Lập thỏa thuận tiền hôn nhân để giảm cảm giác bất an
Lao Lu và Xiao Du đã bên nhau 5 năm nhưng mới cưới hai năm trước. Họ gặp nhau tại nơi làm việc, chồng cô là giám đốc sản phẩm ở đó. Quen nhau được ba năm, một ngày Xiao Du nói muốn kết hôn với thái độ rất chân thành. Lúc này Lao Lu khó nghĩ, một mặt cô yêu anh, mặt khác cô cảm thấy quyết định này là đặt thêm một ngưỡng cao hơn cho tình yêu.
"Tôi sợ trèo cao ngã đau, một khi đổ vỡ đôi bên sẽ phải trả giá đắt hơn so với chỉ yêu mà không ràng buộc pháp luật", cô gái 31 tuổi, sống ở Hàng Châu chia sẻ. Lao Lu suy nghĩ và muốn "giảm thiểu tác động tiêu cực của việc ly hôn càng nhiều càng tốt" nên nghĩ đến thỏa thuận tiền hôn nhân.
Vào một ngày cuối tuần đẹp trời, đôi uyên ương tới một quán cà phê, mỗi người một máy tính, mặt đối mặt soạn thảo văn bản tiền hôn nhân. Cô nói với bạn trai: "Chúng ta hãy nghĩ xem điều gì sẽ khiến chúng ta chia tay, nghĩ đến những tình huống xấu nhất và viết ra những điểm mấu chốt của mỗi người, để có mâu thuẫn cứ chiếu theo đó mà làm".
Ngoài tài sản không đáng kể, trọng tâm của thỏa thuận này là những vấn đề giao tiếp. Lao Lu đã liệt kê 6 mục, trong đó quy định thời gian "chiến tranh lạnh" tối đa là nửa tháng, sau đó hai bên phải thương lượng và quyết định hòa giải hay ly hôn. Thực chất điều khoản này đặt ra thời hạn buộc phải giao tiếp.
Họ thống nhất một khi cãi vã phải giải quyết luôn trong một ngày. Cả hai chưa có con nhưng có nuôi một con mèo. Trong trường hợp ly hôn, để quyết định quyền được nuôi nó, cả hai sẽ oẳn tù tì ba lần.
Buổi thỏa thuận hợp đồng tiền hôn nhân của vợ chồng Lao Lu hai năm trước, tại Hàng Châu. Ảnh: Zhihu
Sau rất nhiều quy tắc của cô, anh chồng chỉ viết thêm một dòng phía dưới: "Nam nữ không được từ chối sinh con, trừ điều kiện sinh lý, nếu không thì hai bên thuận tình ly hôn".
Trong quá trình thảo luận, chúng tôi đang thực sự tìm hiểu nhau và chắc chắn cả hai sẽ đối mặt với hôn nhân bằng một thái độ hợp lý hơn", cô nói. Hai năm chung sống họ chưa từng xảy ra rạn nứt và nhờ có hợp đồng tiền hôn nhân họ càng nghiêm túc hơn trong mối quan hệ này.
Wang Tan là một bà nội trợ 37 tuổi sống ở Đức cũng ký thỏa thuận tiền hôn nhân với chồng. Từ khi cha qua đời 7 năm trước và mẹ sống một mình ở Bắc Kinh, cô luôn thấy bất an. "Lý do đầu tiên khi ký thỏa thuận tiền hôn nhân là để chăm sóc cha mẹ và con cái khi một trong hai đột ngột qua đời", cô nói.
Chồng cô là một giáo viên người Đức. Vì dịch bệnh ngăn cản gặp nhau, họ quyết định kết hôn và xin giấy phép cư trú vào năm 2020, Wang chuyển đến Đức. Trước đây cả hai đã ly hôn, chồng có hai con riêng, còn Wang chưa có.
