Đức cân nhắc cung cấp tên lửa một cách gián tiếp cho Ukraine
Ngoại trưởng Anh David Cameron cuối tuần trước đề xuất một thỏa thuận luân chuyển vũ khí với Đức, trong đó Berlin sẽ chuyển giao tên lửa hành trình tầm xa Taurus cho London, đổi lại Anh sẽ cung cấp dòng Storm Shadow cho Ukraine.
Ngoại trưởng Đức Annalena Baerbock sau đó cho hay đây là một phương án mà Berlin đang xem xét. Bà thêm rằng hoán đổi vũ khí là ý tưởng đã được Đức thực hiện trước đây trong nỗ lực hỗ trợ Ukraine, song không nêu cụ thể.
Bà Baerbock (giữa) trong bức ảnh đăng tháng 10/2023. Ảnh: Văn phòng Ngoại trưởng Đức
Đức và Slovenia tháng 9/2022 từng ký một thỏa thuận, trong đó Ljubljana chuyển 28 xe tăng M-55 S, biến thể hiện đại hóa của T-55, tới Ukraine, để đổi lấy 40 phương tiện quân sự do Berlin sản xuất. Đức trước đó cũng cung cấp thiết giáp Marder cho Hy Lạp để nước này chuyển cho Ukraine xe chiến đấu bộ binh BMP-1 từ thời Liên Xô.
Thông tin Đức và Anh có ý định luân chuyển vũ khí lần đầu xuất hiện vào cuối tháng 1. Tờ Handelsblatt của Đức khi đó cho biết các cuộc thảo luận giữa hai nước đang ở trong giai đoạn đầu và Berlin vẫn chưa quyết định có tiếp tục đàm phán hay không.
Thỏa thuận luân chuyển vũ khí với Anh có thể giúp Đức gián tiếp cung cấp tên lửa tầm xa cho Ukraine mà không phải chuyển dòng Taurus cho Kiev.
Dù là quốc gia đứng đầu Liên minh châu Âu (EU) về cam kết viện trợ cho Ukraine, Đức tới nay chưa chấp thuận chuyển giao cho Kiev tên lửa Taurus, do lo ngại nước này có thể sử dụng chúng để tập kích lãnh thổ Nga, khiến xung đột lan rộng ra khu vực.
"Tên lửa Taurus đủ khả năng tấn công một số mục tiêu nhất định ở thủ đô Moskva của Nga nếu bị sử dụng sai mục đích", Thủ tướng Đức Olaf Scholz nói hôm 29/2, đề cập lý do từ chối chuyển giao mẫu tên lửa này cho Ukraine.
Tên lửa Taurus trưng bày tại Pyeongtaek, Hàn Quốc tháng 9/2017. Ảnh: AFP
Ông cũng cho biết việc vận hành tên lửa Taurus nhiều khả năng cần đến sự hỗ trợ của binh sĩ Đức và Berlin không thể điều quân nhân đến Ukraine để giúp lực lượng của Kiev vận hành, do điều này đồng nghĩa với việc "trực tiếp hoặc gián tiếp can dự vào cuộc xung đột".
Chỉ vài ngày sau tuyên bố của ông Scholz, truyền thông Nga công bố đoạn ghi âm về nội dung cuộc họp của giới chỉ huy không quân Đức, trong đó thảo luận khả năng Berlin chuyển giao tên lửa Taurus cho Kiev, cũng như cách Ukraine có thể dùng chúng để tập kích mục tiêu Nga.
Giới quan sát nhận định thông tin này đã khiến Thủ tướng Scholz mất uy tín và đẩy ông vào tình thế rất khó xử.
Taurus KEPD 350 là tên lửa hành trình phóng từ máy bay và ứng dụng thiết kế tàng hình. Mỗi quả đạn nặng 1,4 tấn, đạt tầm bắn 500 km và có thể bay ở độ cao 30-70 m với tốc độ 1.100 km/h.
Tên lửa hành trình Storm Shadow/SCALP-EG do Anh và Pháp hợp tác phát triển, có tốc độ tối đa 1.000 km/h, đủ sức đánh trúng mục tiêu ở khoảng cách 250-560 km tùy biến thể.
Article sourced from VNEXPRESS.
Original source can be found here: https://vnexpress.net/duc-xem-xet-phuong-an-gian-tiep-ho-tro-ten-lua-cho-ukraine-4721316.html