Hết oxy y tế, thảm kịch tại bệnh viện Ấn Độ
|
Khi các đường ống dẫn oxy ngừng hoạt động tối 2/5 tại một bệnh viện ở bang Karnataka, miền Nam Ấn Độ, thân nhân người bệnh Covid-19 đã nỗ lực cứu người nhà của mình.
Một số người đau khổ cầu xin oxy trên mạng xã hội. Những người khác chộp lấy điện thoại và điên cuồng gọi cho các chính trị gia địa phương. Vài người chạy xuống hành lang bệnh viện, tuyệt vọng tìm kiếm bác sĩ, y tá hay bất cứ ai có thể giúp họ.
Tuy nhiên, không biện pháp nào hiệu quả. Họ không còn chút oxy nào.
“Mọi người đều bất lực”, cô Rani, một y tá, nói với New York Times. Chồng cô, Sureendra, 29 tuổi, nằm trong số bệnh nhân Covid-19 chết vì nguồn cung oxy gián đoạn.
"Tôi muốn chết. Tôi phải làm gì khi chồng không còn ở đây?”, cô Rani đau khổ nói.
Quan chức địa phương cung cấp nhiều phiên bản khác nhau về số người chết tại bệnh viện. Một số quan chức nói ít nhất 10 người chết vì thiếu oxy. Những người khác cho biết 14 bệnh nhân tử vong sau sự cố, nhưng họ chết vì biến chứng Covid-19 chứ không liên quan trực tiếp đến việc thiếu oxy.
Dù nguyên nhân là gì đi nữa, lời các quan chức thể hiện một vấn đề: Oxy đã cạn.
Người dân xếp hàng chờ đổi bình oxy mới vào tháng 4 ở Delhi. Ảnh: New York Times. |
Oxy trở thành tài nguyên quý giá
“Bệnh nhân tử vong trong thời gian từ sáng 2/5 đến sáng 3/5, nhưng chúng tôi không thể nói họ đều chết do thiếu oxy. Chúng tôi đang điều tra nguyên nhân", M.R. Ravi, quan chức ở Chamarajanagar, thị trấn phía nam của Karnataka, cho biết.
Chuyện xảy ra tại Bệnh viện quận Chamarajanagar ở Karnataka sau khi oxy cạn là trường hợp mới nhất trong một loạt vụ tai nạn chết người xảy ra trên khắp Ấn Độ. Đất nước này đang phải đối mặt với làn sóng lây nhiễm thứ hai và tình trạng nhu cầu oxy y tế tăng cao vượt xa nguồn cung.
Tuần trước, sau khi một bệnh viện ở thủ đô New Delhi hết oxy, 12 người đã tử vong. Tuần trước đó nữa, con số này là 20.
Ngày 3/5, bốn bệnh nhân qua đời trong bệnh viện ở bang Madhya Pradesh, miền Trung Ấn Độ. Thân nhân những người này cho biết oxy đã cạn, mặc dù giới chức trách phủ nhận điều đó.
Một người đàn ông chờ đến lượt bơm đầy bình oxy ở Delhi. Ảnh: New York Times. |
Các bác sĩ tại hàng chục bệnh viện ở Delhi cảnh báo họ cũng sắp cạn kiệt oxy và việc tiếp tục chờ nguồn cung đến vào phút cuối là điều không thể chấp nhận được.
Các quốc gia khác, từ Mexico đến Nigeria, cũng phải đối mặt với tình trạng thiếu oxy. Tuy nhiên, không quốc gia nào xảy ra chuyện này nghiêm trọng như Ấn Độ. Những tai nạn chết người như ở Karnataka cứ lặp đi lặp lại.
“Đây là thất bại trong việc quản trị. Chúng tôi không phân phối oxy vào năm qua trong khi đó là điều đáng lẽ chúng tôi phải làm”, Ritu Priya, giáo sư tại Trung tâm Y học xã hội và Sức khỏe cộng đồng thuộc Đại học Jawaharlal ở New Delhi, cho biết.
Oxy y tế đột nhiên trở thành một trong những tài nguyên quý giá nhất ở Ấn Độ. Và nhu cầu oxy sẽ tiếp tục gia tăng do số ca mắc Covid-19 mới hàng ngày hầu như không giảm bớt.
Ngày 3/5, Bộ Y tế Ấn Độ báo cáo thêm 368.147 trường hợp dương tính với virus và 3.417 người tử vong. Giới chức trách nước này nói họ có đủ oxy lỏng để đáp ứng nhu cầu y tế và đang nhanh chóng tăng nguồn cung. Giới chức cũng nói các vấn đề hậu cần gây ra tình trạng thiếu oxy.
