Mỗi đứa trẻ lớn lên lành mạnh và hạnh phúc đều trải qua 3 lần làm "đau lòng" cha mẹ, đừng vội nói con ngỗ ngược
Có một quy luật trong thế giới làm cha mẹ đó là dành tình yêu thương, sự gần gũi mật thiết ngay từ khi con còn nhỏ và vào thời điểm thích hợp phải biết buông tay để con học cách trưởng thành.
Trong thực tế có thể thấy, rất nhiều việc làm của người phụ huynh đều xuất phát từ suy nghĩ muốn tốt cho con, muốn con đạt thành tích. Thế nhưng trong mắt con cái, mọi việc cha mẹ làm đều thể hiện rằng họ không tôn trọng con một chút nào, khiến con bức bối, tức giận chỉ muốn phản kháng và thoát ly.
Có một sức mạnh to lớn tiềm ẩn trong trái tim mỗi đứa trẻ, đó là sức mạnh tự thân vươn lên để tìm được cái tôi và giá trị bản thân chúng.
Trẻ bắt đầu đánh thức ý thức về bản thân ở tuổi lên 3. Chúng không còn như những chú cừu nhỏ chỉ biết nghe theo mệnh lệnh của cha mẹ. Điều chúng sẵn sàng làm là "chống lại cha mẹ" và thể hiện bản thân thông qua việc từ chối, cãi lại và phản đối.
Ở một thời điểm nào đó, khi một đứa trẻ có hành vi như vậy thì không hẳn là chúng đang hỗn láo, ngỗ ngược. Đó là sự ngụ ý rằng trẻ đang muốn "tách" khỏi cha mẹ của mình.
Có một nhà tâm lý học từng nói: "Một đứa trẻ muốn lớn lên một cách lành mạnh thì buộc phải có 3 lần 'phản bội' lại cha mẹ".
Được tách rời khỏi bố mẹ là mong muốn rất lớn đối với mọi đứa trẻ khi chúng phát triển đến một giai đoạn nhất định. Và khi bố mẹ không đáp ứng được yêu cầu này của trẻ, đó chính là lúc sự nổi loạn thật sự bắt đầu.
Những bậc phụ huynh thông thái hiểu được về sự nổi loạn chắc chắn sẽ chấp nhận cho con cái được trải qua 3 lần "phản bội" lại tình yêu của bố mẹ như thế này.
Lần thứ nhất: Cho phép trẻ được nói "không"
Trẻ sẽ trải qua thời kỳ ương bướng đầu tiên từ khi 2-3 tuổi. Lúc này, nhiều đứa con ngoan ngoãn sẽ đột nhiên trở thành những đứa trẻ khó bảo, luôn chống đối bố mẹ khắp nơi, hễ gặp chuyện thì liền nói câu cửa miệng là "không".
Về góc độ tâm lý, khi trẻ thường xuyên nói "không" có nghĩa là sắp đến thời kỳ nhạy cảm nhận thức về bản thân. Bắt đầu từ 2 tuổi, trẻ em phát hiện ra rằng chúng là một cá nhân độc lập và cái tôi bắt đầu nảy mầm. Chúng cũng tự cho mình là trung tâm vũ trụ và dường như muốn tất cả mọi việc đều phải xoay quanh bản thân mình.
Lúc này, cách phản ứng của cha mẹ đặc biệt quan trọng. Nếu cha mẹ không cho phép con được từ chối hoặc thể hiện chính kiến, trẻ sẽ bị kìm hãm khả năng thể hiện bản thân và hình thành thói quen thích làm hài lòng mọi người. Trẻ lớn lên trong sự nhút nhát, thiếu tự tin, không có dũng khí để đòi quyền lợi cho mình, quen bị dắt mũi, lúc khó khăn thì không dám có ý kiến.
"Không" là bước đầu tiên để trẻ thể hiện bản thân, điều đó cho thấy trẻ có can đảm từ chối khi đối mặt với hành vi không vừa ý. Cha mẹ cho phép trẻ được nói "không" cũng là cho trẻ thấy sự tin tưởng hoàn toàn vào con cái, vô hình trung vun đắp cho con tính độc lập, tự chủ, sau này con sẽ trở thành một người can đảm và biết phấn đấu.
