Dịch vụ chia sẻ thực phẩm cứu sống nhà hàng, trang trại Nhật Bản
Đại dịch Covid-19 khiến ngành du lịch toàn cầu lao dốc nghiêm trọng. Những dịch vụ phục vụ du lịch cũng không nằm ngoài sự khủng hoảng. Các nhà hàng, cửa hàng tạp hóa và trang trại cung cấp sản phẩm phục vụ khách du lịch đều đang vật lộn với các mặt hàng tồn đọng không bán được.
Đây là cơ hội cho dịch vụ chia sẻ thực phẩm lên ngôi, giúp kết nối người bán với khách hàng, tránh lãng phí hàng hóa. Đối với người tiêu dùng, họ được cung cấp sản phẩm với giá rẻ hơn và góp phần giảm chất thải thực phẩm.
“Cảm ơn sự giải cứu của bạn”, chủ của Fukudora Morishitaten, cửa hàng bánh ngọt kiểu Nhật ở Tokyo, nói khi đưa hàng cho khách vào một buổi tối đầu tháng 4. Bên trong hộp là 5 chiếc bánh đậu ngọt dorayaki. Những chiếc bánh đã một ngày tuổi, nhưng vẫn còn tốt. Chúng có giá từ 680 yen (6,34 USD), rẻ hơn 20% đến 30% so với giá thông thường.
Khách hàng của Fukudora cho biết, cô thường sử dụng Tabete, dịch vụ chia sẻ thực phẩm giúp kết nối với các cửa hàng. “Nó rất thuận tiện, và thường có giá tốt hơn”, cô nói.
Khách hàng mua bánh đậu ngọt "dorayaki" tại Fukudora Morishitaten ở Tokyo. Ảnh: Nikkei Asian Review. |
Tabete (nghĩa là "ăn" trong tiếng Nhật) được cung cấp bởi CoCooking có trụ sở tại Tokyo. Khách hàng có thể truy cập qua trang web hoặc ứng dụng điện thoại. Tabete hợp tác với khoảng 620 nhà hàng, cửa hàng bán thức ăn nhanh và tiệm bánh, hầu hết ở khu vực nội thị Tokyo. Dịch vụ này cho phép các đối tác của Tabete bán thực phẩm tồn đọng vẫn còn sử dụng tốt đến tay khách hàng.
Khách hàng chọn các mặt hàng muốn mua, trả tiền trước và đến cửa hàng lấy đồ. CoCooking gọi đây là cuộc giải cứu mua hàng. Đối với các cửa hàng, họ sẽ có doanh thu và những sản phẩm sẽ được sử dụng chứ không bị lãng phí trong thùng rác. Nó cũng là cơ hội giúp họ thu hút khách hàng mới.
Các cửa hàng phải trả một khoản phí là 150 yen (khoảng 1,4 USD) cho những giao dịch bán hàng thành công. Số lượng người dùng đăng ký với Tabete đã tăng lên khoảng 230.000 kể từ khi dịch vụ được ra mắt vào mùa xuân năm 2018.
Sự bùng phát của Covid-19 đã giáng một đòn nặng nề vào ngành dịch vụ thực phẩm. Doanh số của Fukudora trong tháng 3 giảm hơn 40% so với cùng kỳ năm trước, lượng khách hàng giảm gần 20%. Tháng 3 theo truyền thống là mùa của những bữa tiệc chia tay ở Nhật Bản, với nhiều nhân viên được gửi đến các bộ phận mới và sinh viên sẽ đến trường vào tháng 4. Nhưng năm nay, những sự kiện như vậy bị hủy bỏ hầu hết do dịch bệnh, do đó nhu cầu về đồ ngọt của Fukudora sụt giảm mạnh.
Điều này góp phần giúp Tabete phát triển mạnh, danh sách sản phẩm trong tháng 3 tăng gấp đôi so với tháng trước. Có hơn 60 cửa hàng mới đăng ký.
"Chúng tôi muốn hỗ trợ các cửa hàng đang bị giảm doanh số và làm giảm số lượng thực phẩm bị đổ bỏ", CEO Kazuma Kawagoe của CoCooking cho biết.
Số lượng các mặt hàng cung cấp bởi Tabete tăng gấp đôi trong khoảng từ tháng 2 đến tháng 3. Ảnh: Nikkei Asian Review. |
Tại một trang trại du lịch ở thành phố Nagano, số lượng khách hàng giảm khiến rất nhiều dâu tây không được bán. Những quả dâu tây tồn sẽ được đông lạnh và đóng gói, sau đó được bán thông qua Amazon. Một gói gồm 6 túi, mỗi túi chứa 100 gram dâu tây, có giá 2.000 yen (khoảng 18,8 USD) chưa bao gồm thuế và phí vận chuyển. Một phần doanh số được chuyển cho người trồng.
Trên Kuradashi.jp, trang web bán lẻ của Kuradashi có trụ sở tại Tokyo, người tiêu dùng có thể mua mì ống và đồ hộp gần ngày hết hạn. Doanh số của trang web trong tháng 3 tăng gấp đôi so với tháng 2 và có thêm gần gấp 3 lần người dùng mới đăng ký. Công ty tuyên bố quyên góp một phần lợi nhuận cho phúc lợi xã hội, góp phần thu hút người dùng.
Theo Nikkei Asian Review, khoảng 6,43 triệu tấn thực phẩm bị lãng phí hàng năm tại Nhật Bản, tương đương với mỗi người dân Nhật Bản vứt đi một bát gạo mỗi ngày. Những dịch vụ chia sẻ thực phẩm ngày càng phổ biến giúp khuyến khích người tiêu dùng tiêu thụ thực phẩm vẫn còn tốt tránh gây lãng phí.
Article sourced from NEWS.
Original source can be found here: http://news.zing.vn/dich-vu-chia-se-thuc-pham-cuu-song-hang-trieu-tan-do-an-o-nhat-ban-post1081372.html