Để cảm xúc đưa lối qua bảng màu dị thường từ "phù thuỷ" hình ảnh Wes Anderson
Bước vào thế giới điện ảnh của Wes Anderson, khán giả không cách nào cưỡng lại nổi màn trình diễn thị giác ấn tượng trong thiết lập màu sắc và sắp xếp bối cảnh đạt đến hàng cực phẩm. Nói một cách ngắn gọn, chỉ cần bằng màu sắc, vị đạo diễn - nhà sản xuất phim tài năng có thể đẩy cảm xúc của người xem đến bất kì cao trào nào mà ông mong muốn.
Wes Anderson (Tên đầy đủ: Wesley Wales Anderson) là đạo diễn phim, nhà biên kịch, diễn viên, nhà sản xuất phim người Mỹ. Sau đề cử cho hạng mục đạo diễn xuất sắc nhất trong năm 2015 với bộ phim Khách sạn Budapest (Tựa Anh: The Grand Budapest Hotel), tên tuổi của Wes Anderson lại càng nổi bật hơn bao giờ hết. Ông được xem là vị đạo diễn có phong cách làm phim độc đáo nhất hiện nay tại Hollywood, mà theo như lời đánh giá từ các nhà phê bình điện ảnh uy tín thì: "Chỉ cần chưa đầy 5 phút, người xem có thể dễ dàng nhận ra đâu là phim của ông". Thậm chí, người trong nghề còn mặc nhiên thừa nhận thuật ngữ "Thế giới của Wes" (Wes World) dành riêng cho các bộ phim của ông.
Tạm bỏ qua cách vị đạo diễn này thiết lập những góc quay, bối cảnh và khung hình, cũng như những hiệu ứng thị giác khác trong phim, thì bảng màu mà Wes Anderson sử dụng là một đề tài mà giới phê bình có dành hàng thập kỉ để phân tích cũng không thể nào viết hết về độ độc đáo của chúng. Wes Anderson tham gia vào hầu hết các khâu trong một tác phẩm điện ảnh, từ viết kịch bản, quay phim, phụ trách âm nhạc, nhằm đảm bảo tính thống nhất trong thế giới màu sắc và hình ảnh mà ông đã tưởng tượng nên trước đó.
Phim hoạt hình "Mr. Fox" của Wes Anderson
Đôi khi khán giả có thể không để ý, nhưng màu sắc từ trang phục của nhân vật, từ cách bày trí đồ vật hay từ phông nền trong từng phân cảnh có thể lái cảm xúc hay khuấy động cảm giác bên trong của người xem theo một cách không ngờ nhất. Không có đúng hay sai cho các cách lựa chọn màu sắc này, mà việc sử dụng đúng bảng màu để biểu hiện chính xác trạng thái cảm xúc của cảnh phim là một việc làm độc đáo nhưng cũng đầy thử thách. Với Wes Anderson, một nhà sản xuất phim có gu nghệ thuật tỉ mỉ và khó tính, màu sắc càng phải được đặt đúng vai trò của nó trong từng phân đoạn.
Bảng màu trong "Bottle Rocket" (Tưởng Bở)
Trong các giai thoại về phim Bottle Rocket (1996), có một lời đồn đại rằng Wes dành nhiều giờ liền để tìm kiếm bảng màu (thuật ngữ: color palette) hoàn hảo cho bộ phim thông qua các hình ảnh trên tạp chí trong suốt quá trình tiền kỳ. Từ Bottle Rocket trở đi, màu sắc trở thành một trong những đặc điểm nổi bật trong phong cách dị thường của ông để tạo ra những hình ảnh vượt thời gian.
Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng khán giả có trí nhớ ngắn hạn với màu sắc. Bằng cách đem lại những khung hình sặc sỡ với chỉ một màu chủ đạo, Wes Anderson đã "buộc" người xem phải ghi nhớ trong đầu. Ví dụ như khi nhắc tới The Grand Budapest Hotel, trí óc ta tự nhiên hình dung được ba sắc màu chính trong phim là hồng, đỏ và tím. Cùng với độ tương phản, hình dáng và màu sắc của chủ thể, Wes Anderson đã kết hợp để tạo nên những ký ức màu sắc dễ bám lại trong trí nhớ của người xem.
