Đức hy vọng các nước EU nhất trí về danh sách ứng cử viên
Thủ tướng Đức Angela Merkel. (Ảnh: AFP)
Trao đổi với báo giới sau khi Hội nghị thượng đỉnh EU tại Brussels (Bỉ) đã phải dừng lại giữa chừng sau khi lãnh đạo các nước không đạt được sự nhất trí về vấn đề trên, Thủ tướng Merlel nhấn mạnh bà "hy vọng rằng với sự thiện chí, một thỏa thuận sẽ là khả thi."
Trong khi đó, Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte đánh giá tiến trình lựa chọn các vị trí lãnh đạo của EC "phức tạp đến không tưởng" khi có "quá nhiều bè phái," đồng thời hạ thấp khả năng các nước sẽ đạt được nhất trí trong ngày 2/7. Ông cho biết thậm chí một số nhóm chính trị vẫn tồn tại sự chia rẽ nội bộ.
Tương tự, Thủ tướng Croatia Andrej Plenkovic cho biết vẫn chưa có quyết định nào được đưa ra trong các cuộc đàm phán nước rút giữa lãnh đạo EU về việc lực chọn các vị trí hàng đầu trong khối.
Nhà lãnh đạo này nhấn mạnh "mọi thứ vẫn chưa giải quyết xong" và nói thêm rằng các cuộc thương thảo đã đổ vỡ do lãnh đạo các nước đã "quá mệt" để có thể tiếp tục tranh luận thêm.
Về phần mình, Thủ tướng Estonia Juri Ratas nói rằng một thỏa thuận về cách thức phân bổ các vị trí hàng đầu của EU đã nhận được đủ sự ủng hộ cần thiết, song việc lãnh đạo các nước tạm ngừng các cuộc thảo luận là một quyết định đúng đắn bởi các bên phản đối cũng "rất mạnh."
Trước đó cùng ngày, sau 20 giờ thảo luận, Hội nghị thượng đỉnh EU tại Brussels (Bỉ) đã phải tạm dừng sau khi lãnh đạo các nước không đạt được sự nhất trí về danh sách ứng cử viên nắm giữ vị trí lãnh đạo Ủy ban châu Âu (EC) - cơ quan chấp hành EU.
Theo đó, lãnh đạo các nước EU gần như đạt được nhất trí với việc đề cử ông Frans Timmermans ứng cử viên thuộc đảng Xã hội (Hà Lan) thay thế ông Jean-Claude Juncker làm Chủ tịch EC sau khi các nhà lãnh đạo Đức, Pháp và Tây Ban Nha đồng ý ủng hộ.
Tuy nhiên, quyết định này đã vấp phải sự phản đối gay gắt bất ngờ từ Ba Lan, Hungary, Cộng hòa Séc và Slovakia.
Các ứng cử viên cho 4 vị trí cao nhất gồm Chủ tịch EC, Chủ tịch Hội đồng châu Âu, Chủ tịch Nghị viện châu Âu và Đại diện cấp cao phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại EU vẫn đang bị "treo" hoặc bị chặn do những bất đồng giữa những người có quyền ra quyết định.
Dự kiến, hội nghị sẽ tiếp tục làm việc vào lúc 11 giờ ngày 2/7 (theo giờ địa phương).
Cấy ghép imlant, răng sứ thẩm mỹ, trám răng.
Article sourced from VIETNAMPLUS.
Original source can be found here: http://www.vietnamplus.vn/phan-ung-cua-cac-nuoc-sau-khi-hoi-nghi-thuong-dinh-eu-dung-giua-chung/579919.vnp