Kinh tế Myanmar hậu đảo chính

07:00' 05-02-2021
Năm 2012, doanh nghiệp nước ngoài bắt đầu đổ tới Myanmar khi phương Tây nới trừng phạt, nhưng cuộc đảo chính có thể khiến nước này khó khăn trở lại.


    Tổng thống Mỹ Joe Biden hôm 1/2 cảnh báo tái áp đặt lệnh cấm vận Myanmar, biện pháp đã được Washington dỡ bỏ gần 10 năm trước, sau khi quân đội nước này bắt Cố vấn Nhà nước Aung San Suu Kyi, Tổng thống Win Myint và một số lãnh đạo cấp cao trong đảng Liên minh Quốc gia vì Dân chủ (NLD) cầm quyền.

    Tổng tư lệnh các lực lượng vũ trang Min Aung Hlaing, người nắm quyền tại Myanmar hiện nay, cho biết cuộc binh biến là điều "không thể tránh khỏi" và "phù hợp với luật pháp", bởi chính quyền dân sự đã không phản hồi những bất bình của họ về cáo buộc gian lận trong cuộc tổng tuyển cử tháng 11/2020, với chiến thắng áp đảo thuộc về đảng NLD.

    Các doanh nghiệp đánh giá cuộc đảo chính khiến hàng tỷ USD đầu tư nước ngoài vào Myanmar bị đe dọa. Stephen Lamar, chủ tịch Hiệp hội May mặc và Giày dép Mỹ, cho biết nhiều thành viên thuộc hiệp hội đang kinh doanh tại Myanmar đã bày tỏ lo ngại sâu sắc về tình hình hiện nay.

    "Trái tim và lời cầu nguyện của chúng tôi hướng đến người dân Myanmar, về một giải pháp nhanh chóng, hòa bình và dân chủ cho cuộc khủng hoảng này, đồng thời không tước đi sự tiến bộ kinh tế do những dân Myanmar chăm chỉ làm nên", Lamar cho hay.

    Lính gác trên một con đường bị phong tỏa tại thủ đô Naypyidaw, Myanmar, hôm 1/2. Ảnh: AFP.

    Lính gác trên một con đường bị phong tỏa tại thủ đô Naypyidaw, Myanmar, hôm 1/2. Ảnh: AFP.

    Trong khi đó, phát ngôn viên của hãng H&M cho biết công ty đang theo dõi các sự kiện và giữ liên lạc chặt chẽ với nhà cung cấp, nhưng chưa có kế hoạch thay đổi chiến lược tìm nguồn cung ngay lập tức. "Chúng tôi đang theo sát diễn biến, tránh suy đoán về tương lai", người phát ngôn nói.

    Một doanh nhân giấu tên tại Yangon cho hay điều khiến ông cảm thấy yên tâm là cuộc đảo chính tới nay dường như diễn ra tương đối hòa bình. "Đến nay, mọi thứ vẫn yên bình, không có biểu tình, nhưng cảm xúc khá mạnh và mọi người đều xuống tinh thần", doanh nhân nói.

    Tổng thống Biden kêu gọi cộng đồng quốc tế cùng phối hợp gây sức ép, buộc quân đội Myanmar từ bỏ quyền lực họ chiếm được và trả tự do cho các quan chức, nhà hoạt động. Tuy nhiên, mối lo ngại thực sự đối với nền kinh tế Myanmar được cho là không đến từ Mỹ và phương Tây, bởi phần lớn đầu tư nước ngoài ở Myanmar đến từ các quốc gia châu Á.

    Theo Ngân hàng Thế giới, Singapore là nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất tại Myanmar năm ngoái, chiếm 34% tổng vốn đầu tư được phê duyệt. Yoma Strategic Holdings, doanh nghiệp đầu tư trên các lĩnh vực bất động sản, thực phẩm và đồ uống, ô tô và dịch vụ tài chính tại Myanmar, đã tạm dừng giao dịch ở Singapore, nơi công ty được niêm yết.

    Melvyn Pun, giám đốc điều hành của công ty, cho rằng việc thiếu thông tin từ Myanmar khiến quyết định tạm dừng giao dịch là cần thiết. "Thật khó để biết chuyện gì đang xảy ra, khi không có dịch vụ viễn thông nào ở trong hoặc ngoài Yangon vào sáng 1/2", Pun giải thích.

