Israel đang dùng kế 'nghi binh' ở Gaza?
Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) ngày 7/4 thông báo rút Sư đoàn Biệt kích số 98 khỏi thành phố Khan Younis, thành trì của nhóm vũ trang Hamas tại miền nam Dải Gaza, sau khi "hoàn thành nhiệm vụ" tại đây.
Sư đoàn 98 là lực lượng hùng hậu nhất của quân đội Israel, trước đó đã được tăng cường nhân lực, khí tài để mở chiến dịch tấn công quy mô lớn vào Khan Younis vào đầu tháng 12/2023. Sau nhiều đợt oanh tạc dữ dội, xe tăng Israel bắt đầu tiến vào trung tâm Khan Younis từ giữa tháng 12/2023.
Các nhà hoạch định chiến lược của Israel từng cho rằng chiến dịch trên bộ của IDF tại Gaza sẽ kéo dài ít nhất một năm và chia thành nhiều giai đoạn. Theo đó, IDF ban đầu sẽ triển khai nhiều đơn vị lớn cỡ sư đoàn để tác chiến ở những điểm nóng tại đây, sau đó chuyển sang sử dụng các đơn vị nhỏ gọn và có tính cơ động cao để thực hiện những nhiệm vụ có quy mô hẹp hơn.
Xe tăng Israel gần biên giới Dải Gaza hôm 26/2. Ảnh: AFP
Nhưng sau đúng 6 tháng kể từ khi chiến sự nổ ra, với quyết định rút quân khỏi Khan Younis, Israel giờ đây chỉ còn duy trì một nhóm tác chiến cấp lữ đoàn ở Gaza, với nhiệm vụ chủ yếu là bảo vệ Hàng lang Netzarim. Đây là tuyến đường kéo dài từ khu định cư Be'eri ở miền nam Israel tới bờ biển Địa Trung Hải, chạy ngang qua miền trung Gaza, chia cắt dải đất thành hai nửa.
Quy mô lực lượng tham chiến của Israel giảm đáng kể trong khi họ vẫn chưa đạt được mục đích đã đề ra, đó là "xóa sổ hoàn toàn Hamas".
Anshel Pfeffer, bình luận viên của Hareetz, nhận định việc IDF rút quân khỏi Khan Younis sau 4 tháng tiến hành chiến dịch phát đi một tín hiệu đặc biệt về tiến trình đàm phán lệnh ngừng bắn, cũng như tương lai của các con tin mà Hamas đang giam giữ.
Hamas nhiều lần khẳng định chỉ chấp thuận thả tự do cho các con tin nếu quân đội Israel rút hoàn toàn khỏi Dải Gaza. Alistair Bunkall, nhà phân tích của Sky News, nhận định động thái của IDF là "sự thỏa hiệp" nhằm xúc tiến thỏa thuận ngừng bắn với Hamas, vốn đã bị đình trệ từ lâu.
Không phải ngẫu nhiên mà quân đội Israel đưa ra tuyên bố rút quân trùng thời điểm các cuộc đàm phán cấp cao với nhóm vũ trang dự kiến được nối lại, theo chuyên gia này.
Bình luận viên Yonah Bob của Jerusalem Post cũng có quan điểm tương tự. Bob cho biết quân đội Israel lâu nay nhận định rằng việc gây áp lực lên Khan Younis, khu vực có ý nghĩa quan trọng về cả mặt tinh thần và quân sự với Hamas, là "phương pháp duy nhất" để buộc nhóm vũ trang nhượng bộ và đồng ý thả tự do cho các con tin.
Động thái rút quân khỏi Khan Younis cho thấy IDF thừa nhận đã thất bại với chiến lược này. "Israel sẽ cần chiến lược mới hoặc đưa ra các nhượng bộ lớn hơn với Hamas để có thể đưa thêm nhiều con tin trở về, bao gồm việc mở cửa phía bắc dải đất", Bob viết.
Pfeffer cũng nhận định Israel có thể sớm đạt được thỏa thuận trao đổi tù nhân với Hamas sau khi IDF rút hết quân khỏi thành trì của nhóm ở miền nam Gaza.
Một vấn đề khác nổi lên sau động thái của quân đội Israel là kế hoạch tấn công thành phố Rafah ở cực nam Gaza. Thủ tướng Benjamin Nentanyahu trước đó nhiều lần khẳng định sẽ tiếp tục đưa quân vào Rafah, nơi có khoảng 1,5 triệu người Palestine đang trú ẩn, nhằm "xóa sổ tận gốc rễ" lực lượng Hamas, bất chấp phản đối từ cộng đồng quốc tế.
