Iran bác cáo buộc phát triển vũ khí hạt nhân tại địa điểm bí mật
Ngày 9/9, chính quyền Iran đã phản bác cáo buộc của Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu về việc Tehran đang phát triển các vũ khí hạt nhân tại một địa điểm bí mật.
Đăng tải trên mạng xã hội Twitter, Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif chỉ trích cáo buộc của Thủ tướng Netanyahu, đồng thời cho rằng Israel và Mỹ đang tìm cách khiêu chiến.
Trước đó cùng ngày, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu nói rằng Tehran đang phát triển các vũ khí hạt nhân tại một địa điểm bí mật ở thành phố Abadeh, phía Nam thành phố Isfahan của Iran.
Đây là lần đầu tiên Thủ tướng Netanyahu nêu tên địa điểm này. Theo ông, Israel đã phát hiện ra địa điểm phát triển vũ khí hạt nhân bí mật này sau khi phân tích các tài liệu của Iran mà Israel đã thu được và phát hành công khai hồi năm ngoái. Tuy nhiên, sau đó Iran đã phá hủy cơ sở này.
Tuyên bố của Thủ tướng Netanyahu được đưa ra một ngày sau khi truyền thông khu vực dẫn nguồn hai nhà ngoại giao tham gia vào quá trình Tổ chức Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) thanh sát cơ sở hạt nhân Iran cho biết các mẫu phẩm môi trường mà IAEA thu thập được tại một địa điểm mà Thủ tướng Israel Netanyahu khẳng định từng là “kho hạt nhân bí mật” tại Tehran đã cho thấy các dấu hiệu urani và phía Iran đến nay vẫn chưa đưa ra giải thích về điều này.
Theo nguồn tin ngoại giao trên, các dấu hiệu này có liên quan tới urani, thành phần nguyên tử mà Iran đang làm giàu và là một trong hai nguyên tố căn bản để chế tạo bom hạt nhân. Tuy nhiên, dấu vết urani này chưa được làm giàu ở mức cao, có nghĩa rằng nó đã không được làm giàu tiệm cận tới mức cần thiết để chế tạo vũ khí hạt nhân.
Hiện chưa rõ những dấu vết này là tàn dư nguyên liệu liên quan tới các hoạt động làm giàu urani diễn ra trước thời điểm thỏa thuận hạt nhân năm 2015 hay gần đây.
Thỏa thuận hạt nhân lịch sử ký năm 2015 giữa Iran và năm nước ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (Trung Quốc, Nga, Anh, Pháp và Mỹ) cùng Đức.
Văn kiện này quy định Iran chỉ được phép làm giàu urani ở tỷ lệ 3,67%, thấp hơn nhiều so với mức 90% để chế tạo vũ khí hạt nhân và cũng thấp hơn mức 20% mà Iran đã thực hiện trước khi thỏa thuận được ký kết. Ngoài ra, Tehran được phép sản xuất urani có tỷ lệ làm giàu thấp với khối lượng tối đa 300kg và lượng urani dư thừa có thể được bán ra nước ngoài.
Trong ảnh (tư liệu): Kỹ thuật viên làm việc tại cơ sở làm giàu urani ở Isfahan, Iran. (Nguồn: AFP)
Tháng 5/2018, Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố đơn phương rút khỏi thỏa thuận hạt nhân và áp đặt trở lại các biện pháp trừng phạt quốc gia Trung Đông này. Quan hệ giữa hai nước ngày càng xấu đi sau một loạt động thái gây căng thẳng từ hai phía như vụ Iran và Mỹ tuyên bố bắn rơi máy bay không người lái của nhau. Sau đó, Tehran tuyên bố giảm bớt các cam kết trong thỏa thuận hạt nhân, trong đó có việc tăng giới hạn làm giàu urani.
Cùng ngày 9/9, Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố ông có thể gặp Tổng thống Iran Hassan Rouhani. Phát biểu trước các phóng viên tại Nhà Trắng, ông Trump khẳng định: "Điều đó có thể diễn ra. Không có vấn đề gì với tôi." Ông cũng nói thêm rằng Iran cần giải quyết khó khăn bởi thực sự là họ đang ở trong một tình thế “hết sức tồi tệ."
Tuần trước, Tổng thống Trump cũng cho biết khả năng tiến hành cuộc gặp với Tổng thống Rouhani bên lề kỳ họp Đại hội đồng Liên hợp quốc vào cuối tháng Chín này.
Trong khi đó, Đặc phái viên của Mỹ về Iran, ông Brian Hook nói Mỹ sẽ áp đặt thêm trừng phạt đối với Iran và Mỹ tiếp tục thực hiện chính sách gây sức ép với quốc gia Trung Đông này.
Hôm 5/9 vừa qua, Tổng thống Rouhani khẳng định nếu Mỹ gỡ bỏ tất cả trừng phạt như trước đây, Mỹ có thể tham gia đàm phán đa phương giữa Iran và các bên đã tham gia ký kết thỏa thuận hạt nhân năm 2015.
Truờng trung học tại trung tâm Sunshine có nhiều học sinh gốc Việt theo học và thành công nhất
Article sourced from VIETNAMPLUS.
Original source can be found here: http://www.vietnamplus.vn/iran-bac-cao-buoc-cua-israel-ve-dia-diem-hat-nhan-bi-mat/594479.vnp