Gạt bỏ tất cả sau lưng, đây là những vị công chúa sẵn sàng “hết mình vì tình yêu” để cưới thường dân
Công chúa Margriet (Hà Lan)
Công chúa Margriet, là người con gái thứ 3 của Hoàng hậu Hà Lan Juliana, trở thành công chúa đầu tiên trong lịch sử đất nước cối xay gió tổ chức đám cưới với 1 người thường dân.
Công chúa Margriet, là người con gái thứ 3 của Hoàng hậu Hà Lan Juliana, trở thành công chúa đầu tiên trong lịch sử đất nước cối xay gió tổ chức đám cưới với 1 người thường dân. Chồng của cô là một chàng trai 27 tuổi mang tên Pieter van Vollenhoven. Lễ cưới được tổ chức tại nhà thờ St. James ở thành phố The Hague vào ngày 10/01/1967, khi Margriet mới vừa bước qua tuổi 23. Sự kiện này diễn ra chỉ trong vòng 2 năm sau lễ đính hôn của cặp uyên ương trời định.
Nói về hoàn cảnh gặp gỡ, cả Margriet và Pieter đều cùng theo học tại Đại học Leiden, ngôi trường cổ kính nhất ở Hà Lan và được thành lập từ năm 1575 bởi Hoàng tử William. Đây cũng là cơ sở giáo dục nổi tiếng có nhiều thành viên hoàng tộc theo học, vì bên cạnh công chúa Margriet, cả hoàng hậu Juliana lẫn chị gái Beatrix đều là cựu sinh viên của trường.
Sau lễ thành hôn, cả hai vợ chồng Margriet đều đóng góp rất nhiều vào công tác xã hội, thông qua những chuyến viếng thăm dưới tư cách thành viên Hoàng gia Hà Lan.
Sau lễ thành hôn, cả hai vợ chồng Margriet đều đóng góp rất nhiều vào công tác xã hội thông qua những chuyến viếng thăm dưới tư cách thành viên Hoàng gia Hà Lan. Pieter từng được bầu làm Chủ tịch Ủy Ban An toàn giao thông đường bộ của Hà Lan, ông điều hành tổ chức này từ năm 2005 cho đến khi về hưu vào năm 2011. Barry Sweedler, một thành viên của Ủy Ban An toàn giao thông quốc gia của Mỹ, đã từng phải ngợi khen Pieter rằng: "Thế giới trở nên an toàn hơn nhờ sự lãnh đạo tài tình cùng những hoạt động không biết mệt mỏi của ông ấy".
Riêng về phần mình, công chúa Margriet cũng tích cực tham gia các hoạt động thiện nguyện, đặc biệt là trong lĩnh vực y tế chăm sóc sức khỏe lẫn phổ biến văn hóa. Trong giai đoạn từ năm 1984 đến 2007, cô là Chủ tịch Hiệp hội Văn hóa Châu Âu và đồng thời là thành viên danh dự của Ủy Ban Paralympic Quốc tế. Từ năm 1987 đến 2011, Margriet được bầu làm phó Chủ Tịch Hội Chữ thập đỏ Hà Lan. Một vài chuyến thăm của cô đều được thực hiện ở Canada, nơi mà Margriet chào đời từ nhỏ.
Cặp vợ chồng quyền lực có với nhau 4 mặt con, gồm các hoàng tử Maurits, Bernhard, Pieter-Christaan và Floris.
Cặp vợ chồng quyền lực có với nhau 4 mặt con, gồm các hoàng tử Maurits, Bernhard, Pieter-Christaan và Floris. Tất cả đều đã yên bề gia thất và giờ đây cặp đôi hạnh phúc này đang tận hưởng tuổi già an nhiên và quây quần bên 11 người cháu nội yêu quý.
Công chúa Mako (Nhật Bản)
Công chúa Mako cùng với vị hôn phu tương lai, anh Kei Komuro, trong một buổi họp báo tuyên bố về lễ thành hôn của hai người
Là cháu gái lớn nhất của Nhật Hoàng Akihito, công chúa Mako đã tạo ra một sự bất ngờ lớn khi sẵn sàng đánh đổi danh vị công chúa hoàng gia để cưới một người dân thường. Điều này cũng dấy lên những lo ngại nhất định về tương lai của hoàng gia Nhật Bản, sau khi công chúa chính thức không còn là thành viên hoàng thất.
Người yêu của công chúa Mako là Kei Komuro, hiện đang là một trợ lý luật sư, với những sở thích rất đỗi bình dị: thích trượt tuyết, chơi đàn violin hay nấu ăn cực giỏi. Trước khi bắt đầu công việc của một luật sư, Komuro từng tham gia một dự án tuyên truyền và quảng bá du lịch biển tại quê nhà ở thành phố Fujisawa, phía nam thủ đô Tokyo.
