Góc khuất đằng sau vẻ hào nhoáng của showbiz Hàn Quốc
Trong những năm 2000, phim Hàn thường khai thác chủ đề dễ “ngấm” là những câu chuyện tình yêu ngọt ngào, sướt mướt. Nhưng càng về sau, các nhà làm phim xứ kim chi càng nới rộng giới hạn đề tài, mang đến những thước phim chân thực hơn về xã hội Hàn Quốc. Không còn quá tập trung vào tình yêu đôi lứa, các tác phẩm truyền hình nước này bắt đầu hé lộ nhiều góc khuất đen tối như bạo lực học đường, “luật ngầm” ở chốn công sở hay mặt trái nhức nhối của showbiz hào nhoáng.
Bạo lực học đường
Hàn Quốc là một trong những quốc gia châu Á phải “căng mình” đối phó với nạn bạo lực học đường nghiêm trọng trong nhiều năm qua. Có không ít trường hợp học sinh nước này tự tử vì bị bạn bè bắt nạt. Chính phủ Hàn Quốc đã thắt chặt biện pháp pháp lý với hành vi bắt nạt từ năm 2012. Tuy nhiên, mức độ bạo lực vẫn có chiều hướng gia tăng ở các trường học.
Theo khảo sát hàng năm của Văn phòng Giáo dục Thủ đô Seoul công bố tháng 11/2018, số học sinh ở Seoul cho biết bị bắt nạt ở trường đã tăng 25,4%. Nguyên nhân được cho là cạnh tranh khốc liệt trong môi trường giáo dục và sự thờ ơ, bưng bít để giữ thể diện của các trường học.
Nhiều bộ phim Hàn Quốc khiến người xem ám ảnh vì tái hiện chân thực nạn bạo lực học đường nghiêm trọng tại nước này. |
Các nhà làm phim không bỏ qua vấn đề nóng hổi, luôn mang tính thời sự này trong tác phẩm của mình. Mỗi năm, Hàn Quốc sản xuất hàng chục tựa phim đề cập đến nạn bạo lực học đường. Siêu phẩm truyền hình năm 2009 - Boys Over Flowers - đã phần nào tái hiện chuyện bắt nạt bạn bè tại trường học Hàn. Vì là con nhà nghèo, có gia cảnh khác biệt mà nữ chính Geum Jan Di bị hội con nhà giàu trong trường “khủng bố” bằng cách ném trứng gà, đổ bột mì, gài bẫy tung ảnh nhạy cảm, hạ nhục công khai giữa đám đông…
Series học đường nổi tiếng School 2013 và School: Who Are You (2015) cũng từng khiến nhiều khán giả phẫn nộ vì những cách thức bắt nạt tương tự Boys Over Flowers. Các nam, nữ sinh còn bày ra nhiều chiêu trò đáng sợ khác để hành hạ bạn mình và hả hê khi thấy người khác phải chịu đau đớn về mặt thể xác, khủng hoảng về mặt tinh thần.
Một bộ phim tiêu biểu nói về nạn bạo lực học đường khác là Angry Mom. Trong hành trình tìm lại công bằng cho cô con gái bị bắt nạt tại trường học, Jo Kang Ja (Kim Hee Sun đóng) - bà mẹ ngoài 30 tuổi trong phim đã phát hiện ra nhiều sự thật khủng khiếp phía sau bục giảng.
Bạo lực học đường là đề tài được nhiều nhà làm phim Hàn quan tâm trong nhiều năm qua. |
Trước việc con mình bị bạn bè đánh đập dã man, Kang Ja không nhận được bất kỳ sự giúp đỡ nào từ giáo viên chủ nhiệm, đồn cảnh sát, sở giáo dục dù cô đã cố gắng cầu xin. Angry Mom không chỉ phơi bày sự thật trần trụi về nạn bạo lực học đường mà còn cho thấy thái độ thờ ơ của những người làm trong ngành giáo dục trước tính mạng của học trò.
Sở hữu kịch bản gây sốc vạch trần nhiều góc khuất đen tối của xã hội hiện đại, bộ phim Jungle Fish 2 từng khiến hàng triệu khán giả ám ảnh. Cốt truyện kể về một nhóm bạn cố gắng lý giải bí ẩn đằng sau cái chết của một nữ sinh ưu tú. Thông qua đó, Jungle Fish 2 đề cập đến vấn đề áp lực thành tích, bạo lực học đường, sự suy đồi đạo đức, mang thai ở tuổi vị thành niên… trong đời sống của thanh niên Hàn Quốc.
“Luật ngầm” giữa sếp và nhân viên chốn công sở
Tại Hàn Quốc, văn hóa đề cao thứ bậc từng khiến người trẻ làm việc tại các văn phòng không được phép từ chối yêu cầu của cấp trên. Điều này dẫn đến sự ra đời của một loại văn hóa khác. Văn hóa đi nhậu sau giờ làm, trong đó nhân viên thường bị bắt buộc đi uống rượu, đi hát karaoke cùng sếp dù không thích đã là câu chuyện quen thuộc tại xứ kim chi.
Frank Ahrens - tác giả của một cuốn hồi ký về thời gian làm việc cho tập đoàn Hyundai của Hàn Quốc - cho biết uống rượu được coi là cách xóa nhòa khoảng cách giữa nhân viên cấp dưới và cấp cao của một công ty. Nhưng từ chối tiếp rượu giữa các đồng nghiệp và sếp tại Hàn Quốc không phải là chuyện dễ dàng.“Trừ khi có vấn đề về sức khỏe thật sự, còn đâu việc hầu rượu sếp là bắt buộc”, Frank nhấn mạnh.
