Học sinh Trung Quốc uống "thuốc thần kỳ" để thi đậu đại học
Một buổi thi tuyển sinh đại học ở tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc
Nhiều học sinh đã tìm mua và uống các loại thuốc này bất chấp những rủi ro mà nó có thể mang lại. Thuốc có thể được mua dễ dàng trên các trang mạng trực tuyến.
Tháng 5.2016, nữ sinh 18 tuổi Cao Hồng sống ở thành phố Hợp Phì, tỉnh An Huy đã mua 10 viên thuốc Modafinil với giá 100 nhân dân tệ. Nơi bán là một cửa hàng trực tuyến trên WeChat, theo Global Times.
Thuốc thường được dùng để điều trị chứng rối loạn giấc ngủ hoặc ngủ quá nhiều. Thời gian gần đây, Modafinil được các sĩ tử Trung Quốc sử dụng ngày càng nhiều vì được đồn là “thuốc thông minh”.
Cao Hồng kể rằng cô mua thuốc vì bạn bè nói nhiều về nó. Nữ sinh muốn sử dụng Modafinil để tăng cường khả năng tập trung khi ôn luyện.
“Tất nhiên là tôi không tin tưởng 100% vào thuốc nhưng tôi chỉ có 1 cơ hội để thi vào một trường đại học danh giá”, Cao Hồng cho biết. Tuy nhiên, hy vọng tiêu tan khi thay vì giúp thông minh hơn, thuốc lại tạo cảm giác lo lắng và buồn ngủ.
Những lời đồn đại về công hiệu thần kỳ của thuốc đã khiến nhiều phụ huynh tìm cách mua về cho con uống. Họ hy vọng có thể giúp con đạt điểm cao trong kỳ thi. Thế nhưng, các chuyên gia cảnh báo phần lớn trong số chúng là thuốc an thần và có thể gây hại cho sức khỏe.
Theo cơ quan quản lý dược phẩm tỉnh An Huy, “thuốc thông minh” phần lớn là Ritalin và Modafinil. Chúng thường được dùng để điều trị bệnh trầm cảm và chứng rối loạn tăng động giảm chú ý (ADHD), một dạng rối loạn các chức năng thần kinh.
Các loại thuốc này có khả năng kích thích hệ thần kinh trung ương và giúp con người tỉnh tảo. Tuy nhiên, nó không có “sức mạnh kỳ diệu" làm tăng khả năng ghi nhớ và chỉ số IQ ở người.
Việc buôn bán thuốc diễn ra khá bí mật, khiến các cơ quan chức năng rất khó kiểm soát, theo Beijing Youth Daily. Phần lớn thuốc được nhập từ Mỹ và châu Âu. Bác sĩ muốn kê toa cũng phải tuân theo những quy định chặt chẽ.
Thực tế cho thấy chế độ dinh dưỡng đủ chất, nghỉ ngơi hợp lý mang lại hiệu quả hơn bất kỳ loại thuốc nào, ông Trịnh Ngọc Long, một chuyên gia dinh dưỡng nổi tiếng ở Trung Quốc cho biết.
Xem thêm
Luật Bồi thường thương tích cá nhân, tai nạn
Article sourced from XALUAN.