Giảm gói cứu trợ? Biden tránh 'vết xe đổ' 12 năm trước
Nhưng đề nghị này đa phần không được đảng Dân chủ hưởng ứng. Đảng Dân chủ vẫn muốn xúc tiến với kế hoạch của mình, dù có phải gạt đi các đề nghị của đảng Cộng hòa.
Dường như đang Dân chủ vẫn bị “ám ảnh” bởi những gì họ coi là toan tính sai lầm năm 2009 - lần cuối họ kiểm soát cả Nhà Trắng và Quốc hội, và cũng là thời điểm đối diện với khủng hoảng kinh tế. Lần này, đảng Dân chủ quyết tâm xúc tiến nhanh gói cứu trợ, và không muốn “làm loãng” gói cứu trợ bằng việc chiều lòng đảng Cộng hòa, New York Times bình luận.
Bài học 12 năm trước
“Chúng ta phải học bài học của năm 2008 và 2009, khi Quốc hội quá rón rén và giới hạn mình trong việc đối phó với khủng hoảng tài chính”, Thượng nghị sĩ Chuck Schumer (đảng Dân chủ, bang New York), Lãnh đạo Phe Dân chủ đa số trong Thượng viện, nói.
Thượng nghị sĩ Chuck Schumer cho rằng đảng mình phải học bài học của năm 2009. Ảnh: New York Times. |
Đảng Dân chủ cho rằng khi nhìn lại bài học 12 năm trước, vì muốn có sự ủng hộ của đảng Cộng hòa, họ đã chấp nhận gói cứu trợ nhỏ hơn, và chấp nhận để đàm phán về luật chăm sóc y tế Obamacare kéo dài quá lâu.
Vì vậy, giờ đây, đảng Dân chủ không hào hứng khi một nhóm 10 nghị sĩ Cộng hòa gửi thư đề nghị gặp Tổng thống Biden để nói về gói cứu trợ nhỏ hơn.
Đàm phán giữa hai đảng dự kiến vẫn tiếp tục. Ông Biden ngày 31/1 mời Thượng nghị sĩ Susan Collins (đảng Cộng hòa, bang Maine), cùng những người khác đã ký vào thư, đến Nhà Trắng vào tuần này. Nhưng đảng Dân chủ vẫn dự kiến đưa ra một thủ tục ở Thượng viện mang tên “reconciliation”, cho phép gói cứu trợ có thể được thông qua mà không cần 60 phiếu ở Thượng viện.
Viễn cảnh này khiến đảng Cộng hòa phản đối, cho rằng đảng Dân chủ đang từ bỏ lời hứa đoàn kết của mình, sẽ ảnh hưởng tới khả năng đạt thỏa thuận lưỡng đảng trong tương lai.
Nhưng đảng Cộng hòa lại lờ đi chính những gì họ đã làm khi kiểm soát Quốc hội năm 2017. Khi đó, họ chuẩn bị thủ tục “reconciliation” từ trước khi Tổng thống Trump nhậm chức. Nhờ vậy mà đảng Cộng hòa có được gói cắt giảm thuế trị giá 1.500 tỷ USD mà không cần một phiếu nào từ đảng Dân chủ.
Thượng nghị sĩ Lisa Murkowski, đảng Cộng hòa, bang Alaska, một trong những người ký thư đề nghị gặp ông Biden, nói: “Chúng tôi đang đưa ra đề nghị cùng đoàn kết để bàn về dự luật quan trọng này, vì sao các bạn không cùng bàn, thay vì cố dùng thủ tục ‘reconciliation’ bằng được”.
Nhưng đối với đảng Dân chủ, “vết thương” năm 2009 vẫn còn đó, New York Times bình luận. Họ tin rằng mình đã quá chiều lòng đảng Cộng hòa, vốn luôn chủ trương là cần có giới hạn khi kích thích nền kinh tế.
Đảng Dân chủ cũng cho rằng mình đã bị đảng Cộng hòa “chơi xấu”, tức kéo dài đàm phán dự luật Obamacare để rồi rút lui, gây ra tranh cãi kịch liệt và khiến đảng Dân chủ thất bại trong bầu cử giữa kỳ năm 2010.
Lần này, đảng Dân chủ cho rằng gói cứu trợ phải mạnh mẽ và phải được thông qua nhanh. Họ không muốn để cho đảng Cộng hòa gây sức ép về thời điểm hay quy mô của dự luật, theo New York Times.
Tổng thống Obama nói về dự luật y tế vào năm 2009. Ảnh: New York Times. |
Thử thách đối với lời hứa “đoàn kết”
Ông Biden tất nhiên sẽ muốn gói cứu trợ thông qua với sự ủng hộ của cả hai đảng, để chứng tỏ mình có thể làm cầu nối xuyên đảng phải. Nhưng Nhà Trắng đã khẳng định sẽ không tách dự luật làm nhiều phần để thuyết phục đảng Cộng hòa ủng hộ. Nhà Trắng cũng khẳng định các thay đổi, nếu họ cho phép, cũng sẽ không quá lớn.
“Chúng ta đã học được bài học từ các cuộc khủng hoảng trong quá khứ rằng mối lo không phải là làm quá nhiều”, ông Biden nói, thể hiện quan điểm tương đồng với Lãnh đạo Phe đa số Thượng viện Chuck Schumer. “Mối lo ở đây là làm không đủ”.
Ông vẫn nhớ bài học của chính quyền Obama, khi ông làm phó tổng thống. Ông Obama nắm quyền tháng 1/2009 cũng với sự lạc quan tương tự ông Biden, là có thể hợp tác với đảng Cộng hòa. Dẫu sao, chỉ vài tháng trước đó, đối diện với thảm họa kinh tế, Tổng thống George W. Bush và cả hai đảng Cộng hòa, Dân chủ đã hợp tác chặt chẽ và thông qua 700 tỷ USD cứu trợ.
Nhưng không lâu sau, các nghị sĩ Cộng hòa ở cả Thượng viện và Hạ viện nhanh chóng kết luận rằng con đường tốt nhất để giành lại quyền lực là chống đối bằng được mọi nghị trình của ông Obama.
Khi ông Obama đắc cử, Thượng nghị sĩ Mitch McConnell, khi đó đã lãnh đạo phe Cộng hòa ở Thượng viện, có câu nói nổi tiếng rằng tham vọng trên hết của mình là “biến Obama thành tổng thống một nhiệm kỳ”.
Vì vậy, chính quyền Obama và đảng Dân chủ phải có những thỏa hiệp với đảng Cộng hòa, để có được đủ 60 phiếu. Điều này khiến gói cứu trợ của ông Obama dừng ở mức 787 tỷ USD, ít hơn mức mà nhiều nhà kinh tế cho là cần thiết.
Article sourced from NEWS.
Original source can be found here: https://news.zing.vn/ong-biden-khong-muon-lap-lai-sai-lam-nam-2009-post1180034.html