Khai thác câu chuyện đời sống dân văn phòng, The Queen of Office bóc trần “luật ngầm” và những yêu cầu tai quái từ các sếp. Nhân vật chính của phim - cô Kim - phải đối mặt với những quy tắc áp bức chốn công sở - nơi chỉ coi trọng nam giới cùng những lời mời gọi nhậu nhẹt sau giờ làm từ cấp trên. Dù vậy, cô Kim quyết tâm dồn mọi sự chú ý vào công việc và dũng cảm từ chối tham gia bàn nhậu.
The Queen of Office nói lên nỗ lực thoát khỏi quy tắc ngầm tại chốn công sở của những nhân viên văn phòng Hàn Quốc. |
Bộ phim Something in the Rain cũng đề cập đến những mặt tối của công việc văn phòng bên cạnh chuyện tình ngọt ngào của cặp đôi chính. Yoon Jin Ah là mẫu nhân vật điển hình cho các cô gái công sở ở châu Á hiện nay. Cuộc sống của họ xoay vần quanh công việc vất vả, bận rộn. Tại nơi làm việc, họ phải làm quen với thị phi như bị đồng nghiệp và cấp trên chèn ép, nói xấu, tình trạng bất bình đẳng nam nữ, nguy cơ bị lạm dụng và sàm sỡ...
Góc khuất đằng sau vẻ hào nhoáng của showbiz
Mỗi năm, ngành công nghiệp giải trí Hàn Quốc đem về cho nước này hàng tỷ USD. Phim ảnh, âm nhạc, các chương trình truyền hình thực tế đến từ xứ kim chi không chỉ phủ sóng toàn châu Á mà còn có tầm ảnh hưởng sâu rộng tại nhiều quốc gia khác trên thế giới. Làn sóng Hallyu đã góp phần quảng bá hình ảnh đất nước cũng như nâng cao vị thế của Hàn Quốc trên đấu trường quốc tế.
Thế nhưng, để trở thành ngôi sao trong showbiz Hàn khắc nghiệt, nghệ sĩ phải chấp nhận đánh đổi. Hào quang chói lọi đôi khi không thể cứu rỗi họ khỏi những vấn nạn nhức nhối như đời tư bị soi xét, trầm cảm, áp lực từ người hâm mộ, nỗi sợ hãi, cô đơn và quy tắc ngầm trong giới… Trong nhiều năm qua, có không ít nghệ sĩ Hàn tự tử vì không chịu nổi những đắng cay, tủi nhục đó.
Mặt trái của showbiz hào nhoáng đã được nhiều nhà làm phim Hàn tái hiện trên màn ảnh. On Air được xem là tác phẩm mở đầu cho xu hướng làm phim vạch trần sự thật về giới giải trí. Phim đả kích sâu cay vào chiêu trò lăng xê “gà cưng” của các công ty giải trí hay thủ đoạn nổi tiếng của các ngôi sao. On Air cũng giúp khán giả nhìn nhận rõ áp lực công việc khủng khiếp mà nghệ sĩ phải đối diện cùng những mưu đồ tranh chấp hợp đồng quảng cáo của các nhà sản xuất có máu mặt.
On Air phơi bày những sóng gió và bí mật kinh hoàng phía sau hậu trường. |
Không khai thác câu chuyện về giới làm phim như On Air, Dream High - series truyền hình ăn khách tại Hàn - lại đi sâu vào ngành công nghiệp âm nhạc.
Phim kể về hành trình chinh phục ước mơ trở thành ca sĩ nổi tiếng của những học sinh trường nghệ thuật Kirin. Họ phải trải qua quãng thời gian làm thực tập sinh khó khăn, đối mặt với sự cạnh tranh khốc liệt, lịch luyện tập dày đặc và nạn bóc lột sức lao động từ các công ty giải trí...
Có tiền tài, danh vọng nhưng nhiều ngôi sao tại Hàn Quốc phải chấp nhận sống chung với cô đơn. Bộ phim You Came From the Stars đã nói lên cái giá phải trả khi trở thành minh tinh hàng đầu.
Là minh tinh hàng đầu có cuộc sống sang chảnh nhưng Chun Song Yi (You Came From the Stars) phải chịu đựng nỗi cô đơn không ai thấu hiểu và sẻ chia. |
Nhân vật chính của phim - Chun Song Yi - là nữ diễn viên được hàng triệu người ngưỡng mộ nhưng đằng sau hào quang ấy là nỗi cô đơn ít ai thấu hiểu.
Cô phải chịu đựng việc bị người hâm mộ nguyền rủa, bạn bè hãm hại, hợp đồng bị hủy, nhà sản xuất quay lưng, thậm chí còn bị gạ đóng phim người lớn và phải đền tiền bồi thường cho công ty quản lý… Đó chỉ là những mảnh ghép nhỏ trong bức tranh lớn về showbiz Hàn - nơi đầy cám dỗ và thị phi.
Article sourced from NEWS.
Original source can be found here: http://news.zing.vn/nhung-su-that-den-toi-o-han-quoc-phoi-bay-tren-phim-post1017648.html