Hai người vợ “định hình” cuộc đời Tổng thống Zimbabwe

11:33' 20-11-2017
Nếu người vợ đầu tiên được xem là người kề vai sát cánh giúp Tổng thống Robert Mugabe vượt qua những năm tháng khó khăn nhất của cuộc đời thì người vợ thứ hai đã mang lại không ít điều tiếng cho nhà lãnh đạo Zimbabwe và chính điều đó có thể đã đẩy ông vào tình thế “ngàn cân treo sợi tóc” như hiện tại.


    Người vợ kề vai sát cánh

    Tổng thống Robert Mugabe gặp người vợ đầu tiên, bà Sally Hayfron, vào năm 1958 khi cả hai đều đang giảng dạy tại một trường đại học ở Ghana. Hai năm sau đó, họ đã kết hôn ở thủ đô Harare của Zimbabwe. Khi ông Mugabe vấp phải những sóng gió đầu tiên trên con đường chính trị, chính bà Hayfron là người phụ nữ luôn ở bên cạnh và giúp đỡ ông vượt qua mọi khó khăn.

    Vào thời điểm ông Mugabe và bà Hayfron gặp nhau lần đầu tiên, bạn bè của họ nói rằng cặp đôi này bị trúng tiếng sét ái tình, tuy nhiên xuất phát điểm của họ là 2 thế giới hoàn toàn khác biệt. Gia đình ông Mugabe khi đó rất nghèo và cha ông đã bỏ lại vợ và con trai từ năm 1934 để đi làm ăn tại Bulawayo, thành phố lớn thứ hai ở Cộng hòa Rhodesia hay Zimbabwe ngày nay. Trong khi đó, gia đình bà Hayfron có mối quan hệ rất gần gũi với cựu Thủ tướng Ghana Kwame Nkrumah và có cuộc sống vật chất đầy đủ.

    Tại trường đại học, ông Mugabe là người sống khép kín và bị coi là “mọt sách”, trong khi bà Hayfron là người phụ nữ cởi mở và xinh đẹp. Cặp đôi này dường như không tương đồng về tính cách, song đồng điệu về quan điểm chính trị. Cả hai quyết định làm đám cưới vào năm 1960.

    Người vợ đầu tiên luôn sát cánh bên ông Mugabe trong những năm tháng khó khăn (Ảnh: Dailymail)

    Cuộc hôn nhân của ông Mugabe và bà Hayfron không giống với các cặp đôi khác ở Zimbabwe vào thời điểm đó, khi người phụ nữ chủ yếu ở nhà nội trợ và nuôi dạy con cái. Cả ông Mugabe và bà Hayfron đều mong muốn một đất nước Zimbabwe tự do và họ đã kết nối với nhau để thúc đẩy phong trào độc lập tại nước này. Tuy nhiên, cả hai đã phải trả giá.

    Phong trào hoạt động chính trị của Robert Mugabe đã khiến ông trở thành cái gai trong mắt nhà cầm quyền và ông đã bị kết án 10 năm tù. Bà Hayfron sau đó tiếp nối công việc của chồng và rốt cuộc cũng bị bỏ tù vì biểu tình chống sự cai trị của người da trắng.

    Tới năm 1963, khi tình hình chính trị diễn biến ngày càng căng thẳng, bà Hayfron đã chuyển tới Ghana và sau đó là London, Anh. Tại Anh, bà làm công việc thư ký tại Trung tâm châu Phi và tiếp tục hỗ trợ chồng, trong khi ông Mugabe tận dụng thời gian bị giam cầm để tự học.

    Vào năm 1970, ông Mugabe phát hiện ra rằng chính phủ Anh đang tìm cách trục xuất bà Hayfron ra khỏi nước vì thị thực của bà đã hết hạn. Kể từ đó, cơn giận dữ của Mugabe đã nuôi dưỡng trong ông lòng thù ghét tất cả mọi thứ liên quan đến nước Anh.

    Năm 1975, ông Mugabe được trả tự do và gặp lại vợ ở Mozambique nơi ông bắt đầu cuộc chiến tranh du kích để giành lại độc lập của Zimbabwe. Năm 1980, Zimbabwe giành độc lập, đưa ông Mugabe trở thành Thủ tướng da màu đầu tiên của Zimbabwe và bà Hayfron trở thành Đệ nhất phu nhân.

    Bà Hayfron đã thành lập Liên hiệp phụ nữ Zimbabwe ở Anh và giữ liên lạc với các tổ chức châu Phi ở London. Trong lúc ông Mugabe ngày càng khao khát quyền lực, bà Hayfron là người đã giúp kiềm chế chồng để ông không đưa ra những quyết định chính trị thiếu cẩn trọng. Có tin đồn nói rằng ngay cả khi đã cùng nhau trải qua cuộc hôn nhau kéo dài hơn 20 năm, nhưng chỉ cần bước vào phòng là bà Hayfron có thể xoa dịu cơn nóng giận của ông Mugabe.

    Do yêu mến Đệ nhất phu nhân nên người dân Zimbabwe đã đặt cho bà Hayfron biệt danh Amai, có nghĩa là “người mẹ”. Tuy nhiên, sau khi bà Hayfron phát hiện ra rằng bà không thể sinh thêm con cho ông Mugabe, cuộc hôn nhân của họ bắt đầu có dấu hiệu rạn nứt. Michael Nhamodzenyika Mugabe, người con trai duy nhất của ông Mugabe và bà Hayfron sinh ngày 27/9/1963 đã qua đời vì bệnh sốt rét ở Ghana khi mới 3 tuổi.

