Mẫu crossover Mercedes-Benz EQC chính thức ra mắt
ảnh minh họa
Mercedes EQC không phải là mẫu xe điện thương mại đầu tiên của thương hiệu ngôi sao 3 cánh - trước đây hãng cũng đã từng bán các phiên bản Electric Drive của dòng B-Class hay thậm chí là siêu xe SLS AMG. Tuy nhiên chưa bao giờ Mercedes tỏ ra nghiêm túc với năng lượng điện như lúc này, khi hãng đã phát triển EQC hoàn toàn từ đầu, sử dụng nền tảng riêng và không dựa trên bất kỳ dòng xe nào hiện tại. Đóng vai trò là "đầu tàu" khai sinh cho series EQ, nền tảng được sử dụng trên EQC sẽ tiếp tục được Mercedes ứng dụng để cho ra đời đủ các dòng xe điện khác nhau, phủ khắp mọi phân khúc.
Hướng tới các đối thủ như Tesla Model X, Jaguar I-Pace và Audi e-tron sắp ra mắt, Mercedes EQC là phiên bản thương mại của mẫu xe ý tưởng Generation EQ được ra mắt tại triển lãm Paris 2016. Chính vì vậy, có thể thấy rõ một vài chi tiết thiết kế từ chiếc concept này đã được Mercedes chuyển hóa lên EQC thương mại như phần đầu hay hình dáng của các cửa kính. Dù không còn động cơ đốt trong, tuy nhiên chiếc xe vẫn có "lưới tản nhiệt" với dạng nhiều nan ngang.
Theo ông Robert Lesnik, phần đầu EQC đã có mặt ca-lăng "giả" do "chiếc xe cần một bộ mặt". Nếu loại bỏ chi tiết mang tính truyền thống trên xe hơi này, nó sẽ trông "thiếu tự nhiên". Lưới tản nhiệt cũng là đặc điểm khiến EQC mang "chất Mercedes", giống như ông Dieter Zetsche - CEO của hãng trong lễ ra mắt. Trong khi đó, phần đuôi xe được thiết kế đơn giản nhưng hiện đại với điểm nhấn ấn tượng nhất là đèn hậu LED nối liền nhau.
Không có vẻ ngoài "ngầu" như Jaguar I-Pace hay sự góc cạnh của Audi e-tron, EQC gây ấn tượng bởi những đường nét mềm mại và gọn gàng theo ngôn ngữ Sensual Purity hiện đang được Mercedes áp dụng. Sự "trôi chảy" của thân xe, kết hợp với vòm mui thấp và bộ mâm với các nan phẳng, kín khiến chiếc xe ít cản gió hơn. Có hình dáng như một mẫu crossover, EQC sở hữu chiều dài 4,7m - chỉ lớn hơn một chút so với "người anh em" GLC chạy động cơ đốt trong truyền thống.
Bên trong nội thất, Mercedes cũng không cố gắng để thiết kế cabin của chiếc xe thật phá cách. Cũng như ngoại thất, nội thất của EQC cũng là tập hợp của các bề mặt rộng và đường nét thanh mảnh. Những khe gió điều hòa bằng đồng được lấy cảm hứng từ các bảng mạch điện tử, trong khi những ghế ngồi được bọc da với bề mặt dập vân tương tự những món đồ thể thao hiện đại. Do EQC là một mẫu xe "xanh", Mercedes cũng cố gắng thể hiện điều này trong cabin khi đem tới các lựa chọn vật liệu nội thất từ thiên nhiên, nhân tạo hoặc tái chế.
Giống như các dòng Mercedes hiện đại khác, EQC cũng sở hữu giao diện điều khiển MBUX với bảng đồng hồ là một màn hình kỹ thuật số lớn, nối liền một màn cảm ứng khác với kích thước tương tự - chúng chiếm tới gần 1/2 chiều dài táp-lô. Theo hãng, hệ thống điều khiển chiếc xe có trí thông minh nhân tạo với khả năng học hỏi các thói quen của người lái, từ đó đưa ra các gợi ý và dự đoán khác nhau. Thậm chí tài xế có thể "ra lệnh" cho EQC hoàn toàn bằng giọng nói. Các tính năng hỗ trợ người điều khiển tiên tiến cũng sẽ được tích hợp vào chiếc xe, đem tới cho EQC khả năng tự lái bán tự động.
