'Hộ chiếu vaccine' Trung Quốc thiếu dữ liệu minh bạch
Sau khi đóng cửa biên giới với đa số khách nước ngoài trong hơn một năm, Trung Quốc đưa ra ý tưởng cấp "hộ chiếu vaccine" để nối lại hoạt động đi lại quốc tế trước thềm Thế vận hội Olympic mùa đông mà nước này đăng cai vào tháng 2/2022.
Nhiều cơ quan ngoại giao nước ngoài ở Trung Quốc hôm 15/3 nhận được thông báo và thiết bị lưu trữ chứa "mật mã khóa công khai" để giải mã "giấy chứng nhận y tế đi lại quốc tế", một loại hộ chiếu vaccine mà Trung Quốc đề xuất, chứa thông tin về xét nghiệm Covid-19 và tình trạng tiêm chủng của người sở hữu.
Irit Ben Abba, đại sứ Israel tại Trung Quốc. Ảnh: SMCP
Các nhà ngoại giao nước ngoài ca ngợi đây là "bước tiến hữu ích", đánh giá cao việc Trung Quốc đưa ra đề xuất về vấn đề này. Tuy nhiên, họ nhấn mạnh vấn đề minh bạc dữ liệu có thể cản trở các nước công nhận tình trạng tiêm chủng vaccine phục vụ đi lại quốc tế.
"Để bắt đầu sự hiểu biết lẫn nhau về vaccine, chúng tôi cần hiểu rõ vaccine của Trung Quốc thực chất là gì", Irit Ben Abba, đại sứ Israel tại Trung Quốc, nói.
"Ngược lại, Trung Quốc có lẽ cũng muốn hiểu tác dụng của loại vaccine mà đất nước chúng tôi đang sử dụng", bà nói thêm, bày tỏ mong muốn thúc đẩy công nhận hộ chiếu vaccine của nhau trong "vài tuần nữa".
Israel đã đạt thỏa thuận với Hy lạp, Cyprus và Seychelles cho phép công dân đã được tiêm chủng du lịch tới nước khác. Abba cho hay các bên đạt được thỏa thuận này nhờ họ đề sử dụng cùng loại vaccine của Pfizer/BioNTech.
"Chúng tôi có thể đạt thỏa thuận với Trung Quốc, nhưng hai bên phải chia sẻ thông tin về vaccine của nhau cũng như tác dụng của nó", đại sứ Israel nói.
Trung Quốc đã phê duyệt 4 loại vaccine nội địa, gồm hai loại của Tập đoàn Dược phẩm Quốc gia Trung Quốc thuộc sở hữu nhà nước, một của Sinovac Biotech và một của CanSino. Dù chúng đã được sử dụng để tiêm cho hàng chục triệu người tại Trung Quốc và được gửi tới 97 nước, dữ liệu chi tiết về thử nghiệm lâm sàng giai đoạn ba chưa được các công ty này công bố.
Dữ liệu về các loại vaccine khác đang triển khai khắp thế giới như Moderna, Pfizer, AstraZeneca và Sputnik đã được công bố trên tạp chí khoa học, nhưng chỉ sản phẩm của Pfizer đang được thẩm duyệt hồ sơ tại Trung Quốc.
Một nhà ngoại giao châu Âu giấu tên cho hay họ chưa bắt đầu đàm phán với Trung Quốc về hộ chiếu vaccine và chưa có quyết định sẽ đàm phán với tư cách từng quốc gia hay cả Liên minh châu Âu.
Người này cho biết khi vaccine chưa được Cơ quan Quản lý Dược châu Âu (EMA) phê chuẩn, họ sẽ cần dữ liệu về tính an toàn và hiệu quả của vaccine. Nếu vaccine mới đạt chứng nhận bước đầu hay được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cấp phép sử dụng khẩn cấp, nó có thể vẫn không được EU công nhận.
Hai loại vaccine của Trung Quốc là Sinopharm và Sinovac đang được WHO xem xét và kết quả có thể công bố sớm nhất trong tháng này.
"Tôi cho là các nước EU sẽ không dễ dàng công nhận một loại vaccine chỉ vì WHO đã công nhận nó, bất kỳ ai cũng sẽ phải chịu áp lực trách nhiệm chính trị cực kỳ lớn nếu đưa ra quyết định như vậy", nhà ngoại giao này nói.
Scott Rosenstein, giám đốc chương trình y tế toàn cầu của Tập đoàn Eurasia, cho hay Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) và EMA đã thống nhất không công nhận vaccine chưa được chính cơ quan y tế của nước mình hay của khối xem xét, trong khi nhiều quốc gia lựa chọn cân nhắc các loại vaccine mà WHO đã phê duyệt sơ bộ.
