Loại bánh “nặng trình trịch” gần nửa cân mỗi chiếc, phải lên tận Hà Giang mới có
Cứ độ cuối năm, vào tầm tháng 10-11, những cánh đồng hoa tam giác mạch lại nở rộ khắp các con đường, sườn đồi ở Hà Giang đã trở thành biểu tượng khó quên trong lòng du khách về vùng cao nguyên đá.
Loài hoa này không chỉ đẹp, được nhiều du khách thích thú check-in, chụp hình mà hạt của chúng còn được sử dụng để làm ra món bánh đặc sản, mang đậm “thương hiệu” của bà con dân tộc nơi đây. Đó chính là bánh tam giác mạch.
Vào mùa thu hoạch, bà con dân tộc sinh sống tại Hà Giang lại gom hạt tam giác mạch để chế biến món bánh cùng tên, tạo nên thức quà dân dã gây thương nhớ với mọi du khách (Ảnh: @ngke.nguyen)
Đúng như tên gọi, bánh tam giác mạch được làm từ hạt của loài hoa cùng tên. Sau mỗi mùa hoa, người dân địa phương bắt đầu thu hoạch hạt tam giác mạch rồi đem về phơi khô.
Loại hạt này kích thước khá nhỏ, chỉ bằng một nửa hạt đỗ đen nhưng lại chứa nhiều chất dinh dưỡng. Bên cạnh đó, chúng cũng được trồng trong môi trường tự nhiên, không bị tác động bởi hóa chất độc hại nên an toàn, dễ sử dụng và tốt cho sức khỏe.
Tuy được làm từ những nguyên liệu đơn giản nhưng món bánh tam giác mạch đòi hỏi quá trình chế biến tỉ mỉ, kỳ công. Hạt tam giác mạch phải được phơi khô đủ độ, sau đó đem xay nhỏ bằng tay. Bột phải đảm bảo được xay đều tay sao cho thật mịn để khi nướng, bánh không bị lợn cợn, khó ăn.
Bánh tam giác mạch có kích thước tùy ý, cá biệt có những chiếc được làm rất to, nặng chừng nửa cân, cả chục người ăn mới hết (Ảnh: @linh.tranphuong3693)
Anh Lò Phúc - một tiểu thương ở huyện Quản Bạ chuyên bán các đặc sản Hà Giang chia sẻ: “Hạt phơi tầm một tuần dưới điều kiện trời nhiều nắng rồi đem xay bột. Bà con dân tộc cũng thường dùng hạt tam giác mạch để ủ thành loại men hồng mi nổi tiếng"
"Vì làm thủ công nên phải xay thật kỹ cho bột mịn thì bánh mới ngon, ăn không bị sạn. Sau đó đem bột hòa với nước lọc thành bột dẻo rồi cho vào khuôn truyền thống đúc thành từng miếng bánh tròn xoe”, anh Phúc cho biết.
Bánh tam giác mạch làm từ nguyên liệu đơn giản nhưng đòi hỏi quá trình chế biến tỉ mỉ, công phu (Ảnh: @rinji_w00)
Tiếp đến là công đoạn nhào bột với nước theo tỉ lệ phù hợp để thu được hỗn hợp bột mềm, dẻo, không bị nhão hay khô. Sau đó, đúc bột thành những miếng bánh tròn dẹt, đường kính hơn một gang tay, dày chừng 2-3cm. Bánh được đem hấp chín trong khoảng 10 phút rồi nướng trên bếp than hồng cho nóng và thơm hơn.
Bánh tam giác mạch ngon hơn khi ăn nóng. Vì bánh có kích thước khá lớn nên thường được cắt thành các miếng nhỏ hình tam giác vừa ăn (Ảnh: Hoàng Tùng)
Bánh có lớp vỏ mỏng giòn, bên trong mềm, xốp. Cắn một miếng bánh, thực khách sẽ cảm nhận được vị bùi bùi, ngọt thanh xen lẫn chút hăng đặc trưng của tam giác mạch lan tỏa khắp khoang miệng (Ảnh: @224.tuaha)
Nếu có dịp ghé thăm Hà Giang, đặc biệt đúng ngày họp chợ phiên, du khách dễ dàng bắt gặp hình ảnh những người phụ nữ dân tộc trong trang phục váy xòe hoa ngồi bên bếp than nóng hổi cùng những chồng bánh nhiều màu. Trong đó, màu vàng là bánh bột ngô, màu trắng là bánh ngô nếp, còn màu tím nhạt chính là bánh tam giác mạch.
Anh Phúc cho biết, vào những dịp lễ Tết hoặc mùa lễ hội hoa tam giác mạch, du khách thập phương tới Hà Giang rất đông nên có thể bán vài trăm chiếc bánh mỗi ngày. Anh chia sẻ thêm, ở một số nơi khác của vùng Tây Bắc, người dân cũng trồng hoa tam giác mạch và chế biến món bánh này. Nhưng bánh tam giác mạch Hà Giang được du khách yêu thích hơn vì có hương vị đặc trưng, không hòa lẫn.
“Bánh tam giác mạch có hai loại là bánh mềm dẻo hoặc bánh giòn. Mỗi chiếc bánh to, nóng hổi phải 2-3 người ăn mới hết có giá từ 10.000 - 15.000 đồng. Không chỉ thoải mái thưởng thức tại chỗ, du khách có thể mua bánh về làm quà cho người thân”, anh Phúc nói.
Từ món ăn dân dã của người bản địa, bánh tam giác mạch trở thành đặc sản “hút” khách của Hà Giang (Ảnh: @damductu)
Chị Thùy Dương (sống ở Hà Nội) chia sẻ, mỗi năm cả gia đình đều thu xếp lên Hà Giang vào dịp lễ hội hoa tam giác mạch.
“Bánh tam giác mạch gợi nhớ đến món bánh bột ngô đầy ắp kỷ niệm tuổi thơ mà bố tôi thường làm và nướng trên cái nắp vung bằng gang. Bánh tam giác mạch là món ăn dân dã nhưng có hương vị riêng khá lạ miệng và dễ vận chuyển nên mỗi dịp ghé thăm Hà Giang, tôi đều mua về làm quà. Nhờ đó mà người thân, bạn bè tôi dù chẳng cần đi xa vẫn có thể cảm nhận được chút hương vị cỏ cây của vùng cao nguyên đá”.
Article sourced from XALUAN.
Original source can be found here: http://xaluan.com/modules.php?name=News&file=article&sid=3368827