Màu vàng và định nghĩa về tuổi trẻ
Màu vàng được Wes Anderson lặp đi lặp lại trong "Moonrise Kingdom"
Moonrise Kingdom là câu chuyện về tuổi thơ bị mất và hành trình tìm lại nó trong tình yêu. Vương quốc trăng non là nơi mà hai đứa trẻ Sam và Suzy tìm kiếm. Màu vàng ngập tràn trong thế giới của hai nhân vật, lạc quan và tươi trẻ như chính ký ức của người xem. Đó chỉ là một trong số rất nhiều ví dụ về công năng của sắc vàng trong phim Wes Anderson.
"Ngài Gustave" đã ngủ với các bà già giàu có như một sở thích "hồi xuân" trong The Grand Budapest Hotel. Trong ảnh là phu nhân D với bộ đầm màu vàng.
Hình ảnh "nguyên cây vàng" từ bộ phim "Bottle Rocket" (1996)
Với màu vàng được nhào nặn trong rất nhiều phim điện ảnh tiêu biểu, các tác phẩm của Wes Anderson đôi khi truyền tải sự tĩnh lặng, thanh bình, đôi khi là sự bức phá mạnh mẽ trong cảm xúc. Như khung hình từ phim ngắn Hotel Chevalier, Wes Anderson đã khéo léo nhấn nhá màu vàng từ quần áo của nhân vật đến phông nền xung quanh, nhằm tạo sắc thái êm dịu trong trạng thái cảm xúc của nhân vật, từ đó tạo hiệu ứng thị giác tương tự lên khán giả.
Sắc vàng nổi bần bật trong một phân cảnh của "Hotel Chevalier"
Ở The Fantastic Mr. Fox Gia Đình Nhà Cáo), bầu trời chuyển màu vàng khi những chú cáo hạnh phúc nhất. Bạn có nhận ra điều này không?
Chiếc tàu ngầm của Steve Zissou được ông sơn màu vàng, như một trong những thứ hiếm hoi khiến người đàn ông này hạnh phúc cho tới khi tìm được con cá mập màu vàng dưới biển sâu.
Đối với ngài Gustave trong Grand Budapest Hotel, cuộc sống là một bữa tiệc dài và phù phiếm theo cùng cách với các nhân vật văn học như Jay Gatsby. Quảng giao và hẹn hò với những mệnh phụ lớn tuổi lắm tiền dường như là một cách để Gustave thay thế cho việc bày tỏ tình cảm thực sự của mình. Anderson đã phản ánh sự hời hợt giả tạo này bằng màu hồng kẹo ngọt thường xuyên hiện diện trong các cảnh của Ralph Fiennes.
Margot Tenenbaum của The Royal Tenenbaums là một Gwyneth Paltrow chơi vơi trong nỗi buồn vô hướng. Cô đã dành thanh xuân để phiêu lưu và tìm kiếm sự khao khát, nhưng với ít sự nhiệt tình và vô định hơn M. Gustave . Kết quả là, những cảnh phim của Paltrow không có màu hồng pastel của Gustave, mà là sự trộn lẫn của vàng đục, hồng nhạt (muted pink - hay được sử dụng trong thời trang kèm với mẫu tóc vàng) và nâu đậm.
"Buồn cười là chúng tôi bắt đầu với các cảnh phim toàn màu hồng. Tôi nghĩ là với màu nào cũng thế thôi - nếu bạn dùng nó nhiều quá thì bạn sẽ không để ý đến nó nữa. Vì thế chúng tôi phải điểm xuyết chút vàng và các màu khác để có thể nhìn nhận lại màu hồng với đủ sắc độ như trước."
Khi nhắc tới chuyện làm cha, Zissou đã nói thế này với đứa con ngoài giá thú của mình, Ned: "Ta ghét những ông bố và ta chưa bao giờ muốn làm cha."