"Đối với những quốc gia không đủ nguồn lực để phân tích dữ liệu thử nghiệm lâm sàng, cơ quan quản lý nước đó có thể sử dụng quyết định phê chuẩn của WHO làm căn cứ hỗ trợ", ông nói.
Bắc Kinh cũng có thể yêu cầu cung cấp dữ liệu để phân tích trước khi công nhận một loại vaccine do nước ngoài phát triển. Trong trường hợp người muốn nhập cảnh vào châu Âu đã tiêm loại vaccine không có dữ liệu và không được công nhận, họ có thể làm chứng nhận xét nghiệm kháng thể trung hòa, chỉ số chứng minh mức độ hiệu quả của vaccine.
"Có thể chứng minh kháng thể trong cơ thể đạt nồng độ nhất định, nhưng sau đó lại đặt ra một câu hỏi khác về mức thế nào là có thể chấp nhận", nhà ngoại giao châu Âu bày tỏ.
Một nguồn tin khác cho hay Trung Quốc và Mỹ đã đàm phán về công nhận vaccine lẫn nhau nhưng chưa đạt được tiến bộ đáng kể.
Đại sứ Abba hy vọng quá trình đàm phán về công nhận vaccine lẫn nhau sẽ sớm được khởi động, nếu không "sẽ rất khó để thúc đẩy quan hệ kinh tế giữa các nước".
"Điều đầu tiên tôi được hỏi khi hội kiến với những người đồng cấp tại Bộ Ngoại giao Trung Quốc là liệu chúng tôi có thể đưa đoàn doanh nhân Israel tới Hội chợ xuất nhập khẩu ở Thượng Hải vào tháng 11 hay không. Nhưng để làm được điều đó, họ cần được nhập cảnh mà không cần kiểm dịch, không phải chịu bất kỳ hình thức cách ly nào", bà nói.
Người dân Trung Quốc xếp hàng chờ tiêm vaccine. Ảnh: Xinhua
Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho hay Bắc Kinh đang tìm cách thiết lập các thỏa thuận có đi có lại trên cơ sở "đáp ứng những lo ngại của nhau", nhưng ý tưởng về miễn hoặc giảm thời gian cách ly cần xem xét thêm.
"Trung Quốc sẽ thực hiện các thỏa thuận phù hợp dựa trên ý kiến chuyên gia và sẵn sàng duy trì liên lạc chặt chẽ với mọi quốc gia", Bộ Ngoại giao Trung Quốc thông báo.
Bất chấp hy vọng nhiều quốc gia mở cửa lại biên giới, hộ chiếu vaccine vẫn chưa chứng minh được nó sẽ giúp chống lại sự lây nhiễm thầm lặng của virus và biến chủng như thế nào.
Một số quốc gia, bao gồm Trung Quốc, đã theo đuổi chính sách khoanh vùng và kiểm soát triệt để ca nhiễm, trong khi nhiều nước khác áp dụng chiến lược giảm thiểu rủi ro, khi cố gắng giảm số ca nhiễm mới nhưng không hạn chế các hoạt động kinh tế, chính trị và xã hội.
Một nhà ngoại giao khác, nơi quốc gia ghi nhận số ca lây nhiễm tỷ lệ cao, cho hay sẽ rất thú vị khi chứng kiến hai bên áp dụng phương thức kiểm dịch như thế nào khi mở cửa biên giới cho công dân của nhau.
"Ý tưởng về hộ chiếu vaccine phụ thuộc vào mức độ lây nhiễm của những người đã tiêm chủng. Cần cân bằng giữa rủi ro với lợi ích, nhưng nếu Trung Quốc chỉ chấp phương án an toàn tuyệt đối, sẽ không có cách nào thực thi ý tưởng này", nhà ngoại giao châu Âu nói. "Tư duy của người châu Âu là họ sẵn sàng chấp nhận rủi ro, miễn là rủi ro đó có thể quản lý được".
Thời gian bảo vệ cũng như hiệu quả chống biến chủng của vaccine cũng là điều có thể cản trở ý tưởng hộ chiếu vaccine, theo Rosenstein.
"Có lẽ vẫn còn quá sớm để biết được vaccine có tác dụng bảo vệ trong bao lâu. Có thể một số nơi trên thế giới sẽ bùng phát loại biến chủng mới né tránh được các loại vaccine hiện nay và những khu vực đó sẽ khó tham gia chương trình hộ chiếu vaccine", Rosenstein bày tỏ, nói thêm quá trình đàm phán có thể diễn ra vào cuối năm nay và kéo dài suốt năm sau.
Hội chợ Tết St Albans 2024
Article sourced from VNEXPRESS.
Original source can be found here: https://vnexpress.net/hoai-nghi-ve-ho-chieu-vaccine-trung-quoc-4248747.html