Mê mẩn cách làm khô cá lóc ở miền Tây ngày Tết
Tết đến Xuân về, mỗi khi nhắc đến thịt, cá hầu như người nào cũng “ngán ngược ngán xuôi”. Để thay đổi không khí ẩm thực Tết, nhiều người chọn mồi nhắm độc đáo.
Những ngày này, đi dọc theo các tuyến QL61C (Cần Thơ về Hậu Giang) hoặc QL91, QL91B (Cần Thơ về An Giang)… người đi đường sẽ “no mắt” với những làng nghề làm khô Tết. Những con cá khô được treo lủng lẳng tại các sạp bên đường, không chỉ bắt mắt mà còn ứa nước miếng bởi mùi hương đặc biệt, đậm chất dân dã miền Tây.
Chị Võ Thị Bé Sáu (SN 1980), chủ vựa khô Minh Hằng (QL91B, phường Thới An Đông, quận Bình Thủy, TP Cần Thơ) cho biết, nhà chị kinh doanh cá khô (chủ yếu là cá lóc) đã được 6 năm nay, và tất cả đều được gia đình tự tay chế biến bằng “bí kíp” gia truyền.
Theo chị Sáu, cá tươi sống sau khi đặt hàng sẽ được thương lái giao đến tận nơi. Mở đầu quy trình chế biến là đánh vảy cá, rửa sạch, rồi chuyển sang mổ (xẻ cá). Đây là công đoạn rất quan trọng, vì nếu xẻ cá không đúng cách sẽ làm thịt cá bị hư, hình dáng xấu xí.
Sau đó, cá lóc tiếp tục được cho ngâm rượu với tỉ lệ 50 kg cá - nửa lít rượu. Ngâm xong, cá được rửa lại bằng nước sạch, rồi tiếp tục ướp gia vị: đường, muối, bột ngọt, ớt…
Khi ướp đủ thời gian, đến công đoạn cuối cùng là phơi cá. “Cá thường được phơi 3 nắng thì sẽ đạt chuẩn. Nếu có khách thích ăn loại khô hơn, thì mình phơi thêm 1 nắng nữa theo yêu cầu của họ. Bình quân, cứ 300 kg cá tươi, sẽ làm được khoảng 100 kg cá khô”, chị Sáu nói.
Còn chị Võ Thị Hồng, cũng là một “nghệ nhân” làm khô, chia sẻ thêm: Khô cá lóc bao gồm rất nhiều loại, như: cá lóc đồng (cá tự nhiên), cá lóc nuôi, khô cá lóc xẻ (cá to), cá lóc cửng (cá non)…
Vào những lúc bình thường, gia đình chị bán được khoảng 50 kg/ngày. Dịp Tết đến, số lượng bán đã tăng lên gấp đôi.
“Ngoài khách vãng lai, đi đường ghé vào mua, còn có rất nhiều khách hàng ở xa, họ mua một lần, ăn cảm thấy ngon, rồi đặt hàng tiếp. Năm nay, có mấy anh chị em công nhân ở Bình Dương đặt hàng nhiều lắm. Hồi đầu tháng Chạp, gia đình mới giao trên đó 50 kg, giờ đang làm thêm 100 kg nữa để giao tiếp cho họ”, chị Hồng kể.
Theo các hộ làm khô dọc theo QL91B, khô cá lóc năm nay có giá khoảng 160.000 đồng/kg. Cứ sau mỗi mùa Tết, mỗi hộ kiếm được từ hơn 10 triệu đồng.
Ông Huỳnh Thái Hưng (ở Hà Nội đi du lịch vào Cần Thơ) cho biết thêm: “Ở miền Tây Nam Bộ vốn được thiên nhiên ban tặng khí hậu mát mẻ, đất đai phì nhiêu nên có nhiều loại sản vật nổi tiếng thơm ngon. Qua nhiều năm lao động sản xuất, người dân nơi đây không ngừng sáng tạo để nâng tầm những sản vật về mặt giá trị lẫn thẩm mỹ. Mỗi khi có dịp vào đây, tôi không bao giờ quên mua một vài kg cá khô mang về quê hương. Những món ăn này không chỉ độc đáo, ngon miệng, mà còn khiến du khách nhớ mãi về chất dân dã của vùng đất miền Tây trìu mến”.
Article sourced from XALUAN.
Original source can be found here: http://xaluan.com/modules.php?name=News&file=article&sid=3381393