Đại học Deakin tìm ra hướng tái chế pin mặt trời bằng kỹ thuật nhiệt và hóa học

16:00' 23-03-2023
Các nhà nghiên cứu từ Đại học Deakin của Australia đã tìm ra hướng tái chế pin mặt trời bằng kỹ thuật nhiệt và hóa học mới, để chiết xuất silicon từ các tấm pin lỗi thời.


    Lắp đặt hệ thống năng lượng mặt trời trên mái nhà tại một khu dân cư ở Sydney, Australia. Ảnh: Bloomberg

    Trong bối cảnh cuộc khủng hoảng năng lượng ở châu Âu vẫn chưa kết thúc, năng lượng mặt trời đang là xu hướng nhiều quốc gia trên thế giới lựa chọn. Tuy nhiên, rác pin mặt trời lại là vấn đề khiến nhiều quốc gia “đau đầu”. Giải quyết tình trạng này, nhóm các nhà nghiên cứu từ Đại học Deakin của Australia đã tìm ra hướng tái chế pin mặt trời bằng kỹ thuật nhiệt và hóa học mới để chiết xuất silicon từ các tấm pin lỗi thời.

    Với lãnh thổ rộng lớn có số giờ nắng nhiều như Australia, năng lượng mặt trời trở thành nguồn năng lượng lý tưởng, nhưng cùng với đó là mối lo xử lý rác thải từ các tấm pin mặt trời. Hiện tại 90% số rác thải này được đưa tới các bãi rác, vừa gây lãng phí, vừa tạo áp lực lớn lên môi trường.

    Chính vì thế Bộ trưởng Môi trường Australia, bà Tanya Plibersek đang gây áp lực, buộc ngành sản xuất điện năng nước này phải quan tâm tới việc tái chế các tấm pin mặt trời. Theo ông Anthony Vippond, Giám đốc điều hành của Lotus Energy - một công ty năng lượng tái tạo ở Australia, nếu các nỗ lực không được tăng cường, đến năm 2030, có thể có hơn 1/4 triệu tấn vật liệu panel từ các tấm pin mặt trời phải xử lý theo hình thức chôn lấp.

    “Việc tái chế pin mặt trời là điều quan trọng để đảm bảo cả yếu tố môi trường và kinh tế. Tuy vậy, công việc này đòi hỏi một quá trình lâu dài. Đầu tiên, chúng cần được tách ra khỏi hệ thống và sau đó tách các thành phần của tấm pin ra và 2 thao tác này đều tốn kém và mất thời gian”, ông Anthony Vippond nêu khó khăn.

    Ông John Polhill, Giám đốc quan hệ đối tác cơ sở hạ tầng, Cơ quan Phát triển bền vững bang Victoria cho biết, hiện tại việc đưa các tấm pin mặt trời vào bãi rác sẽ rẻ hơn là thu hồi. Vấn đề là phải tìm ra cách để làm cho quá trình tái chế khả thi hơn.

    Phương pháp được nhóm nghiên cứu của Đại học Deakin lựa chọn dựa trên các quy trình hóa học và nhiệt phức tạp, đặc biệt không sử dụng các hóa chất nguy hiểm để chiết xuất silicon có giá trị từ các tấm pin, khiến nó trở nên rẻ hơn và thân thiện  hơn với môi trường.

    Ông Mokhlesur Rahman, thành viên nhóm nghiên cứu cho biết, hiện có nhiều công nghệ xử lý trên khắp thế giới, nhưng hầu hết các công nghệ đều phức tạp, nhiều bước và tốn thời gian. “Phương pháp chiết xuất silicon từ các tấm pin nếu được thực hiện ở quy mô thương mại, sẽ đem lại lợi ích lớn về tài chính đối với các DN tái chế, nếu biết mỗi kg nano silicon tái chế có giá 28.000 USD”, ông Mokhlesur Rahman thông tin.

    Không dừng lại ở một kết quả nghiên cứu, nhóm các nhà khoa học ở Đại học Deakin đang đặt mục tiêu biến nghiên cứu tái chế pin mặt trời thành mô hình kinh doanh, không chỉ dừng ở quy mô phòng thí nghiệm. Đồng thời, nhóm nghiên cứu cũng đang tìm cách chế tạo pin giá rẻ từ vật liệu tái chế này./.



    Mời bạn bầu chọn hay chia sẻ trên Facebook:

Bạn đang tìm dịch vụ về Tiệm rượu?
Steve's Liquor Vùng: Springvale Sth. Phone: 9708 2535
Xem thêm

Tiệm rượu với đầy đủ các lựa chọn về rượu, bia nhiều nhất tại vùng Springvale


Article sourced from VOV.


Để lại Tên và mobile, chúng tôi sẽ tìm cho bạn những nhà cung cấp dịch vụ tốt nhất.

TÌM DỊCH VỤ