Cuộc sống của ai mà thuận buồm xuôi gió đâu?
Chắc hẳn ai cũng từng nghe qua câu chuyện "Rùa và Thỏ", khi người ta không ngừng miệt thị những người lười biếng, tự cao, rõ ràng có bàn đạp lại không biết trân trọng. Tôi lại đã từng ngưỡng một người như Thỏ. Bởi vì bản thân nó, thua một trận đấu sẽ rút ra được kinh nghiệm, nó học được cách không cần tự cao, và rồi nó sẽ vinh danh trong rất nhiều trận thi đấu khác. Nhưng Rùa thì không được như thế, có thể nó thắng một trận huy hoàng hôm nay bằng sự nỗ lực và cố gắng không ngừng, nhưng trên đời này không phải ai cũng giống như Thỏ hết.
Tôi dần nhận thức được, không phải ai sinh ra trên đời đều có được sự nhanh nhẹn để chạy đua không ngừng nghỉ trên đường đời mình. Bản thân tôi tự nhận mình là một chú Rùa chậm chạp, tôi không đủ thông minh để giải hết những bài toán khó mà cuộc đời đưa ra, tôi không đủ nhanh nhẹn để chạy đua với ai khác giữa đường đời, tôi càng không có sức mạnh để chống chọi từng tảng áp lực mà xã hội không ngừng quẳng lên vai.
Thế thì sao? Tôi có một thứ mà chẳng phải ai cũng có được. Đó là sự kiên trì.
"Tại sao chúng ta luôn cố hết sức vượt ải hết các trò chơi, nhưng trong cuộc sống thực tại lại không?"
Khi nghe được câu hỏi đó tôi đã sững người lại. Tôi cảm thấy nó đặc biệt có lý. Hôm qua, chúng ta còn cố gắng vượt qua các ải nhiệm vụ lên cấp trong game. Hôm nay, chúng ta lại không ngừng oán trách những khó khăn trong cuộc sống thực tại, dồn dập bày tỏ rằng chúng ta không thể chống đỡ được nữa.
Hồi bé sức khỏe của tôi không được tốt, rất dễ bị bệnh. Ra nắng hay mưa một chút đều sẽ bị cảm, cứ mỗi lần như thế cha mẹ lại không ngừng cấm không cho ra ngoài chơi. Khoảng thời gian đó tôi không ngừng oán trách, ông trời thật là bất công, tại sao khi người khác có thể khỏe mạnh, được đi chơi mỗi ngày, trong khi đó, cứ mỗi khi trời trở gió, tôi lại phải quấn chặt chăn mà chui rút một xó trong nhà, ngửi mùi thuốc mà không ngừng nôn khan. Khi đi học, lúc nào trong cặp sách cũng phải có một gói khăn giấy, vì cách một hai ngày mũi lại sưng, có khi viêm mũi đến tận một tháng trời chưa khỏi. Bạn bè xung quanh không ngừng chế giễu. Lúc đó tôi không ngừng nghĩ, tại sao tôi lại phải chịu những giày vò này? Tại sao cuộc sống này lại khó khăn với tôi như thế?
Mãi đến sau này, khi tôi chứng kiến nhiều trận thiên tai cướp đi mạng sống của vô số người, nhìn thấy những người sống cả đời trong hình hài không trọn vẹn vì chất độc màu da cam,... Lúc đó, tôi mới nhận thức được. Thật ra, chỉ cần bản thân có thể an ổn sống, đó là điều hạnh phúc nhất trên đời này rồi.
Chúng ta vẫn luôn oán trách cuộc sống này đối với mình quá khó khăn, nhưng cuộc sống của ai mà thuận buồm xuôi gió đâu?
Chúng ta luôn nhìn những trở ngại khó khăn mà chùn bước, lại không nghĩ tới những thu hoạch bất ngờ sau khi đã đột phá được vòng vây.