Anh chàng còn được mọi người biết đến với biệt danh là "Hoàng tử của biển cả". Cả hai gặp nhau lần đầu tại một bữa tiệc sinh viên ở trường Đại học Công giáo quốc tế tại thủ đô Tokyo, khi chỉ mới 20 tuổi. Tin tức liên quan đến việc thoái vị của Mako được truyền thông đăng tải một cách chóng mặt, nhất là khi có tin cho rằng, công chúa đã giới thiệu chồng tương lai với gia đình hoàng tộc và dường như bố mẹ của Mako đều ưng thuận cuộc hôn nhân này.
Công chúa đã giới thiệu chồng tương lai với gia đình hoàng tộc và dường như bố mẹ của Mako cũng đều ưng thuận cuộc hôn nhân này.
Nghi lễ thành thân sẽ được tiến hành theo đúng chuẩn mực của hoàng gia Nhật, khi mà Komura sẽ phải cho người đến cung điện hoàng gia để báo tin và hỏi cưới, kèm theo đó là sính lễ và lời hẹn ước. Sau đám cưới này, công chúa Mako sẽ từ bỏ ngôi vị của một công chúa và bắt đầu đóng thuế hệt như bao người thường dân khác. Điều này sẽ giáng một đòn mạnh vào sự ổn định của hoàng gia Nhật Bản, vốn có thói quen nối ngôi cho các thành viên là nam trong gia đình. Hiện tại, Nhật Hoàng Akihito chỉ còn 4 người nối dõi ngôi vua, đó là người em trai ruột năm nay đã hơn 80 tuổi, 2 hoàng tử của Nhật Hoàng cùng với người cháu trai và cũng là em trai ruột của công chúa Mako, hoàng tử Hisahito.
Mako hiện đang là nhà nghiên cứu làm việc tại một viện bảo tàng sau khi đã tốt nghiệp bằng Thạc sĩ chuyên ngành về bảo tàng và triển lãm tranh tại Đại học Leicester, Anh Quốc. Cặp uyên ương đang lên nhiều kế hoạch khác nhau sau lễ cưới, bắt đầu bằng việc xây dựng tổ ấm riêng cho mình. Dường như đối với cô, việc từ bỏ ngôi vị công chúa sẽ không gây nhiều xáo trộn đến cuộc sống tương lai sau này. Tiếc rằng vì một vài lý do cá nhân, đám cưới giữa hai người sẽ phải trì hoãn đến năm 2020, thời điểm mà cả hai cho rằng mình đủ trưởng thành và chín chắn để quyết định tương lai hôn nhân của mình.
Vì một số lý do, đám cưới giữa hai người sẽ phải trì hoãn cho đến tận năm 2020
Vương phi Victoria (Thụy Điển)
Lễ cưới của công chúa Victoria và Daniel Westling được tổ chức vào năm 2010 tại Nhà thờ Công giáo Stockholm
Có lẽ đây là một trong những câu chuyện cổ tích tình yêu đẹp nhất về hoàng gia trong nhiều năm trở lại đây, bởi chuyện tình cực kỳ lãng mạn giữa một bên là công chúa Thụy Điển cao quý và một bên là anh chàng thôn quê chất phác. Lễ cưới của họ trở thành một sự kiện trọng đại, mang tầm vóc không khác gì đám cưới giữa Hoàng tử Charles và Công nương Diana của nước Anh vào năm 1981. Với lượng khách mời lên tới 1.100 người, có lẽ chưa ai có thể mường tượng được câu chuyện tình yêu cổ tích này lại có thật. "Mối quan hệ giữa họ thực sự là một cú sốc với tất cả", trích lời phóng viên Johan T. Lindwall, một người theo dõi lễ cưới từ đầu đến cuối. "Daniel đơn giản là có xuất thân khác biệt hoàn toàn với Victoria. Không ai nghĩ rằng sẽ có điều gì xảy ra giữa hai người họ cả".
Công chúa Victoria bắt gặp anh Daniel Westling lần đầu tiên tại một buổi tập gym, khi đó Daniel là huấn luyện viên thể hình cho cô. Lúc này, cô đang trải qua một giai đoạn khá khó khăn khi phải tích cực luyện tập để cải thiện tình trạng rối loạn ăn uống của mình.