Tuy nhiên, điểm gây chú ý nhất trên EQC lại là hệ động lực 100% chạy điện của chiếc xe. Được coi là một chiếc crossover, Mercedes đã trang bị cho nó hệ dẫn động 4 bánh nhờ vào 2 mô-tơ điện đặt ở cầu trước và sau. Đây là cấu hình hiện cũng đang được hầu hết các mẫu xe điện dẫn động 4 bánh sử dụng; tuy nhiên Mercedes cho biết vai trò của các mô-tơ này sẽ hơi khác biệt so với các đối thủ.
Trong đó, động cơ điện ở cầu trước được tính toán tối ưu cho hiệu quả hoạt động với mức tải thấp và trung, và mô-tơ cầu sau đem tới cho EQC các đặc tính điều khiển thể thao. Hiện vẫn chưa rõ Mercedes đạt được điều này bằng cách sử dụng tỷ số truyền khác nhau giữa các động cơ, hay chỉ đơn thuần là trang bị các mô-tơ khác nhau cho cầu trước và sau.
Dù sao đi nữa, tổng công suất của cả 2 mô-tơ điện này cũng khá ấn tượng với 402 mã lực (300kW/408PS), trong khi tổng mô-men xoắn của chúng lên tới 765Nm. Với hệ động lực điện, EQC có thời gian tăng tốc từ 0-100km/h chỉ trong 5,1 giây. Tuy nhiên tốc độ tối đa của chiếc xe lại khá thấp, chỉ là 180km/h. Đây cũng là một nhược điểm chung của xe điện so với động cơ đốt trong, khi các mô-tơ sẽ giảm hiệu năng khi hoạt động lâu ở tốc độ cao do nhiệt tăng cao.
Chiếc EQC cũng có nhiều chế độ lái khác nhau, bao gồm: Comfort; Eco; Max Range (tối ưu quãng đường); Sport và Individual.
Cung cấp năng lượng cho 2 động cơ và toàn bộ hệ thống điện EQC hoạt động là khối pin 80kWh - thế hệ mới nhất của loại pin lithium-ion (Li-Ion). Khối pin là tổ hợp từ 384 cell và được đặt ở sàn xe, giữa 2 trục. Tuy nhiên hệ thống pin lại được thiết kế theo dạng mô-đun, gồm 2 mô-đun 48 cell và 4 mô-đun 72 cell. Hệ thống pin được làm mát bằng dung dịch. Đơn vị sản xuất bộ pin này cho xe là một công ty con của Daimler có tên Deutsche Accumotive ở Kamenz/Saxony (Đức).
Được trang bị sẵn trên chiếc xe là bộ sạc điện làm mát bằng chất lỏng với công suất 7,4kW. Mercedes cho biết tùy vào tình trạng của pin, thời gian sạc từ 10 tới 80% pin có thể chỉ tiêu tốn 40 phút.
Theo công bố của Mercedes-Benz, hệ thống pin giúp chiếc EQC có tầm hoạt động hơn 450km (theo chuẩn NEDC).
Có lẽ khi EQC được bán ra chính thức tại Mỹ vào năm 2020, Mercedes sẽ tung ra các phiên bản với pin lớn hơn để kéo dài tầm hoạt động của chiếc xe lên. Phải tới năm sau, chiếc xe mới chính thức được đưa vào sản xuất hàng loạt tại nhà máy của hãng ở Bremen, Đức. Sau EQC, mẫu xe điện tiếp theo thuộc dòng EQ dự kiến sẽ có dạng sedan. Với số tiền đầu tư từ nay tới năm 2022 dự kiến lên tới 11 tỷ USD, chắc chắn số lượng các mẫu xe thuộc dòng EQ nói riêng và mang logo Mercedes nói chung sẽ không chỉ dừng ở 2 model.
Article sourced from XALUAN.
Original source can be found here: http://xaluan.com/modules.php?name=News&file=article&sid=2311090