Covid-19 đã tạo ra một "cơn bão" xâm hại trẻ em trên mạng

03:00' 27-10-2021
Covid-19 đã tạo ra một cơn bão những điều kiện hoàn hảo thúc đẩy gia tăng bóc lột tình dục trên mạng và các nạn nhân nhỏ tuổi khó thoát khỏi.


    Một tháng trước khi kết thúc lớp 12, Khánh Ngọc, học sinh một trường cấp 3 ở Hà Nội nhận được tin nhắn từ một tài khoản Facebook lạ. Khi mở, đập vào mắt là những ngôn từ tục tĩu khiến cô gái sốc và xóa ngay lập tức. Ngọc không nhắn lại, song tài khoản này tiếp tục quấy rối thêm vài lần nữa.

    Chừng một tuần sau, trong nhóm chat với bạn bè, Khánh Ngọc phát hiện mình không phải là nạn nhân duy nhất. Hàng chục bạn trong trường cũng nhận được những tin nhắn quấy rối tương tự. Kẻ biến thái còn giả mạo thuộc nhóm chụp ảnh kỷ yếu cho lớp, nhắn tin xin lại đường link ảnh với lý do "làm mất file ảnh gốc". Sau khi có ảnh, người đó dùng chính những tấm hình này để bình luận, nhắn tin quấy rối. Thậm chí ảnh các em còn bị phát tán lên mạng xã hội Twitter và tung cả số điện thoại lên web "đen".

    "Chúng em đã báo công an nhưng kẻ đó dùng nhiều nick ảo nên rất khó truy tìm", Ngọc chia sẻ.

    Học online làm gia tăng nguy cơ trẻ em bị xâm hại. Do Covid-19, hơn 20 triệu trẻ em Việt Nam phải giãn cách và nhiều địa phương học từ xa. Ảnh minh họa: Phan Dương

    Một bé gái 6 tuổi ở Hà Nội đang học online, tháng 9/2021. Ảnh minh họa: Phan Dương

    Báo cáo Đánh giá đe dọa toàn cầu năm 2021 của WeProtect - phong trào tập hợp hơn 200 chính phủ và các công ty, tổ chức dân sự để thay đổi phản ứng toàn cầu đối với tình trạng bóc lột và lạm dụng tình dục trẻ em trên mạng - đưa ra giữa tháng 10/2021, cho thấy hai năm qua "Covid-19 đã tạo ra một 'cơn bão hoàn hảo' để thúc đẩy sự gia tăng lạm dụng và bóc lột tình dục trẻ em trên toàn cầu".

    Theo đó, lạm dụng và bóc lột tình dục trẻ em trên mạng đã đạt mức cao nhất tại nhiều quốc gia. Ví dụ tại Mỹ, Trung tâm quốc gia về trẻ em mất tích và bị bóc lột mỗi ngày phải xử lý 60.000 báo cáo về lạm dụng tình dục trẻ em trực tuyến.

    Tại Việt Nam, các chuyên gia cũng nhận định chưa bao giờ xâm hại trẻ em trên Internet nóng như hiện tại. Thạc sĩ Nguyễn Thị Thu Hương, Phó giám đốc Phân hiệu Học viện Phụ nữ Việt Nam nhận định, trong thời gian ảnh hưởng vì Covid-19, trẻ tiếp xúc mạng xã hội, học online càng nhiều, nguy cơ bị xâm hại càng cao.

    Khảo sát của tiến sĩ Hoàng Tuấn Ngọc, Đại học Sư phạm TP HCM, với học sinh trung học cơ sở cho thấy có 7 nhóm vấn đề lớn mà học sinh gặp phải, đứng đầu là xâm hại trên môi trường mạng. Hơn 30% số học sinh cho biết đã và đang gặp phải tình trạng này.

    Những tháng gần đây, đường dây nóng của Tổng đài quốc gia bảo vệ trẻ em 111, tiếp nhận hơn 30 cuộc mỗi tháng phản ánh việc bị quấy rối, xâm hại trên môi trường mạng, đặc biệt trong thời gian giãn cách.

    Tổng đài viên Nguyễn Việt Dũng, chia sẻ trong tháng 9, anh tiếp nhận cuộc gọi của một bé gái lớp 8, quê Hà Nam. Vì buồn chuyện gia đình, học tập nên em thường xuyên chia sẻ cảm xúc tiêu cực trên trang cá nhân. Một đối tượng chủ động hỏi thăm, làm quen, tặng quà và sau một thời gian cô bé nhận lời yêu.

    Lúc này đối tượng dụ dỗ cô bé gửi ảnh hoặc video bộ phận nhạy cảm cơ thể, video tắm để làm "minh chứng tình yêu", "giữ làm kỷ niệm". Dần dần đối tượng buộc cô bé gửi video hằng ngày. Khi em không muốn tiếp tục thì bị đe dọa sẽ phát tán các video cũ. Chuyên gia đã tư vấn cho cô bé thấy sự nguy hiểm đằng sau hành vi này là bôi nhọ danh dự, tống tiền, thậm chí xâm hại ngoài đời.

    "Với những trường hợp thông báo cụ thể địa chỉ và muốn công khai vụ việc, chúng tôi sẽ liên hệ với gia đình và các cơ quan chức năng địa phương phối hợp giúp đỡ. Song nhiều trường hợp muốn giữ danh tính nên chúng tôi sẽ phân tích cho các em thấy mặt hại, cách để phòng tránh và cách thoát khỏi tình trạng này", anh Dũng cho hay.