Hợp đồng của họ thảo luận về nhiều vấn đề, đầu tiên là tiền bạc. Hiện Wang không đi làm, nhưng trong 10 năm trước tuổi 35, cô đã làm khối lượng công việc tương đương người khác làm trong 20-30 năm. Vì lao lực, cô ốm suốt 20 tháng và quyết định nghỉ hưu sớm.
Vợ chồng cô phân chia, Wang trả tiền thế chấp, còn chồng lo phí sinh hoạt. Tuy nhiên, vụ kiện phân chia nhà của chồng với vợ cũ chưa xong, căn nhà hiện vẫn đứng tên họ. "Chúng tôi tính đến khả năng xấu nhất có thể xảy ra là một khi anh ấy chết, sẽ xảy ra tranh chấp. Vì chuyện ly hôn đã khiến các con ở thế lưỡng nan, nếu một ngày cả mẹ kế và mẹ ruột phải ra tòa các con sẽ khó xử. Vì thế, chồng đã lập di chúc để lại toàn bộ tài sản và căn nhà này cho tôi, cho tới trước khi các con có quyền tự chủ", Wang chia sẻ.
Người phụ nữ cho biết đây không phải là chuyện tính toán tiền bạc của nhau mà là làm cho nhau thấy được tôn trọng và tin tưởng, giống như cô học tiếng Đức, chồng học tiếng Trung. "Không phải tôi thèm muốn căn nhà này. Chỉ cần bán một căn hộ hai phòng ngủ của tôi ở Bắc Kinh đã có thể mua cả tòa nhà ba tầng tại đây", cô nói.
Họ cũng tính đến việc có con chung. Trong trường hợp ly hôn, họ thống nhất đứa trẻ sẽ theo mẹ, không cần tiền cấp dưỡng. Trong trường hợp Wang không may ra đi, cô sẽ để lại số tiền đủ cho mẹ sinh sống thoải mái tới hết đời. Cô cũng hứa sẽ để tiền cho chồng.
Wang nghỉ hưu sớm, sống ở Đức cùng chồng. Ảnh: Zhihu
Họ đã không ký một điều khoản chung thủy, bởi Wang từng bị chồng cũ phản bội. Lúc đó cô nhận ra hôn nhân chỉ còn lại một tờ giấy, quá khứ viết cái gì cũng vô dụng. "Việc ký vào bản thỏa thuận này không chỉ để tự bảo vệ mình mà còn để nói cho đối phương biết, ký hay không, ràng buộc hay không, tôi là một cá nhân độc lập, không cần ai cũng có thể sống tốt", cô chia sẻ.
Cuộc sống ở đất nước mới, lại lần đầu tiên làm bà nội trợ toàn thời gian, lần đầu tiên làm mẹ, Wang hơi chới với. Chồng chia sẻ với cô phần lớn việc nhà và các con rất gần gũi với mẹ. "Từng trải qua cái chết đột ngột của người thân, tôi luôn lo sợ những người xung quanh mình sẽ đột ngột biến mất, nhưng ngôi nhà mới này và thỏa thuận tiền hôn nhân đã cho tôi cảm giác an toàn", cô nói.
Zhu Min, một luật sư hình sự 28 tuổi, hiện sống ở Bắc Kinh cũng lập thỏa thuận tiền hôn nhân với chồng, cũng là một luật sư. Họ đã có 7 năm yêu, 3 năm cưới. Thỏa thuận tiền hôn nhân của họ chủ yếu thống nhất tài sản trước khi kết hôn của hai người. Mỗi người đều đã có nhà riêng, được bố mẹ hỗ trợ mua. Sính lễ nhà trai không cần đưa cho nhà gái, thay vào đó dùng để mua ngôi nhà tân hôn.
"Bản giao ước không có gì ác ý, chúng ta đã từng chứng kiến rất nhiều vụ ly hôn do tranh chấp tài sản. Nên lập một thỏa thuận để rõ ràng cái gì là của anh, cái gì của tôi, bởi tài sản này không chỉ của mình tôi, còn liên quan hai ba thế hệ trong gia đình", Zhu nói.
