Lỗ hổng trong hệ thống phòng không của Israel
Không quân Israel hôm 15/10 công bố báo cáo sơ bộ về vụ máy bay không người lái (UAV) tự sát đánh trúng căn cứ huấn luyện thuộc Lữ đoàn Golani tại Binyamina, miền trung nước này, khiến 4 binh sĩ thiệt mạng và 67 người bị thương trước đó một ngày.
Theo kết quả điều tra, nhóm vũ trang Hezbollah tại Lebanon đã tiến hành đòn tấn công hiệp đồng bằng loạt rocket dẫn đường và 3 UAV nhằm vào lãnh thổ Israel. Tàu chiến và lá chắn Iron Dome (Vòm Sắt) hạ được hai máy bay, trong khi phi đội chiến đấu cơ và các hệ thống tác chiến điện tử không chặn được chiếc thứ ba.
Tổ hợp Vòm Sắt của Israel khai hỏa đánh chặn mục tiêu hồi tháng 5/2021. Ảnh: Times of Israel
Lực lượng phòng thủ tin rằng UAV Hezbollah đã rơi và không phát báo động phòng không khi nó xuất hiện trở lại trên radar trong thời gian ngắn. Máy bay lao xuống căng tin tại căn cứ Lữ đoàn Golani trong lúc các binh sĩ ăn tối, gây thương vong nặng nề.
Hezbollah sau đó tuyên bố đòn đánh hiệp đồng của họ "đã xuyên thủng lưới phòng không Israel", khẳng định UAV tự sát bay tới mục tiêu mà không bị radar phát hiện. Giới chuyên gia quân sự đánh giá cuộc tập kích đã làm lộ những điểm yếu trong lưới phòng không đa tầng được ca ngợi lâu nay của Israel, đồng thời một lần nữa cho thấy mối đe dọa từ UAV trong xung đột hiện đại.
Tướng Ran Kochav, cựu chỉ huy Bộ tư lệnh Phòng không Israel, cho hay nước này đã dành nhiều năm tập trung tăng cường hệ thống phòng không để đối phó tên lửa và rocket, nhằm đối phó mối đe dọa từ những cuộc tập kích của Hezbollah và Hamas.
UAV bị coi là "vấn đề phụ", dù mối nguy hiểm của chúng đã thể hiện trong nhiều xung đột hiện đại. Điều đó khiến lưới phòng không Israel không được tối ưu cho phát hiện, đánh chặn loại mục tiêu này.
"Đó là sự kiện khó chấp nhận và để lại những hậu quả đau đớn. Chúng tôi đang tập trung đáng kể vào phát triển giải pháp nhằm giải quyết mối đe dọa từ các cuộc tập kích bằng UAV", Bộ trưởng Quốc phòng Israel Yoav Gallant nói hôm 14/10 khi thăm căn cứ Lữ đoàn Golani.
Tuy nhiên, đây không phải điều có thể tiến hành trong thời gian ngắn.
Tổ hợp David's Sling phóng đạn trong cuộc thử nghiệm cuối năm 2015. Ảnh: MDA
Một quan chức an ninh Israel cho biết UAV khó bị phát hiện hơn rocket vì nhiều lý do. Chúng thường được chế tạo bằng vật liệu tổng hợp, khó bị radar phòng không phát hiện hơn. Ngay cả khi xuất hiện trên radar, tốc độ chậm và trần bay thấp cũng khiến UAV dễ bị nhầm lẫn với các đàn chim.
"Luôn có hàng trăm vật thể, trong đó có chim, hiện diện trên vùng trời Israel vào bất cứ thời điểm nào, gây nhiều khó khăn cho nỗ lực phát hiện UAV đối phương, nhất là ở những vị trí ít ai ngờ đến", cây bút Lazar Berman viết trên Times of Israel.