    Ông Mugabe bắt đầu có những mối quan hệ ngoài luồng, trong khi sức khỏe của bà Hayfron ngày càng xấu đi. Ngày 27/1/1992, bà qua đời vì bệnh suy thận. Cũng kể từ đó, khi không có bà Hayfron bên cạnh, ông Mugabe bắt đầu trở thành một nhà lãnh đạo “cực đoan” hơn.

    Người vợ tham vọng

    Đám cưới của Tổng thống Mugabe và bà Grace từng gây chú ý vì sự xa xỉ (Ảnh: Dailymail)

    4 năm sau ngày vợ cả mất, ông Mugabe kết hôn với người vợ thứ hai là bà Grace Marufu. Bà Grace sinh năm 1965, trẻ hơn ông Mugabe 41 tuổi. Mối quan hệ của họ bắt đầu khi bà làm thư ký cho ông Mugabe. Bà Grace có với ông Mugabe 3 người con và bà cũng có một con riêng với người chồng cũ.

    Ông Mugabe đã lén lút qua lại với bà Grace từ năm 1987 và cặp đôi đã có với nhau 2 người con trước khi vợ cả của ông Mugabe qua đời năm 1992. Đám cưới xa xỉ của họ diễn ra với sự tham dự của lãnh đạo nhiều quốc gia châu Phi, trong đó có cố Tổng thống Nam Phi Nelson Mandela.

    Từng là một phụ nữ không quan tâm tới chính trị nhưng những năm gần đây, bà Grace bắt đầu nổi lên như một nhân vật tiềm năng cho chiếc ghế Tổng thống kế nhiệm ông Mugabe. Bà ngày càng tham gia nhiều hơn vào đời sống chính trị và trở thành lãnh đạo của liên hiệp phụ nữ thuộc đảng cầm quyền ZANU-PF của Zimbabwe. Bà thường xuyên tổ chức các cuộc mít tinh trên khắp cả nước và chỉ trích bất kỳ ai mà bà cho là không trung thành với tổng thống. Năm 2015, bà thậm chí còn tuyên bố trước công chúng rằng ngay cả khi Tổng thống Mugabe không đứng được do sức khỏe yếu, bà cũng sẽ đặt chồng lên xe lăn để ông có thể tái tranh cử.

    Năm 2014, bà Grace thể hiện rõ tham vọng can thiệp chính trị khi phát động chiến dịch tấn công Phó Tổng thống Joice Mujuru, người được cho là có thể thay thế Tổng thống Mugabe khi ông rời chính trường. Bà Grace đã cáo buộc bà Mujuru, người từng là lính du kích và là thành viên trong nội các của Tổng thống Mugabe từ khi Zimbabwe giành độc lập năm 1980, tham nhũng và tìm cách lật đổ “cái gai trong mắt” này.

    Gần đây, bà Grace công khai “đối đầu” Phó Tổng thống Emmerson Mnangagwa - người từng được coi là nhân vật thân cận của Tổng thống Mugabe nhưng hiện giờ là đối thủ “nặng ký” của bà Grace trong cuộc chạy đua trở thành tổng thống tiếp theo của quốc gia này. Bà được cho là đã tác động tới chồng để Tổng thống Mugabe sa thải ông Mnangagwa.

    Bà Grace nổi tiếng với thói quen mua sắm hàng hiệu và chi rất nhiều tiền cho các chuyến đi du lịch nước ngoài. Bà được cho là đã chi ít nhất 100.000 USD khi tới thủ đô Paris, Pháp để mua sắm trong một ngày. Bà cũng mua nhà cho các con trai ở Dubai và Nam Phi, chi hàng triệu USD ngân sách cho đám cưới của con gái và vừa mua một chiếc xe Rolls-Royce có giá 400.000 USD.

    Bà Grace ngày càng tỏ rõ tham vọng chính trị tại Zimbabwe (Ảnh: AP)

    Công chúng đã được gắn cho bà Grace những biệt danh như “Gucci Grace” hay “Đệ nhất Mua sắm” nhằm ám chỉ phong cách tiêu tiền hoang phí của bà trong bối cảnh đất nước gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, bà Grace cũng tuyên bố bà không quan tâm tới điều tiếng dư luận cũng như cách mọi người nghĩ về bà.

    Mặc dù vậy, bà Grace vẫn nỗ lực để thay đổi hình ảnh trong mắt người dân. Bà được cấp bằng tiếp sĩ tại Đại học Zimbabwe, nơi chồng bà làm hiệu trưởng, sau 3 tháng theo học. Những người ủng hộ bà đã ưu ái gọi bà bằng những mỹ từ như “Dr Amai” (Tiến sĩ Mẹ), “Người thống nhất” hay “Nữ hoàng của nữ hoàng”.

    Chính tham vọng chính trị và lối sống không được lòng dân của bà Grace có thể đã đẩy Tổng thống Mugabe vào tình thế hiện tại khi bị quân đội quản thúc. Trong khi một số nguồn tin nói rằng bà Grace cũng bị quản thúc cùng chồng, thì một số nguồn khác nói bà đã chạy ra nước ngoài trước khi xảy ra chính biến.



    Mời bạn bầu chọn hay chia sẻ trên Facebook:

Bạn đang tìm dịch vụ về ?
Central Skylights Vùng: Dandenong. Phone: 9999 1526
Xem thêm

Cung cấp và lắp đặt giếng trời Velux skylights, rẻ và đẹp tại Melbourne


Article sourced from XALUAN.

Original source can be found here: http://xaluan.com/modules.php?name=News&file=article&sid=1969898


Để lại Tên và mobile, chúng tôi sẽ tìm cho bạn những nhà cung cấp dịch vụ tốt nhất.

TÌM DỊCH VỤ