Cặp đôi cũng thỏa thuận nếu một trong hai ngoại tình, hoặc thay đổi xu hướng tính dục, sẽ bồi thường cho người kia 200.000 đến 300.000 nhân dân tệ.
"Mỗi thế hệ có một quan niệm khác nhau về hôn nhân. Thế hệ cha mẹ tôi cho rằng tiền của vợ chồng là của chung để tăng cường sự ổn định của gia đình. Còn chúng tôi là kiểu gia đình có chung trách nhiệm, còn tài sản riêng biệt", cô nói.
Vợ chồng Zhu Min trong một chuyến du lịch. Ảnh: Zhihu
Một cuộc khảo sát được thực hiện bởi China Youth Daily, cho thấy 12 năm trước, có 10% người được hỏi cho biết thỏa thuận hôn nhân là cần thiết. Con số này đã tăng lên gần 60% sau 7 năm.
Thỏa thuận tiền hôn nhân đang ngày càng phổ biến với những người sinh sau năm 1990. Và nội dung bản thỏa thuận cũng thay đổi đáng kể, không chỉ định đoạt tài sản như nhà cửa, ôtô, mà bao gồm cả tài sản ảo như tiền ảo, tiền trong các trò chơi. Họ cũng thỏa thuận về quan hệ vợ chồng và các thế hệ khác.
Theo luật sư Hao Huizhen, người đã hành nghề hơn 35 năm trong lĩnh vực hôn nhân và gia đình, thỏa thuận tiền hôn nhân xuất phát từ các nước phương Tây. Trước đây loại hình này có thể mâu thuẫn với quan điểm hôn nhân của người Trung Quốc, tuy nhiên ngày càng có nhiều hôn nhân có yếu tố nước ngoài, các cặp vợ chồng chênh lệch tuổi tác và gia cảnh quá lớn nên thỏa thuận tiền hôn nhân cũng phổ biến hơn.
Thế hệ trẻ ngày nay quan niệm về tình yêu, hôn nhân khác trước. "Hợp đồng tiền hôn nhân là một bước tiến bộ lớn trong nhận thức pháp luật, đồng thời tiến bộ trong vấn đề chịu trách nhiệm với bản thân và hôn nhân", Hao nói.
Tuy nhiên theo bà thỏa thuận này không bắt buộc với những cặp không có nhiều tài sản. Những nhóm nên làm thỏa thuận tiền hôn nhân là: chênh lệch tuổi tác vì sẽ liên quan tới quyền sở hữu tài sản khi một bên qua đời; chênh lệch lớn tài sản, nhất là người trẻ tích lũy được khối tài sản lớn, việc có thỏa thuận trước cũng góp phần tạo ra sự khác biệt cho sự ổn định kinh doanh; nhóm tái hôn cần thỏa thuận vì có thể còn những vấn đề chưa giải quyết từ hôn nhân cũ.
Bà từng lập một thỏa thuận tiền hôn nhân cho một người đàn ông giàu có đến mức người này quy định sau khi kết hôn bao nhiêu năm sẽ tặng cho người phụ nữ một ngôi nhà có diện tích, giá trị, vị trí và phong cách trang trí. Khi ly hôn, sẽ chia bao căn nhà và bao tiền. Nếu con đầu lòng là con trai sẽ được thưởng bao nhiêu, chia tay ai sẽ nuôi, trách nhiệm bảo mẫu trong gia đình, xe cộ...
"Đặc biệt, thỏa thuận này chỉ ra các tài sản khác của người đàn ông không liên quan gì đến người phụ nữ", luật sư Hao Huizhen chia sẻ.
các tour châu Á, châu Âu với giá vô cùng rẻ
Article sourced from VNEXPRESS.
Original source can be found here: https://vnexpress.net/vo-chong-trung-quoc-lap-thoa-thuan-tien-hon-nhan-4552541.html