Thời buổi đó, hoàng thất Thụy Điển hết sức nặng nề chuyện "xứng đôi vừa lứa", thậm chí khi biết được tin cả hai bắt đầu hẹn hò, Vua Carl XVI Gustav, còn tuyên bố chắc nịch rằng ông sẽ phản đối kịch liệt tình cảm của Daniel và Victoria. Lý do là bởi cô công chúa đã được nhắm kết duyên với một vị hoàng tử Đan Mạch khác có dòng dõi hoàng gia xứng tầm hơn rất nhiều, và việc chấp nhận một chàng phò mã thôn quê xuất thân từ vùng rừng rậm hẻo lánh như Daniel là chuyện không bao giờ có thể xảy ra.
Cả hai luôn sẵn sàng hi sinh vì nhau và vì tình yêu
Trước sức ép từ gia đình hoàng tộc, mối quan hệ của cặp trai tài gái sắc suýt chút nữa đã đi đến hồi kết vào năm 2004, khi mà giữa họ xảy ra những sự rạn nứt sâu sắc. Nhưng bằng ý chí kiên định của mình, Victoria vẫn một mực níu giữ lấy tình cảm của mình với người mà cô nguyện đi theo hết cuộc đời này. Và để xứng với người vợ tương lai của mình, Daniel đã chấp nhận theo học một lớp đào tạo về nghi thức hoàng gia, với sự giúp đỡ từ những cận thần khác của công chúa. Họ dạy Daniel đủ thứ, từ cách ăn nói, đi đứng cho đến tác phong quyền quý của một thành viên trong hoàng tộc. Trong số đó, thiếu tướng quân đội Jan-Eric Warren là người đóng vai trò tiên quyết trong việc biến Daniel từ một anh chàng chân quê trở thành một vị hoàng tử đức cao vọng trọng.
Theo lời kể lại của Warren, hàng ngày ông cùng Daniel phải trải qua nhiều giờ học và luyện tập tác phong của một vị hoàng tử đích thực. Từ việc học ngoại ngữ bao gồm cả tiếng Anh, Pháp và Đức, cho đến việc thay đổi trang phục cũng như phương tiện đi lại, tất cả đều được Warren cố vấn một cách cặn kẽ. Ông từng nhận xét rằng, Daniel thực sự là một con người cầu tiến và luôn chú tâm vào mọi việc: "Anh ấy có niềm đam mê với lịch sử, đặc biệt là lịch sử hoàng gia Thụy Điển". Những bức ảnh được bán ở các cửa hàng lưu niệm ở Thụy Điển đều có hình ảnh Daniel, thay vì mặc những chiếc quần bò rách gối và đội mũ lưỡi trai, thì nay đã quen với việc diện những bộ âu phục lịch lãm. Không nhiều người có thể nhận ra vị phò mã chân chất ngày nào nữa.
Với những người dân tại Ockelbo, quê hương của Daniel, tin tức về đám cưới giữa Daniel và Victoria trở thành một sự kiện trọng đại mang tầm vóc lịch sử
Chính những người phục vụ trong cung điện cũng phải bất ngờ trước thái độ ham học hỏi của Daniel. Và điều gì đến cũng phải đến. Trước hành động của Daniel và lời thỉnh cầu không ngừng từ con gái yêu quý Victoria, Vua Gustav cũng phải xiêu lòng trước khi chính thức tác hợp cho cặp uyên ương được đến với nhau.
Với những người dân tại Ockelbo, quê hương của Daniel, cách thủ đô Stockholm 100 km về phía Bắc, tin tức về đám cưới giữa Daniel và Victoria trở thành một sự kiện trọng đại mang tầm vóc lịch sử. Với họ, Daniel không chỉ đơn giản là vị phò mã tương lai đại diện cho hoàng gia Thụy Điển, mà thực chất anh vẫn luôn là chàng trai thôn quê thân thiện với chiếc quần bò quen thuộc. Chưa bao giờ khoảng cách giữa người dân với gia đình hoàng tộc lại trở nên gần gũi đến thế. Chứng kiến sự kiện ấy nhiều người đã phải thốt lên rằng: "Nếu có ai đó không mang dòng dõi hoàng gia nhưng vẫn có thể chiếm trọn tình cảm của công chúa Victoria, đích thị chỉ có Daniel mà thôi. Đó là một chàng trai tốt bụng và rất hòa đồng với mọi người".
Hội chợ Tết St Albans 2024
Article sourced from KENH14.
Original source can be found here: http://kenh14.vn/gat-bo-tat-ca-sau-lung-day-la-nhung-vi-cong-chua-san-sang-het-minh-vi-tinh-yeu-de-cuoi-thuong-dan-20180430232902408.chn