Binh sĩ Israel tại Dải Gaza trong bức ảnh đăng ngày 7/4. Ảnh: IDF
Nhưng trong cuộc họp với nội các Israel sáng hôm 7/4, ông Netanyahu chỉ đề cập ngắn gọn về vấn đề Rafah. Thay vào đó, Thủ tướng Israel tập trung nói về nhu cầu cấp thiết trong việc đưa các con tin trở về, chủ đề mà ông trước đây ít quan tâm hơn.
Cùng với việc IDF rút quân khỏi Khan Younis, Pfeffer nhận định đây là dấu hiệu cho thấy ông Nentayahu có thể đã thay đổi ý định đưa quân vào thành phố Rafah, để tập trung vào nỗ lực giải cứu con tin và khôi phục lại uy tín trước dư luận Israel.
Người dân nước này gần đây liên tục biểu tình, yêu cầu chính phủ của ông phải nỗ lực nhiều hơn để đưa các con tin trở về.
"Nếu Hamas và Israel đạt được thỏa thuận ngừng bắn, chiến dịch tấn công Rafah sẽ bị trì hoãn cho tới khi thỏa thuận kết thúc. Ngay cả khi hai bên không tìm được tiếng nói chung, cuộc tiến công gần như chắc chắn sẽ không xảy ra trong tương lai gần", Pfeffer nhận định.
Bunkall cũng cho rằng việc IDF rút quân khỏi Khan Younis đồng nghĩa quân đội Israel sẽ khó có thể mở chiến dịch trên bộ quy mô lớn nhằm vào Rafah, "ít nhất là trong ngắn hạn".
Chuyên gia Bob nhận định trong trường hợp đàm phán với Hamas sụp đổ, IDF vẫn được lợi khi rút quân khỏi Khan Younis, bởi họ có thể mở cánh cửa tấn công Rafah một cách thuận lợi hơn, qua đó đẩy Hamas vào ngõ cụt và cuối cùng buộc phải chấp nhận thỏa thuận có lợi hơn cho Israel.
Theo ông, việc binh sĩ Israel không còn hiện diện tại Khan Younis sẽ tạo điều kiện để hàng trăm nghìn người đang tị nạn ở Rafah có thể trở về, mà không cần Israel phải mở chiến dịch sơ tán qua hành lang nhân đạo.
Điều này có thể giúp Israel nhận được sự ủng hộ quan trọng từ Mỹ. Washington trước đó tuyên bố chỉ hậu thuẫn Tel Aviv tiến công Rafah nếu nước này đưa ra được kế hoạch khả thi về việc sơ tán hơn một triệu người tị nạn, điều mà Mỹ lo ngại Israel khó làm được.
Lực lượng Israel tại Dải Gaza trong bức ảnh đăng ngày 27/2. Ảnh: IDF
Động thái rút khỏi Khan Younis cũng có thể là chiến thuật "nghi binh" của IDF, giả vờ rút lui để Hamas tái tập hợp lực lượng đang bị phân tán vào một nơi, sau đó mở chiến dịch tấn công một lượt giống như từng làm với bệnh viện Al-Shifa.
Quân đội Israel tháng 11/2023 đưa quân vào bệnh viện lớn nhất Gaza, cáo buộc Hamas đặt trung tâm chỉ huy ở đây. IDF sau đó rút lui, rồi bất ngờ mở chiến dịch đột kích bệnh viện vào ngày 18/3, tuyên bố nhận được tin tình báo nhóm vũ trang đã tái tập hợp lực lượng ở cơ sở này.
Quân đội Israel hôm 1/4 thông báo kết thúc chiến dịch, cho hay đã hạ hơn 200 tay súng Hamas và phong trào Hồi giáo Jihad Palestine (PIJ) tập kết ở bệnh viện. Hamas và PIJ bác bỏ thông tin này, cho rằng những người thiệt mạng ở bệnh viện chủ yếu là dân thường tị nạn và nhân viên y tế.
Bộ trưởng Quốc phòng Israel Yoav Gallant hôm 7/4 cũng tuyên bố mục đích của IDF khi rút khỏi miền nam Gaza là nhằm chuẩn bị cho cuộc tấn công vào Rafah. "Chúng tôi sẽ khiến Hamas không còn kiểm soát dải đất, cũng như không thể tiếp tục hoạt động như một lực lượng quân sự có khả năng gây nguy hiểm cho công dân Israel", ông nhấn mạnh.
Phát ngôn viên Hội đồng An ninh Quốc gia Nhà Trắng John Kirby cùng ngày nhận định động thái của IDF là nhằm giúp binh sĩ nước này có thể nghỉ ngơi, tái trang bị sau 4 tháng mệt mỏi chiến đấu, trước khi bước vào chiến dịch mới.
Vị trí các đô thị ở Dải Gaza. Đồ họa: BBC
Article sourced from VNEXPRESS.
Original source can be found here: https://vnexpress.net/tinh-toan-cua-israel-khi-rut-quan-khoi-thanh-tri-hamas-o-nam-gaza-4731626.html