại cho mẹ nó. Qua ứng dụng Facebook, tôi đọc được nơi ánh mắt của mợ một niềm khát khao trở về nhà ngay lúc ấy, để ôm chầm những đứa con chưa thể ôm ấp một năm qua. Thằng út còn quá nhỏ để hiểu được ý nghĩa của gia đình nên vẫn hồn nhiên nói cười, nó hỏi mẹ: “Sao mọi người về cả rồi! Mẹ lại về trễ vậy!” Nghe những lời của nó, không một ai trong dòng họ có thể trách móc được điều gì. Gia đình là tổ ấm thực sự khi được vun vén bởi tình nghĩa mẹ cha, điều mà gia đình cậu mợ tôi đã đánh mất từ lâu. Nhưng thằng út trách cũng phải, bởi duy chỉ năm đó, mợ trở về đón Tết trễ hơn mọi lần.
Sáng hôm mùng 1 Tết, tôi đến chúc Tết nhà ngoại. Con cháu ai cũng hớn hở vui đua, riêng ba đứa con của cậu mợ lại tiu nghỉu ngồi trong góc nhà. Tôi thấy khuôn mặt mợ hiện lên nơi màn hình điện thoại. Tôi hiểu, chúng đang đón Tết cùng mẹ qua đường truyền Internet. Nhìn cảnh ấy, cậu tôi chẳng nói gì! Tôi thầm nghĩ, chắc cậu cũng buồn vì tình cảm riêng của mình, nhưng lại làm ảnh hưởng đến ba đứa con.
Rồi tối mùng 5 Tết, tôi lại ghé đến nhà ngoại. Ba đứa nhỏ thay nhau hỏi mợ tôi nhiều điều: “Trên xe có ai không mẹ? Sao họ cũng về quê trễ như mẹ vậy? Họ có đem theo quà Tết như mẹ không?” Lần này, tôi đã thấy nụ cười, nụ cười từ những khuôn mặt đợi chờ sự sum họp của yêu thương. Tôi không biết, trên chuyến xe ấy, niềm vui Tết có còn đong đầy như những ngày trước Tết hay không?
Sáng mùng 6 Tết năm đó, chuyến xe khách từ Sài Gòn về Quảng Sơn xịch đỗ trước cổng nhà ngoại. Bước vào nhà ngoại tôi, mợ thả gói đồ rồi ôm chầm ba đứa con vào lòng. Bất chợt, những giọt nước mắt lăn dài trên bốn khuôn mặt đang âu yếm nhìn nhau.
Khắp nơi trên dải đất Việt Nam này vẫn còn những gia đình như thế. Nhưng tôi không thể hiểu hết được lí do vì sao và cũng chẳng muốn biết thêm điều gì. Nhìn hình ảnh gia đình cậu tôi, tôi đã hiểu được phần nào!
Thăm hỏi ngoại tôi xong, mợ tìm đến chỗ chúng tôi để chuyện trò. Tôi hỏi mợ Tết có buồn hay không? Mợ nói, chuyến xe cuộc đời mợ đã lỡ, nhưng mợ không thể lỡ chuyến xe tết về bên các con. Suốt chặng đường trở về quê nhà, dẫu đã mùng 6 âm lịch, nhưng mợ vẫn thấy Tết ngập tràn. Bởi với mợ, ba đứa con chính là Tết, là niềm vui mợ luôn nghĩ về. Nghe những lời của mợ, tôi thấy lòng mình bồi hồi và rưng rưng. Nhìn ánh mắt của cô chị cả luôn buồn hiu hắt năm nào tôi chợt hi vọng nhiều hơn!
Em - người em gái họ thương mến!
Sau ngày ba mẹ em li hôn, em đã tự mình săm lên cánh tay chữ “FAMILY”. Anh biết, vì sao lúc đấy em lại làm như thế? Và đến bây giờ, em cảm thấy hối hận vì hành động sốc nổi của bản thân. Em vẫn thường tâm sự, chính hình xăm ấy khiến em không tiến xa trong công việc. Nhiều cơ hội đã tuột mất khỏi tầm tay em chỉ vì một phút để lí trí ngủ quên, hay vì những năm tháng ấy em còn quá dại khờ.
Vết thương lòng năm nào chỉ mình em nếm trải. Là chị cả nên em đau, xót và tổn thương hơn ai hết! Nhưng ngày lúc này, khi viết những dòng chữ nơi đây, anh cầu chúc mọi điều tốt đẹp nhất sẽ đến với em. Em đã đứng lên được sau lần gục ngã đó trong đời, thì anh tin, một hình xăm nhỏ ấy sẽ không làm em nản chí (như em đã nói, sẽ kiếm tiền để xóa bỏ hình xăm), hay những phong ba bên ngoài không thể đánh ngã được em. Như mẹ em đã đứng lên sau lần vấp ngã, anh tin em cũng làm được khi em gặp phải vấp ngã, đau thương.
Truờng trung học tại trung tâm Sunshine có nhiều học sinh gốc Việt theo học và thành công nhất
Article sourced from BLOGRADIO.
Original source can be found here: https://blogradio.vn/mot-lan-do-vo-nw227439.html