Cuộc chiến của Chanel với dân buôn hàng hiệu
Đại dịch khiến việc du lịch và mua sắm miễn thuế của người Hàn Quốc bị ảnh hưởng. Điều này thúc đẩy sự bùng nổ hàng xa xỉ ở đất nước này. Đồng thời, nó trở thành lý do khiến Chanel hạn chế lượt mua để ngăn chặn reseller (dân buôn hàng hiệu) bán lại túi với giá tăng 20%.
Thương hiệu Pháp cho biết họ thấy lượng khách đến cửa hàng ở Hàn Quốc giảm kể từ khi thực hiện chính sách giới hạn lượt mua. Phương pháp này được thực hiện nhằm sàng lọc khách hàng - nhóm reseller đang tích trữ hàng hiệu để bán lại với giá đắt đỏ.
Hạn chế reseller
"Chúng tôi có thể xách định được reseller sau khi phân tích mô hình mua của họ. Kể từ khi chính sách giới hạn lượt mua được thực hiện, lượng khách đến cửa hàng của chúng tôi giảm 30%", đại diện thương hiệu Chanel nói với Reuters.
Chính sách của Chanel được thực hiện từ tháng 7/2021 khi nhu cầu đối với hàng hiệu tăng cao sau đại dịch. Theo Euromonitor, Hàn Quốc là thị trường hàng xa xỉ lớn thứ bảy thế giới. Công ty nghiên cứu này ước tính Hàn Quốc nằm trong những thị trường dẫn đầu về doanh thu, xếp sau Trung Quốc.
Nhiều người xếp hàng dài trước cửa hàng Chanel để mua đồ hiệu. Ảnh: Reuters. |
Tuy nhiên, lượng hàng hóa của các thương hiệu, điển hình là Chanel, được kiểm soát chặt chẽ nhằm duy trì tính độc quyền và tăng sức hấp dẫn cho nhãn hàng. Mua sắm trực tuyến chỉ áp dụng với mỹ phẩm, nước hoa và một số phụ kiện nhỏ.
Sự thèm khát hàng hiệu tại đất nước này được thể hiện ở khung cảnh khách xếp hàng dài từ trước bình minh, bên ngoài trung tâm thương mại, để có thể vào cửa hàng Chanel đúng giờ mở cửa.
Một khách hàng cho biết: "Tôi đến lúc 5h30 và nhận thấy có 30 người đang xếp hàng trước mặt". Sau 10 tiếng xếp hàng, anh có thể bước chân vào cửa hàng nhưng món đồ cần mua đã hết.
Bên cạnh đó, thương hiệu Pháp cho biết họ đang triển khai một hệ thống quản lý khách hàng đợi. Khách hàng được yêu cầu cung cấp thông tin liên lạc và lý do ghé thăm cửa hàng. Nhãn hàng sẽ gửi tin nhắn thông báo thời điểm có thể vào mua.
Lee Eun Hee, giáo sư tại Đại học Inha cho biết: "Người tiêu dùng đang tự nguyện quảng cáo miễn phí cho Chanel bằng cách xếp hàng bên ngoài cửa hàng, đăng tải trải nghiệm của họ lên mạng xã hội".
Giáo sư Eun Hee khẳng định hiện tượng này giúp nhãn hàng thu hút thêm lượng khách hàng trẻ tuổi và kiếm được khoản tiền lớn.
Tuy nhiên có nhiều khách hàng cảm thấy chán, không còn muốn mua khi nằm trong danh sách chờ quá lâu. "Tôi vừa từ bỏ mong muốn mua một sản phẩm của Chanel cách đây không lâu. Quá khó để mua một món đồ. Còn khoảng 300 người trong danh sách chờ rồi mới đến lượt tôi. Điều này khiến tôi nản lòng. Tôi không muốn nằm trong cuộc chiến mua sắm điên cuồng này", một người dân Seoul ở độ tuổi 30 nói. Người này không muốn tiết lộ tên do lo ngại về quyền riêng tư.
Thuê người xếp hàng mua đồ hiệu 125 USD/ngày
Trái ngược với những khách hàng đã nản lòng, nhóm dân buôn hàng hiệu không dễ bỏ cuộc. Một reseller nói với Reuters rằng họ đang thuê người xếp hàng với mức phí lên đến 125 USD/ngày. Người xếp hàng sẽ mua đồ cho các reseller.
Tại Hàn quốc, túi xách Chanel được reseller bán lại với giá tăng 20%. Ảnh: Hypebeast. |
Trong khi đó, một reseller ở độ tuổi 30 cho biết anh thường bán lại các món đồ hiệu với mức giá hơn 20%. Một số thiết kế có thể bán với giá cao hơn tùy thuộc vào độ hiếm.
Một chiếc túi đựng thẻ của thương hiệu Pháp được reseller này bán lại trên ứng dụng chợ đồ cũ, Karrot, với giá gần 1 triệu won, cao hơn 40% so với giá bán lẻ. Món hàng được mua chỉ sau 5 phút đăng bán.
Cùng với Rolex, Chanel thuộc danh sách những thương hiệu được săn lùng tại Hàn Quốc. Các sản phẩm của thương hiệu thường được sử dụng làm quà cưới, nhất là những mẫu túi xách mang tính biểu tượng.
Thương hiệu Pháp đã tăng giá một số mẫu túi xách, phụ kiện và quần áo may sẵn vào đầu tháng 3 tại châu Á và châu Âu. Tại Hàn Quốc, mức giá tăng lên 5%. Đây là lần tăng giá thứ 5 trong vòng 9 tháng.
Article sourced from NEWS.
Original source can be found here: http://news.zing.vn/cuoc-dau-cua-chanel-voi-dan-buon-hang-hieu-post1303221.html