Ngày 21/9, Tổng thống Nga Dmitry Medvedev đã gọi đây là "một hành động phi nhân tính" và đề nghị tăng cường hợp tác với Pakistan trong cuộc chiến chống khủng bố. Trong bức điện gửi Tổng thống Pakistan Asif Ali Zardari, ông Medvedev bày tỏ tình đoàn kết và ủng hộ người dân cũng như giới lãnh đạo Pakistan. Cùng ngày, Tổng thống Afghanistan Hamid Karzai đã chỉ trích mạnh mẽ vụ đánh bom tại nước láng giềng Pakistan. Ông Karzai cũng nhấn mạnh đến sự cần thiết phải có cuộc chiến chống chủ nghĩa khủng bố một cách nghiêm túc. Trong thư gửi Thủ tướng Pakistan, Thủ tướng Ấn Độ Manmohan Singh cho biết hết sức "choáng váng và đau buồn" về vụ đánh bom trên.
Cùng ngày, Trung Quốc cũng chỉ trích vụ đánh bom trên. Nữ phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Khương Du nói Trung Quốc sẽ tiếp tục ủng hộ các nỗ lực duy trì sự ổn định của Chính phủ và nhân dân Pakistan. Ngoại trưởng Australia Stephen Smith khẳng định vụ đánh bom tại Islamabad là một bằng chứng khác cho thấy nguy cơ chủ nghĩa khủng bố đang đe doạ an ninh và nền dân chủ ở Pakistan. Theo ông, Australia đang cân nhắc việc tăng cường hỗ trợ Pakistan trong cuộc chiến chống chủ nghĩa khủng bố, bao gồm khả năng cung cấp hậu cần cho lực lượng hành pháp, huấn luyện chống nổi dậy và hỗ trợ kỹ thuật.
Chính phủ Đức đã lên án mạnh mẽ vụ đánh bom liều chết ở thủ đô Islamabad. Thủ tướng Đức Angela Merkel gọi đây là hành động tấn công tàn bạo và vô nhân tính. Thủ tướng Anh Gordon Brown đã lên án vụ đánh bom đẫm máu ở Islamabad, đồng thời cam kết Anh "sẽ làm tất cả những gì có thể để giúp Pakistan trấn áp các nhóm khủng bố". Trong khi đó, Bộ Ngoại giao Cộng hoà Czech ngày 21/9 thông báo xác nhận Đại sứ nước này tại Pakistan, ông Ivo Zdarek, đã thiệt mạng trong vụ đánh bom trên.
Mặc dù đến nay vẫn chưa có tổ chức này đứng ra nhận ra trách nhiệm, tuy nhiên các điều tra viên Pakistan cho rằng nhiều khả năng mạng lưới khủng bố Al-Qeada là thủ phạm vụ tấn công.