Bệnh nhân lần lượt qua đời
Ấn Độ đã nhận được viện trợ từ các quốc gia khác. Pháp chuyển giao 8 máy tạo oxy vào ngày 2/5. Saudi Arabia và Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) cũng gửi máy tạo oxy cho Ấn Độ.
Ấn Độ cũng nhận được sáu chuyến hàng thiết bị và vật tư y tế, bao gồm cả vật liệu sản xuất vaccine Covid-19, từ Mỹ.
Điều làm vấn đề trở nên phức tạp ở Ấn Độ là các cơ sở sản xuất oxy tập trung chủ yếu ở phía đông của nước này, cách xa tâm dịch Delhi và phía tây bang Maharashtra. Do đó, việc vận chuyển oxy bằng đường bộ phải mất vài ngày.
Chuyên gia cho biết sự chậm trễ trong việc vận chuyển oxy đến bệnh viện ở các thành phố xa nhà máy sản xuất đã dẫn đến những ca tử vong mà lẽ ra Ấn Độ có thể tránh được. Ngày 1/5, 12 bệnh nhân, bao gồm một bác sĩ, tử vong khi Bệnh viện Batra ở New Delhi hết oxy trong một giờ, Sudhanshu Bankata, quan chức bệnh viện này cho biết.
Điều tương tự cũng xảy ra tại bệnh viện Jaipur Golden dành riêng cho bệnh nhân Covid-19 ở New Delhi. Bác sĩ Deep Kumar Baluja, một người quản lý bệnh viện, nói cơ sở của ông nhận được oxy mỗi ngày vào một thời điểm cụ thể. Tuy nhiên, nguồn cung này bị chậm trễ vào ngày 24/4.
“20 bệnh nhân lần lượt qua đời”, ông Baluja nói với New York Times. "Tôi không có lời nào để diễn tả cảm xúc nữa".
Quận Chamarajanagar là khu vực đông dân cư của bang Karnataka. Bang này đã ghi nhận hơn 1,6 triệu ca mắc Covid-19 và hơn 16.000 trường hợp tử vong. Nơi đây có ba khu bảo tồn hổ và nhiều khu bảo tồn động vật hoang dã.
Các vụ lây nhiễm ở Karnataka đã tăng vọt vì người dân còn e dè vaccine và xem nhẹ dịch bệnh, một quan chức địa phương cho biết.
Bác sĩ K. Sudhakar, người đứng đầu cơ quan y tế Karnataka, cho biết chuyện xảy ra tại Bệnh viện quận Chamarajanagar là một "sự cố đáng tiếc”.
Ông Sudhakar đang đến bệnh viện này để kiểm tra tình hình thực tế.
Vào 18h30 ngày 2/5, các bác sĩ và nhân viên y tế của Bệnh viện Chamarajanagar cho biết họ đã hết oxy. Họ cũng liên hệ với mọi nơi có thể để xin giúp đỡ.
Nguồn oxy dự phòng của bệnh viện cạn kiệt lúc 23h. Lãnh đạo bệnh viện cho biết không ai hồi đáp những lời cầu xin tuyệt vọng của họ. Đến 9h ngày 3/5, oxy mới được giao đến.
Các quan chức ở quận Mysore gần đó, nơi cũng là điểm nóng của bang, cho biết họ đã gửi đồ tiếp tế vào tối 2/5. Tuy nhiên, quận Chamarajanagar nói rằng không có ai đến bệnh viện.
Cô Rani (thứ ba từ phải sang) mất chồng sau khi Bệnh viện Chamarajanagar cạn oxy. Ảnh: New York Times. |
Cô Rani, 28 tuổi, vợ của ông Sureendra, người phải nằm trong phòng chăm sóc đặc biệt, cho biết cô nói chuyện với chồng vào khoảng 20h30 tối 2/5.
Đến 23h30 tối, anh Sureendra gọi cho vợ trong tình trạng khó thở.
“Xin hãy đến đây, anh không muốn chết khi chưa thấy em”, cô Rani nhớ lại lời của chồng.
Rani cho biết cô đã gọi cho nhà chức trách bệnh viện và họ nói sẽ sắp xếp để cung cấp oxy sớm.
Cô nhờ hàng xóm cùng đi đến bệnh viện, nơi cách làng họ 45 phút đi xe. Tuy nhiên, hàng xóm từ chối vì cho rằng đi buổi tối nguy hiểm.
Khi cô Rani đến bệnh viện, bố chồng nói cô giờ là một góa phụ. Chồng cô qua đời sáng sớm ngày 3/5, trong lúc bệnh viện cạn oxy.
Truờng trung học tại trung tâm Sunshine có nhiều học sinh gốc Việt theo học và thành công nhất
Article sourced from NEWS.
Original source can be found here: https://news.zing.vn/tham-kich-ben-trong-benh-vien-an-do-post1211387.html