UAV tự sát thường dùng động cơ đốt trong và cánh quạt, khiến bức xạ nhiệt của chúng thấp hơn nhiều so với rocket và tên lửa. Đường bay của chúng cũng khó dự đoán hơn, nhờ khả năng thay đổi hướng và độ cao liên tục. Điều này cho phép UAV Hezbollah tấn công từ những hướng bất ngờ, ngoài tầm quan sát và đánh chặn của phòng không Israel.
Trong hơn một năm giao tranh, lực lượng Hezbollah đã triển khai hơn 1.200 UAV các loại nhằm vào lãnh thổ Israel, trong đó ít nhất 221 chiếc đã lọt qua được lưới phòng không.
Sau vụ tập kích Lữ đoàn Golani, không quân Israel cho biết sẽ mở rộng phạm vi cảnh báo, đồng nghĩa với tăng số lượt kích hoạt còi báo động và nguy cơ báo động giả. Các đơn vị phòng không cũng không giảm cấp sẵn sàng chiến đấu khi UAV biến mất khỏi radar, luôn xác định rằng chúng vẫn đang bay đến mục tiêu cho đến lúc có bằng chứng kết luận máy bay đã rơi.
Quân đội Israel cũng ban hành chỉ thị ưu tiên nhắm mục tiêu vào các đơn vị UAV của Hezbollah nhằm vô hiệu hóa năng lực của đối phương.
Vụ tập kích căn cứ Lữ đoàn Golani cũng cho thấy Hezbollah không ngừng cải thiện chiến thuật sử dụng UAV tự sát, dù nhóm vũ trang Lebanon đã hứng chịu thiệt hại nặng nề về nhân sự và khí tài do các cuộc không kích của Israel.
"Tổ chức này bị tổn hại đáng kể không có nghĩa là họ không còn năng lực nào nữa. Hezbollah đã phóng lượng lớn UAV và thiết bị bay không người lái cỡ nhỏ (drone) vào Israel trong nhiều tháng, không có gì ngạc nhiên khi một số có thể lọt qua", Sarit Zehavi, người sáng lập và chủ tịch Trung tâm Alma, viện nghiên cứu Israel chuyên tập trung vào thách thức an ninh phía bắc, cho hay.
Bà Zehavi chỉ ra rằng cuộc tấn công đêm 13/10 huy động hàng loạt rocket và UAV tự sát, nhằm mục đích làm quá tải hệ thống phòng không Israel.
Lưới phòng không đa tầng của Israel.
Một quan chức quốc phòng Israel hồi tháng 8 thừa nhận nước này bị bất ngờ trước các cuộc tấn công bằng UAV, nhưng vẫn không coi đó là mối đe dọa chiến lược. "Chúng tôi đang phải vừa đánh vừa học và đang cố gắng học thật nhanh. Nếu tính đến tác động thực tế, UAV cũng chỉ giống các quả đạn khác", người này cho hay.
Dù vậy, một số người lại tỏ ra quan ngại trước mối đe dọa ngày càng tăng từ UAV.
Iaroslav Kalinin, cựu sĩ quan và giám đốc điều hành Infozahyst, một trong những nhà thầu thiết bị tác chiến điện tử lớn nhất Ukraine, đã so sánh việc sử dụng UAV với sự xuất hiện của xe tăng trong Thế chiến I. "Tất cả chúng ta đều phải chuẩn bị. Đây là một mối đe dọa thực sự", ông nói, cảnh báo rằng nhiều quân đội trên thế giới vẫn chưa hiểu được mức độ nghiêm trọng của chúng.
Onn Fenig, giám đốc điều hành công ty công nghệ tiên phong R2, cho rằng Israel sẽ phải chứng kiến nhiều bất ngờ hơn nữa về UAV trong tương lai gần. "Chúng ta sẽ tiếp tục chứng kiến UAV có thể vượt qua hệ thống phòng không đa tầng của Israel, đơn giản vì nó không được thiết kế để đối phó mối đe dọa này", Fenig nói.
Article sourced from VNEXPRESS.
Original source can be found here: https://vnexpress.net/cuoc-tap-kich-uav-phoi-bay-diem-yeu-phong-khong-israel-4804189.html