    "Các nhà đầu tư sẽ bị ảnh hưởng là doanh nghiệp từ châu Á. Vì vậy, rất nhiều nước thuộc khu vực này đưa ra phản ứng vô cùng lưỡng lự", Anita Basu, chuyên gia tại công ty dữ liệu tài chính Fitch Solutions, nhận định.

    Theo Hans Vriens, người sáng lập Vriens & Partners, công ty tư vấn chịu trách nhiệm xử lý những dự án trị giá 3-4 tỷ USD cho các doanh nghiệp nước ngoài đang đầu tư ở Myanmar, việc Mỹ xem xét trừng phạt quốc gia Đông Nam Á và nhiều công ty đang cân nhắc kỹ lưỡng về những dự án tại nước này có thể khiến Myanmar ngả về phía Trung Quốc.

    "Đó thực sự là quốc gia duy nhất mà Myanmar có thể trông cậy", Vriens đánh giá, nói thêm rằng toàn bộ dự án tại Myanmar mà Vriens & Partners đang xử lý giờ đây đều bị đe dọa, trong khi đất nước trước đó vốn bị Covid-19 tàn phá nặng nề, làm giảm triển vọng đầu tư.

    Tuy nhiên, Basu cho rằng Trung Quốc đang rơi vào "tình huống không thoải mái", bởi họ lo ngại những quốc gia có bất ổn chính trị. Yin Yihang, nhà nghiên cứu Myanmar tại Viện Taihe ở Bắc Kinh, cũng tiết lộ một số quan chức đã tiến hành thảo luận lại về đầu tư của Trung Quốc tại Myanmar.

    "Nhiều quan chức bị thay thế trong chính quyền từng tham gia vào quá trình hợp tác kinh tế với Trung Quốc. Điều đó có nghĩa là một số thỏa thuận có lẽ cần được đàm phán lại, dẫn đến nguy cơ làm nản lòng nhiều nhà đầu tư Trung Quốc", Yin giải thích.

    Một trong những dự án chung lớn nhất là tuyến đường sắt giữa Mandalay, thành phố lớn thứ hai của Myanmar, và Kyaukpyu, thị trấn ven biển trên Vịnh Bengal và là một trạm của các đường ống dẫn dầu khí nối với tỉnh Vân Nam của Trung Quốc. Kyaukpyu cũng là nơi Trung Quốc tài trợ cho vài dự án công nghiệp và một cảng nước sâu.

    Yin nhận định cuộc binh biến ở Myanmar có thể làm trì hoãn các dự án. "Đầu tư của Trung Quốc vào Myanmar có khả năng giảm dần trong ngắn hạn. Tôi không nghĩ sẽ có thêm dự án lớn được xúc tiến ngay bây giờ", chuyên gia nói.

    Theo Tổng cục Đầu tư và Quản lý Doanh nghiệp Myanmar, nước này đã tiếp nhận 4,35 tỷ USD đầu tư Trung Quốc trong khoảng thời gian 2011-2012, nhưng con số giảm mạnh xuống còn 231 triệu USD trong năm tài khóa tiếp theo. Kể từ đó, Singapore thay thế Trung Quốc trở thành nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất tại Myanmar.

    Những số liệu gần đây nhất từ Ngân hàng Thế giới cho thấy nền kinh tế Myanmar sẽ tăng trưởng ở mức khiêm tốn 2% trong năm tài khóa này, trong khi tỷ lệ nghèo đói được dự báo tăng từ 22,4% vào cuối năm 2019 lên 27%.

    Bà Basu cho biết trước cuộc đảo chính, Fitch Solutions dự đoán Myanmar sẽ đạt mức tăng trưởng 6% vào năm tài khóa tiếp theo. Nhưng giờ đây, con số này chỉ còn một nửa.



    Mời bạn bầu chọn hay chia sẻ trên Facebook:

Bạn đang tìm dịch vụ về ?
Hikaru Sushi M-City Vùng: Seven Hills. Phone: 8512 0843
Xem thêm

Article sourced from VNEXPRESS.

Original source can be found here: https://vnexpress.net/dao-chinh-de-doa-kinh-te-myanmar-4230706.html


Để lại Tên và mobile, chúng tôi sẽ tìm cho bạn những nhà cung cấp dịch vụ tốt nhất.

TÌM DỊCH VỤ