Hiệp ước hòa bình Hàn - Triều sẽ có tác động như thế nào tới khu vực?
Tương tự những người tiền nhiệm, Tướng Lục quân Mỹ Vincent K. Brooks hiện là người gánh 3 trọng trách cùng một lúc: Tư lệnh các lực lượng Mỹ tại Hàn Quốc, Tư lệnh các lực lượng phối hợp Mỹ - Hàn và Chỉ huy Bộ Tư lệnh Liên Hợp Quốc (UNC). Việc một viên tướng Mỹ phụ trách đồng thời cả 3 lực lượng như vậy đã cho thấy cách cuộc chiến tranh Triều Tiên bắt đầu và tạm dừng, song vẫn chưa kết thúc thực sự.
Bộ Tư lệnh Liên Hợp Quốc được thành lập theo Nghị quyết 84 của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc vào ngày 7/7/1950, tức 12 ngày sau khi chiến tranh Triều Tiên nổ ra. Lực lượng quân sự gắn với vai trò của Liên Hợp Quốc chịu trách nhiệm giám sát cơ chế ngừng bắn cũng như tình hình đối đầu căng thẳng giữa hai quốc gia trên bán đảo Triều Tiên.
Các binh sĩ từ 16 quốc gia được đặt dưới sự quản lý của Bộ Tư lệnh Liên Hợp Quốc. UNC vẫn duy trì hoạt động cho tới ngày nay và sẵn sàng triển khai hoạt động nếu xảy ra các hành động thù địch trên bán đảo Triều Tiên. Vị trí chỉ huy UNC của Tướng Brooks được cho là mang tính biểu tượng, song đây vẫn là vị trí quan trọng vì các lý do quân sự và pháp lý.
Tuy nhiên, viên tướng 68 tuổi của quân đội Mỹ có thể sắp không còn giữ trọng trách này.
Tuyên bố chung Hàn - Triều
Trong một động thái gây bất ngờ, thậm chí còn được coi là lịch sử, hai nhà lãnh đạo Hàn Quốc và Triều Tiên đã tổ chức hội nghị thượng đỉnh hôm 27/4 và tuyên bố sẽ triển khai các bước để tiến tới chấm dứt hoàn toàn chiến tranh Triều Tiên trong năm nay bằng cách ký hiệp ước hòa bình. Về mặt kỹ thuật, Hàn Quốc và Triều Tiên vẫn đang ở trong tình trạng chiến tranh do mới chỉ ký thỏa thuận đình chiến.
Việc chính thức chấm dứt chiến tranh Triều Tiên có thể sẽ là một trong số các vấn đề được đưa ra bàn thảo tại hội nghị thượng đỉnh giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un, dự kiến diễn ra trong 1-2 tháng tới.
Hiện nhiều người vẫn đang “nín thở” chờ đợi xem chuyện gì sẽ xảy ra tiếp theo sau một loạt động thái gây bất ngờ của nhà lãnh đạo Kim Jong-un. Liệu lần này ông Kim Jong-un có thực sự “xuống thang” và chấp nhận ngồi xuống để đàm phán với Mỹ cùng các nước khác không, hay đây lại là một toan tính khác của nhà lãnh đạo Triều Tiên. Mặc dù bầu không khí vẫn đang diễn ra rất tích cực, song vẫn còn quá sớm để khẳng định bất kỳ kết quả thực chất nào.
Trong trường hợp nhà lãnh đạo Kim Jong-un thiện chí và hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều được tổ chức theo đúng kế hoạch, một kịch bản nhiều khả năng xảy ra là hai nước sẽ ký một thỏa thuận trao đổi, trong đó Bình Nhưỡng nhất trí từ bỏ toàn bộ số đầu đạn hạt nhân từng phát triển và chấp nhận phi hạt nhân hóa theo hướng “hoàn toàn, có thể kiểm chứng và không thể đảo ngược”. Đổi lại, Washington sẽ trao cho Triều Tiên lời hứa không xâm lược - điều mà Bình Nhưỡng vẫn xem là điều kiện cần để duy trì sự ổn định của chính quyền.
