Gió Lào gây tan băng ở... Nam cực?
ảnh minh họa
Phát biểu tại Hội nghị của các nhà khoa học địa chất châu Âu ngày 25/4, Jenny Turton, nhà địa chất học người Anh cho biết, những đợt gió nóng và khô thổi trên bề mặt băng vùng Nam cực vào mùa hè và mùa xuân, còn được biết đến với tên gọi hiện tượng Foehn, là nguyên nhân khiến băng tại đây tan chảy. Hiện tượng Foehn (phơn) chỉ việc gió sau khi vượt qua núi trở nên khô và nóng. Ở Việt Nam, hiện tượng Foehn thường được dân gian gọi là gió Lào hoặc gió phơn Tây Nam khô nóng.
“Chúng ta biết rằng băng ở Nam cực thường tan chảy vào mùa hè. Chúng tôi nhận thấy rằng những đợt gió nóng thổi từ đầu tháng 9, kéo dài trong 3 tháng, trùng khớp với thời điểm băng tan. Hiện chúng tôi đã xác định được mối quan hệ ấy và đang tiến hành đánh giá mức độ ảnh hưởng” - Jenny Turton cho biết.
Kết luận trên được rút ra sau khi Turton và nhóm nghiên cứu quan sát tảng băng khổng lồ ở Nam Cực có tên Larsen trong suốt 5 năm gần đây. Họ nhận thấy vào mùa hè và mùa xuân, gió nóng thổi hai lần trên mặt tảng băng Larsen.
Hiện tượng Foehn thường được quan sát thấy ở các vùng núi, được hình thành từ các luồng khí nóng và khô. Hiện tượng này thường gây lũ lụt vì gió nóng khiến tuyết và băng trên núi tan chảy.
Các nhà nghiên cứu cho rằng, chính hiện tượng Foehn đã khiến tảng băng khổng lồ Larsen bị tách thành 3 khối nhỏ hơn vào cuối năm ngoái.
Article sourced from XALUAN.
Original source can be found here: http://xaluan.com/modules.php?name=News&file=article&sid=1767726