Hàng trăm người thiệt mạng vì tin đồn nhảm chữa Covid-19
Trong khi Covid-19 ngày càng lan rộng và diễn biến phức tạp, khiến hơn 470.000 người nhiễm và hơn 21.000 người tử vong, các tin đồn và những thông tin sai sự thật về đại dịch càng gây thêm hoang mang và dẫn tới những hậu quả khó lường.
Hậu quả của "virus tin giả" có thể rất thương tâm như tại Iran, nơi hơn 210 người đã tử vong vì uống rượu độc sau khi có thông tin trên mạng cho rằng nó có thể chữa trị hoặc ngăn chặn Covid-19, hãng thông tấn IRNA đưa tin.
Những cách chữa trị hoang đường khác bao gồm nuốt tro núi lửa, diệt virus bằng đèn UV hoặc chất khử trùng clo. Giới chức y tế cảnh báo những thứ này có thể gây nguy hiểm cho cơ thể nếu sử dụng không đúng cách.
Các nhân viên y tế điều trị cho bệnh nhân tại phòng chăm sóc đặc biệt ở bệnh viện Erasme, Brussels, Bỉ. Ảnh: AFP |
Một "bài thuốc diệt nCoV" khác được lan truyền trên mạng xã hội là uống keo bạc hay còn gọi là nhũ tương bạc, một loại dung dịch chứa bạc nguyên chất.
"Tôi đang làm keo bạc. Tôi bị hen suyễn và nó thực sự có tác dụng. Tôi rất lo lắng về virus. Liệu mỗi ngày tôi uống một thìa có tác dụng không", một người dùng Facebook có tên Michelle chia sẻ, đăng kèm bức ảnh chụp bình nước, bên trong có một thanh kim loại.
Những tác dụng phụ của việc sử dụng keo bạc bao gồm khiến da đổi màu xám xanh và làm giảm khả năng hấp thụ các loại thuốc, trong đó có kháng sinh, theo Viện Y tế Quốc gia Mỹ. Tuy nhiên, một số người vẫn làm ngơ trước khuyến cáo này.
Một người đàn ông Australia cho hay anh ta thường xuyên mua keo bạc nhưng nay sản phẩm này "đã cháy hàng ở thị trấn của tôi".
Sử dụng cocaine và các hợp chất có tính tẩy rửa cũng nằm trong số những cách chữa bệnh nguy hiểm đang được chia sẻ trên mạng. "Cocaine không có tác dụng chống Covid-19", chính phủ Pháp khẳng định trên Twitter.
"Virus tin giả" còn tấn công các doanh nghiệp, khiến họ lún sâu vào khó khăn giữa dịch bệnh. Trong khi người người đổ xô đến các siêu thị khắp thế giới mua hàng tích trữ, một số thương nhân và nông dân Ấn Độ lại đối mặt với tình trạng ngược lại: mọi người tránh mua các sản phẩm của họ do những tin đồn sai sự thật.
Các cửa hàng bán lẻ ở New Delhi cho hay họ đã nhập rất nhiều hàng hoá Trung Quốc như súng đồ chơi, tóc giả, các phụ kiện màu sắc để chuẩn bị cho dịp lễ hồi đầu tháng này. Tuy nhiên, tin đồn cho rằng các sản phẩm Trung Quốc có thể làm lây lan nCoV đã khiến họ rơi vào cảnh ế ẩm.
"Chúng tôi bị sụt giảm 40 % doanh số so với năm ngoái", Vipin Nijhawan, đại diện Hiệp hội Đồ chơi Ấn Độ, cho biết.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho hay nCoV không tồn tại lâu trên bề mặt vật thể, vì thế các hàng hoá nhập khẩu không có khả năng làm lây bệnh, kể cả khi bị nhiễm khuẩn.
Sự lan truyền thông tin nhanh chóng trên mạng khiến cho nhiều bệnh nhân lập tức tin vào những "phương thuốc" vốn đang được các nhà khoa học thảo luận và chưa xác thực. Sự hoang mang được đẩy lên cao khi các tạp chí khoa học đăng những bức thư, tài liệu thảo luận về việc một số loại thuốc trợ tim có thể khiến người nhiễm nCoV gặp biến chứng nặng hơn hay không. Giới chức y tế khắp châu Âu và Mỹ đã phải khuyến cáo các bệnh nhân tim tiếp tục sử dụng thuốc, bởi họ vốn đã có nguy cơ tử vong cao.
Giáo sư Garry Jennings, cố vấn y khoa của Quỹ Tim Australia, cho biết các bài viết mang tính chất lý thuyết đó "dựa trên một số yếu tố vẫn đang gây tranh cãi". Ông cảnh báo rằng nếu bệnh nhân ngừng uống thuốc, họ có thể bị đau tim và tử vong.
"Những loại thuốc này rất có lợi. Không nên dừng uống thuốc", ông nói.
Trong khi đó, Banner Health, nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khoẻ phi lợi nhuận ở Phoenix, Mỹ, cho biết trên website rằng một người đàn ông đã tử vong, còn vợ rơi vào nguy kịch vì uống một loại chloroquine, thuốc trị sốt rét từng được Tổng thống Trump ca ngợi như "món quà của Chúa" trong điều trị Covid-19.
Chloroquine thường được các khu công viên sử dụng để làm sạch bể cá. Đôi vợ chồng trên 60 tuổi trước đó cũng mua nó để dọn vệ sinh bể cá cảnh trong nhà và đã uống thuốc khi nghe thông tin trên tivi rằng nó có tác dụng điều trị Covid-19.
Trường có truyền thống về các chương trình học thuật, âm nhạc, thể thao và nghệ thuật.
Article sourced from VNEXPRESS.
Original source can be found here: https://vnexpress.net/the-gioi/tin-don-nham-ncov-khien-hang-tram-nguoi-thiet-mang-4075160.html