Mỗi khi chứng kiến sự bất hạnh của một ai đó, tôi lại không ngừng kiểm điểm lại bản thân mình, từ trước đến nay tôi đã làm gì mà có thể may mắn hơn họ? Không ngừng tự hỏi, bản thân đã từng nỗ lực bao nhiêu để phải oán trách cuộc sống luôn khó khăn với mình?
Một lần rồi một lần, cuộc sống không ngừng nghiền ép chúng ta, chẳng qua, sự thật chính là, muốn trở thành một tượng điêu khắc hoàn hảo thì nhất định phải trải qua sự mài dũa không có bất kì ai chịu được.
Có ai đó từng nói, sự đau khổ nhất trên đời này, chính là bản thân không ngừng nỗ lực mà ước mơ lại không cách nào chạm đến được. Nhưng, nếu như không nỗ lực, vậy thì mãi mãi cũng sẽ không có cách nào chạm đến được nữa rồi.
Quan trọng chính là quá trình chúng ta kiên trì vượt qua khó khăn, như cái cách chúng ta không ngừng nghỉ vượt qua các ải trò chơi để lên cấp vậy.
Dù biết mỗi lần kiên trì là không ngừng lựa chọn, mỗi sự lựa chọn đều vô cùng khó khăn. Thứ khiến ta trông mong chính là một lần được lựa chọn không sai lầm. Sợ rằng tất cả những gì ta có thể đánh cược đều phó thác vào lần chọn lựa ấy.
Trước năm sáu tuổi, cha mẹ là người dìu dắt ta khỏi những ốm đau, bệnh tật, vấp ngã, dạy ta đi, dạy ta chạy, rồi sẽ ở sau nhắc nhở rằng đừng để bản thân phải té ngã. Sau năm sáu tuổi, những ngày ngồi trên ghế nhà trường, thầy cô dạy ta phải học thật giỏi, dạy ta viết, dạy ta trưởng thành trong học vấn, họ dạy ta thế nào mới có thể trở nên ưu tú nhất. Sau năm mười tám tuổi, cha mẹ bảo con nhất định phải thành công, thầy cô bảo em nhất định phải cố gắng và kiên trì đạt được những gì mình muốn. Nhưng, chẳng còn ai dạy ta như thế nào mới được gọi là thành công, chẳng ai giải thích cho ta hiểu vì sao ta phải kiên trì sau bao vết thương chồng chất. Sau năm mười tám tuổi, tôi mới nhận rõ được rằng, người sẽ dạy ta trưởng thành là xã hội, người dạy ta kiên trì là chính mình, người giúp ta trưởng thành chỉ có thể là lòng người.
Trước năm mười tám tuổi, chúng ta có niềm tin nhưng lại không muốn tin. Sau năm mười tám tuổi, chúng ta muốn được tin nhưng chẳng còn một ai để bản thân tin tưởng. Tin và được tin. Thật ra hạnh phúc là một loại tín ngưỡng, khi ta tin và hướng về nó, ta sẽ được nhận lại. Thế nên, đôi lúc người ta vẫn hay mù quáng vào một thứ gì đó mà người khác không cách nào hiểu được. Bởi người đó chỉ muốn tin mà không muốn được tin.
Cho đến bây giờ tôi vẫn thích ngồi trên vòng quay ngựa gỗ. Cho dù nó lặp lại những vòng tròn đuổi bắt. Cho dù không cách nào chạm tới được những gì đang mong muốn. Vẫn là thích cảm giác, có thể mãi theo đuổi một thứ gì đó một cách kiên trì. Không nản lòng, không bỏ cuộc.
Tôi vẫn là thích một bản thân kiên trì như thế đấy!
Article sourced from BLOGRADIO.
Original source can be found here: https://blogradio.vn/muon-co-duoc-thu-nhieu-nguoi-muon-phai-chiu-duoc-nhung-gi-it-ai-chiu-duoc-nw228077.html