Đừng quá khắt khe với mọi thứ, nhất là đối với bản thân mình
Thế nhưng đến khi kết thúc học kỳ, số điểm đạt được lại không như ý muốn, và thế là bạn chán chường trong suốt một khoảng thời gian dài.
Kỳ vọng năm nay của bạn là sẽ được đoạt danh hiệu "Nhân viên suất sắc", nghĩ là làm bạn hồ hởi lên kế hoạch cho bản thân để phấn đấu cho suốt một năm. Từ công việc chuyên môn đến công việc trái sở trường, bạn cũng luôn cố gắng hoàn thành một cách tốt nhất mỗi khi được cấp trên giao phó.
Nhưng bằng một vài lý do nào đó, ở phòng ban khác cũng có người hoàn thành tốt hơn bạn, kết quả cuối cùng bạn không hoàn thành được mục tiêu ban đầu đề ra…
Thực ra trong cuộc sống, có rất nhiều thứ không thể thuận theo bản thân mình mà thành. Không phải cứ cái gì chúng ta đề ra, vạch mục tiêu, thực hiện một cách cố gắng là có thể hái được "quả ngọt" ở giai đoạn sau cùng, bởi ở đó nó còng phải phụ thuộc vào quá nhiều yếu tố, khía cạnh mà đôi khi chúng ta chỉ có thể lý giải theo cách "người tính không bằng trời tính" cho nhẹ lòng mà thôi.
Chắc sau những lần thất bại ấy, bản thân các bạn sẽ phải sống trong những tháng ngày day dứt, bồn chồn, khó chịu mà không có cách nào có thể hóa giải được, có đôi lúc bạn chỉ muốn vứt bỏ hết mà đi, sống một cuộc sống nhẹ nhàng mà không cần phải tranh đấu. "Cố gắng làm gì cho mệt khi mà mọi thứ mang lại đều "phủ định" tất cả những gì bạn đang làm"- đã có lúc bạn nghĩ như thế.
Nhưng lật ngược lại vấn đề một chút, đã có khi nào bạn nghĩ rằng nếu như không có những mục tiêu cụ thể thì thực tại nó sẽ còn tồi tệ hơn chưa? Cơm của người này có thể là thuốc độc của người khác. Tương tự, hiện tại của người này lại là ước mơ của nhiều người. Bạn chăm chú theo đuổi mặt trời mà quên tận hưởng những tia nắng vàng rực rỡ.
Bạn mải mê nhìn vào cái đích cuối cùng cùng, nhưng lại sơ suất không nhận thấy một điều rằng: Bạn vẫn đang từng ngày cố gắng, nỗ lực từng ngày.
Chúng ta thường có xu hướng tiếc nuối những gì xưa cũ đã qua, thậm chí có những chuyện trải qua từ rất lâu rồi nhưng mỗi khi ngồi lại, bạn vẫn thẫn thờ trong một vài khoảnh khắc nào đó vì đáng lẽ ra mình có thể làm tốt hơn ở lúc ấy.
Sai lầm là việc thường tình mà con người chúng ta đương nhiên sẽ mắc phải trên suốt quãng đường đời, có sai thì mới có đúng, nếu không sai thì sao bạn biết được bản thân mình đang bị vướng mắc ở vấn đề gì?
Nếu không sai thì sao bạn có thể biết được mình đang yếu kém đến đâu để mà có những điều chỉnh sao cho phù hợp hơn? Quan trọng là sau mỗi lần vấp ngã ấy, bạn phải giữ được đủ tỉnh táo để phân tích nó ra ở nhiều khía cạnh, lấy được từ cái sai đó nhiều nhất những kinh nghiệm đáng quý cho bản thân để chuẩn bị cho những thử thách tiếp theo.
Thế nên, sau mỗi lần sai lầm mắc phải ấy, xin bạn đừng giam mình trong những suy nghĩ tiêu cực, hành hạ bản thân bằng những lời lẽ không đáng có. Đâu phải bạn không nỗ lực hết mình, đơn giản chỉ là bạn chưa thực sự biết cách để việc đó trở nên hoàn hảo hơn mà thôi.
Nghĩ là thế, nói là vậy. Thế nhưng có mấy ai đủ dũng khí và can đảm để thực hiện "trơn tru" những việc đó mỗi khi bản thân xảy ra chuyện, khi gặp trường hợp tương tự của bạn bè hay người thân? Chúng ta có thể dễ dàng nói "thao thao bất tuyệt" trước mỗi tình huống của ai đó, chúng ta có thể thoải mái phân tích câu chuyện ở trên nhiều khía cạnh dưới góc nhìn của riêng bản thân, và chúng ta thầm nghĩ "Sao có tí chuyện thế mà cũng phải chật vật vậy nhỉ?".
Ấy thế mà khi bạn bỗng trở thành nhân vật chính ở trong một rắc rối nào đấy, khi bạn đang tự dày vò mình bằng những điều tiếc nuối đã từng qua thì bạn mới thấy "vượt lên chính mình" là một thử thách dài và vô cùng khó khăn.
Để có được những bức tượng bằng gỗ vô cùng đẹp ở ngoài kia, người thợ mộc đã phải đánh đổi bằng rất nhiều những sai số về kĩ thuật, tay nghề và cả thời gian thiết kế. Nhưng đa phần chúng ta lại chỉ được nhìn, chứng kiến những nghệ nhân "thổi hồn vào gỗ" ấy ở một phiên bản hoàn chỉnh mà vô tình đã không được chứng kiến sự vụng về, lúng túng của họ ở lúc mới bắt đầu nó như thế nào?
Con người chúng ta cũng thế, có những công việc khi vận hành bản thân lại không được như ý muốn, nhiều lúc mọi thứ nó cứ dồn dập đến khiến chúng ta cảm thấy "phát điên" chỉ muốn vứt bỏ tất cả để yên xuôi mọi việc. Có mấy ai đủ "tĩnh" để ngồi phân tích xem đằng sau những sai lầm mắc phải kia là những bài học kinh nghiệm đáng quý, là những công thức cần được điều chỉnh lại để cho bản thân mình, cho sự nghiệp của mình được tái tạo theo một cách hoàn chỉnh hơn hay chưa? Hay chúng ta chỉ thường hành xử theo thói quen là "gạt phăng" đi tất cả những gì mà chúng ta coi là tâm huyết ấy bởi vì nghĩ rằng mọi thứ bản thân mình làm đang là sai?
Đừng quá khắt khe với mọi thứ, nhất là đối với bản thân mình. Suy cho cùng chúng ta cũng chỉ là những cá thể bình dị được sinh ra ở trên trái đất này, chúng ta không có "phép màu thần tiên" để có thể biết trước những gì trong tương lai mà né tránh. Bởi thế đôi khi có những sai lầm xảy ra với chúng ta không hẳn là vì một sự sai lệch nào đó, mà nghĩ tích cực hơn đó là một sự cố gắng cần đáng ghi nhận từ chính bạn
Xem thêm
Luật Bồi thường thương tích cá nhân, tai nạn
Article sourced from GUU.
Original source can be found here: https://guu.vn/ky-nang-loi-hai-cua-nguoi-co-tuong-lai-lam-hoa-voi-chinh-minh-thuan-theo-gio-ma-di-i8iB5qxQDHJDr.html