Một điều đáng chú ý là tất cả họ đều mặc đồ đỏ. Đây là thứ màu sắc tượng trưng cho sự bồn chồn, thống trị, kích thích nhãn quan của khán giả và khơi gợi lên thứ cảm giác không bình lặng. Trong The Life Aquatic with Steve Zissou, nhân vật Zissou cùng đoàn thám hiểm đi tìm cá mập đốm đều đội mũ đỏ tượng trưng cho sự bất an nhưng cũng là dấu hiệu của quyền lực khi dấn thân vào biển sâu. Chiếc mũ đỏ của Zissou trở thành biểu tượng của thái độ khinh thị của anh ta trong cuộc sống và lột tả sự thôi thúc đè nén để hoàn thành một lý tưởng về tính nam.
Ba anh em trong "The Darjeeling Limited" và chiếc xe để lại từ ông bố quá cố
Trong The Darjeeling Limited, ba anh em nhà nọ đã miễn cưỡng phải tụ họp về đám tang của người cha mà họ cũng chẳng thân thiết gì lắm, sau đó phát hiện ra thứ duy nhất kết nối họ với người quá cố là chiếc xe hơi màu đỏ. Họ thèm muốn và oán giận vì chiếc xe đại diện cho khoảng trống mà cả ba không bao giờ có thể khỏa lấp trong cuộc đời vì thiếu vắng sự chăm lo của người cha, Chas Tenenbaum (Ben Stiller), con trai của Royal mặc bộ đồ thể thao Adidas màu đỏ từ nhỏ tới lớn.
Hai con trai của Chas cũng vận cây đỏ y chang bố.
Max, con trai của Herman Blume trong phim Rushmore thì đội chiếc mũ beret màu đỏ chói trong nỗ lực có được sự chú ý từ người cha.
Màu đỏ được phối với sắc hồng tạo nên nét sang trọn và cũng có phần giả tạo trong "the Grand Budapest Hotel".
Bậc thầy kể chuyện bằng màu sắc
Rất nhiều bài phân tích về lối sử dụng màu sắc rực rỡ với các bảng màu nguyên trong phim của Wes Anderson đã ra đời, thậm chí rất nhiều sinh viên khoa điện ảnh đã chọn màu sắc trong phim của ông làm đề tài nghiên cứu riêng. Vậy tại sao Anderson lại chọn những bảng màu khá đối chọi để lột tả những câu chuyện u sầu? Sau tất cả thì nhà làm phim này không bao giờ có ý định mô tả chính xác cuộc đời, khi mà mối quan tâm của ông đặt vào trong những câu chuyện về một khách sạn đế vương, một vương quốc trăng non, một gia đình nhà cáo, đảo rác của những chú chó. Thay vào đó, ông tạo ra một mô hình thu nhỏ về trải nghiệm của con người diễn ra trong môi trường dị thường.
Bảng màu cuốn hút của Wes Anderson
Và kết quả là, một mô hình thu nhỏ của nhân loại cũng đòi hỏi một bảng màu thu nhỏ. Khi nhắc tới The Grand Budapest Hotel, chúng ta thấy màu hồng; khi nhìn vào gia đình Tenenbaums ta lập tức hình dung ra sắc nâu đỏ. Điều này khiến mỗi phim của Anderson quay xung quanh một vũ trụ thu nhỏ mà ở đó ấn tượng về bộ phim trong trí nhớ khán giả được tiết chế xuống còn một màu sắc thay vì bức tranh lớn.
Một số bộ phim của Wes có thể được tóm tắt bằng màu
Đó là cách sử dụng màu sắc độc đáo và nổi bật đã giúp Wes Anderson tạo ra dấu ấn của riêng mình trong một nền công nghiệp bị ám ảnh bởi những vụ nổ hào nhoáng và các cuộc đối thoại rẻ tiền. Và đó cũng là lý do tại sao những bộ phim mà anh thường vượt qua mục đích giải trí thuần túy và trở thành tác phẩm nghệ thuật đích thực.
Trường có truyền thống về các chương trình học thuật, âm nhạc, thể thao và nghệ thuật.
Article sourced from KENH14.
Original source can be found here: http://kenh14.vn/de-cam-xuc-dua-loi-qua-bang-mau-di-thuong-tu-phu-thuy-hinh-anh-wes-anderson-20180601102540543.chn