Điều đáng lưu ý là trong giai đoạn này, chính quyền Kim Jong-un dường như không còn đặt nặng sự hiện diện của các lực lượng quân sự Mỹ trên bán đảo Triều Tiên. Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in từng nói Triều Tiên sẵn sàng phi hạt nhân hóa mà không đặt ra bất kỳ điều kiện nào khiến Mỹ không thể chấp nhận được, bao gồm yêu cầu Mỹ rút quân khỏi Hàn Quốc.
“Tất cả những gì họ mong muốn là chấm dứt chính sách thù địch chống lại Triều Tiên và tiếp theo đó là sự bảo đảm về an ninh”, Tổng thống Moon cho biết.
Tác động của hiệp ước hòa bình
Nếu Triều Tiên và Mỹ đạt được thỏa thuận trao đổi chung, đây có thể là bước đầu tiên dẫn tới việc ký kết hiệp ước hòa bình trên bán đảo Triều Tiên trước khi Mỹ - Triều bình thường hóa quan hệ ngoại giao. Hiệp ước này sẽ chính thức chấm dứt cuộc chiến tranh Triều Tiên và thay thế thỏa thuận đình chiến, vốn có hiệu lực từ ngày 27/7/1953, bằng một cơ chế pháp lý mới trên bán đảo Triều Tiên.
Tuy nhiên, việc chấm dứt thỏa thuận đình chiến cũng kéo theo những hệ lụy nhất định. Thỏa thuận này là cơ sở cho mạng lưới các hoạt động quân sự chiến lược của Mỹ, Hàn Quốc và các đồng minh, do vậy thỏa thuận chấm dứt cũng đồng nghĩa với việc mạng lưới này sẽ phải được xem xét lại.
Sự ra đời của hiệp ước hòa bình trên bán đảo Triều Tiên trước tiên sẽ thách thức sự tồn tại của UNC. Theo đó, cơ sở tồn tại của UNC sẽ không còn nếu hai miền Triều Tiên chính thức chấm dứt các hành động thù địch. Bình Nhưỡng từ lâu đã yêu cầu giải tán cơ chế UNC để tiến tới hiệp ước hòa bình, do vậy nhiều khả năng Tướng Brooks sẽ không còn được giữ vị trí chỉ huy của cơ chế này.
Việc chấm dứt hoạt động của UNC cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro do cơ chế này được xem là nền tảng cho các hoạt động hỗ trợ hậu cần từ lực lượng quân sự Mỹ tại Nhật Bản cho lực lượng quân sự Mỹ tại Hàn Quốc. Hiện một số cơ sở của UNC được đặt tại Nhật Bản, cung cấp các hỗ trợ quân sự cho các binh sĩ tại Hàn Quốc, trong đó phần lớn là binh sĩ Mỹ.
Nhật Bản từng ký một thỏa thuận duy trì lực lượng với UNC vào năm 1954, trong đó cho phép các lực lượng của UNC được đóng tại Nhật Bản. Theo đó, việc giải tán UNC và các cơ sở của UNC đồng nghĩa với việc mối liên kết trọng yếu giữa Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc sẽ không còn nữa.
3 đồng minh Mỹ - Nhật - Hàn có thể đưa ra một hiệp ước 3 bên để bù đắp khoảng trống do UNC để lại. Tuy nhiên, một hiệp ước hợp tác quân sự giữa Hàn Quốc và Nhật Bản được cho là rất khó đạt được nếu xét đến những vấn đề còn tồn đọng trong lịch sử hai nước.
Mặc dù việc Mỹ có rút quân khỏi Hàn Quốc hay không không còn nằm trong bàn cờ chiến lược của Triều Tiên ở thời điểm hiện tại, song sự ra đời của một hiệp ước hòa bình chắc chắn sẽ dẫn tới sự thay đổi đáng kể về cấu trúc của cơ chế hợp tác đa phương vốn tồn tại ở khu vực này suốt 7 thập niên qua. Các bên cũng cần tính toán hiệu ứng dây chuyền có thể xảy ra trước khi đặt bút ký bất kỳ thỏa thuận nào nhằm giải tán cơ chế pháp lý hiện thời và thay thế bằng một cơ chế mới.
Tiệm rượu với đầy đủ các lựa chọn về rượu, bia nhiều nhất tại vùng Springvale
Article sourced from DANTRI.
Original source can be found here: http://dantri.com.vn/the-gioi/my-se-rut-chan-khoi-ban-dao-trieu-tien-sau-hiep-uoc-hoa-binh-lich-su-20180502115044823.htm