Lần thứ hai: Hãy để trẻ thoát khỏi sự kiểm soát của bố mẹ
Mỗi đứa trẻ đều có ranh giới tâm lý riêng trong trái tim, nó giống như một “bức tường trong tim” mang sự an toàn bên trong của đứa trẻ. Thật đáng tiếc khi một số bậc cha mẹ luôn dùng những phương pháp tàn nhẫn để phá bỏ rào cản này trong tâm hồn con cái.
Theo dõi trẻ, lén xem nhật ký của trẻ, không cho trẻ có không gian riêng tư, ép trẻ nghe lời mình. Nhiều bậc cha mẹ luôn coi con cái là "tài sản riêng" và họ cho rằng "con là của mình" thì phải "nghe lời mình" - đó là cách duy nhất họ có thể kiểm soát được con.
Như mọi người đã biết, cách làm này sẽ mang lại khủng hoảng lòng tin và khiến trẻ mất đi cảm giác an toàn, ngay cả với những người mà chúng đáng ra phải thương yêu tin tưởng nhất, là bố mẹ.
Ngay từ khi một đứa trẻ có sự tự nhận thức về bản thân thì đã hình thành mong muốn có được không gian và sự riêng tư. Những đòi hỏi về quyền cá nhân, về sự riêng tư, về cách mà trẻ che giấu một số bí mật cho riêng mình cũng là dấu hiệu cho thấy con đang thật sự muốn được độc lập hơn, không muốn bị bố mẹ kiểm soát và chi phối nữa.
Và sự tôn trọng của bố mẹ sẽ càng khiến cho con có nhiều cơ hội hơn để trưởng thành và mối quan hệ trong gia đình cũng nhờ vậy mà khắng khít hơn.
Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng 7 tuổi là độ tuổi trẻ thích ở một mình. Từ lúc này, cha mẹ nên rút lui khỏi không gian riêng tư của trẻ cũng như thiết lập các quy tắc để không vượt qua ranh giới của sự riêng tư, thể hiện sự tôn trọng con cái. Chẳng hạn như: Gõ cửa khi bước vào phòng, không tự ý chạm vào đồ dùng riêng của con, không xem trộm nhật ký, lục lọi đồ đạc trong phòng con...
Sự tôn trọng dành cho con có thể được đánh đổi bằng nhận thức của trẻ về ranh giới.
Lần thứ ba: Hãy học cách trao quyền cho con cái
Dường như việc can thiệp vào cuộc sống của con cái đã trở thành một quy tắc bình thường trong giáo dục gia đình. Khi con còn nhỏ, bố mẹ quyết định mọi việc cho con từ cái ăn cái mặc. Đến khi con lớn lên, bố mẹ cũng tự ý quyết định mọi thứ trong cuộc đời con từ việc học, công việc, thậm chí là việc tìm kiếm người bạn đời.
Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng đối với những đứa trẻ bị cha mẹ ép buộc quá lâu, sau này trưởng thành thường thiếu khả năng phán đoán, không biết phân biệt đúng sai và có thái độ thờ ơ vô trách nhiệm.
Cha mẹ cứ khăng khăng là "muốn tốt cho con" nhưng họ không chịu trao quyền, không cho phép con được quyết định và lựa chọn. Những đứa trẻ như vậy chỉ bị xã hội đào thải trong tương lai.
Để con cái tự lựa chọn là một quá trình "phản bội" lại tình yêu và sự kỳ vọng của cha mẹ, đồng thời cũng là một quá trình để trẻ trưởng thành. Chỉ khi trẻ có khả năng lựa chọn, trẻ mới học cách lựa chọn giữa "chiếm hữu và mất mát", mới biết phân biệt những điều "nên làm và không nên làm".
Trường có truyền thống về các chương trình học thuật, âm nhạc, thể thao và nghệ thuật.
Article sourced from AFAMILY.
Original source can be found here: http://afamily.vn/moi-dua-tre-lon-len-lanh-manh-va-hanh-phuc-deu-trai-qua-3-lan-phan-boi-tinh-yeu-cua-cha-me-dung-voi-noi-con-ngo-nguoc-nhe-20211209152246261.chn