    Rất may video của bé không có mặt và đối tượng cũng không biết địa chỉ nhà hay trường học của em. Chuyên gia đã hướng dẫn gia đình thu thập bằng chứng là những tin nhắn để trình báo công an, đồng thời không sử dụng tài khoản này nữa. "Những hình ảnh một khi bị phát tán sẽ rất khó kiểm soát. Khi trẻ tìm đến đường dây, chúng tôi cũng sẽ hỗ trợ gỡ được các hình ảnh đó", tổng đài viên Dũng cho biết.

    Giai đoạn cao điểm dịch, Tổng đài Quốc gia bảo vệ trẻ em (111) tiếp nhận hơn 50.000 cuộc gọi mỗi tháng - gần gấp đôi thời điểm bình thường, trong đó số ca tư vấn về xâm hại, bạo lực, quan hệ ứng xử gia tăng. Đồ họa: Tiến Thành.

    Giai đoạn cao điểm dịch, Tổng đài Quốc gia bảo vệ trẻ em (111) tiếp nhận hơn 50.000 cuộc gọi mỗi tháng - gần gấp đôi thời điểm bình thường, trong đó số ca tư vấn về xâm hại, bạo lực, quan hệ ứng xử gia tăng. Đồ họa: Tiến Thành.

    Kể từ khi đại dịch bùng phát, học sinh Việt Nam từ 6 tuổi trở lên đã phải học online và sử dụng các mạng xã hội để giao tiếp với trường lớp, thầy cô, bạn bè. Bà Nguyễn Phương Linh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Phát triển bền vững (MSD) nhận xét, dù sinh ra trong thời đại công nghệ và có thể rất nhanh chóng giỏi công nghệ nhưng các em chưa đủ các kỹ năng cần thiết để đối mặt với những rủi ro trên môi trường mạng và dễ bị xâm hại, đặc biệt là xâm hại tình dục trên môi trường mạng.

    "Với đặc tính ẩn danh của Internet, kẻ xâm hại trẻ em có thể là bất cứ ai", bà Linh cảnh báo.

    Hành vi xâm hại trên mạng thể hiện rất đa dạng, như: đánh cắp thông tin cá nhân, xâm hại tình dục bằng cách đe dọa đăng hình ảnh nhạy cảm, cưỡng bức xem hình ảnh khiêu dâm, quấy rối qua tin nhắn, bắt trẻ gửi hình ảnh hoặc live stream nhạy cảm, bắt nạt trên mạng, công kích bằng lời, hù dọa, thách thức, bêu xấu trẻ...

    Thủ đoạn của những kẻ xâm hại tình dục trẻ em rất tinh vi. Ban đầu, kẻ xâm hại thường tiếp cận các em qua các diễn đàn, mạng xã hội (các nhóm, hội), hay qua các phòng chat hay game online. Sau đó chúng tạo niềm tin bằng cách khen ngợi, quan tâm, tặng quà và tiền, khiến trẻ tin tưởng. Kẻ xâm hại thường tạo sự cảm thông với trẻ, khiến trẻ mất cảnh giác, đáp ứng các yêu cầu như gửi ảnh, quay video, hình ảnh nhạy cảm. Nếu trẻ từ chối, chúng dọa sẽ kể cho bố mẹ, bạn bè hoặc phát tán những hình ảnh, video chúng đã có. Giai đoạn này thường quá khả năng xử lý của trẻ.

    "Trẻ em rất cần được học các kỹ năng số - giống như 'vaccine số' để có khả năng đề kháng trên môi trường mạng", bà Linh khuyến cáo.

    Tổng đài viên Nguyễn Việt Dũng cũng nhận thấy những đứa trẻ bị thiếu thốn vật chất hoặc tình cảm dễ trở thành "con mồi" cho những kẻ chăn dắt trên mạng. Trong khi các bậc phụ huynh thường cảnh giác với xâm hại thực tế mà quên mất môi trường mạng còn dễ dàng hơn và gây ảnh hưởng tiêu cực không khác gì ngoài đời thực.

    Tư vấn viên Nguyễn Việt Dũng, Tổng đài 111 trong một ca trực. Khi trẻ em gặp một vấn đề gì, hãy gọi ngay đến 111 để được trợ giúp. Ảnh: P.D

    Tư vấn viên Nguyễn Việt Dũng, Tổng đài 111 trong ca trực chiều 21/10. Khi trẻ em gặp vấn đề gì, hãy gọi ngay đến 111 để được trợ giúp. Ảnh: Phan Dương

    Theo bà Nguyễn Thị Nga, Phó cục trưởng Cục Trẻ em, hành vi xâm hại trẻ em trên mạng đã có khung pháp lý khá đầy đủ với các mức phạt lên đến vài chục triệu đồng. Chính phủ cũng vừa triển khai Chương trình quốc gia bảo vệ và hỗ trợ trẻ em tương tác lành mạnh, sáng tạo trên môi trường mạng giai đoạn 2021-2025, thành lập Mạng lưới ứng cứu, bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng.

    "Bên cạnh đó, Tổng đài quốc gia bảo vệ trẻ em 111 túc trực 24/24 để tiếp nhận mọi thông tin tố giác liên quan đến trẻ em. Ngay khi thông tin đến tổng đài, chúng tôi sẽ kết hợp cơ quan công an xử lý ngay", Phó cục trưởng Cục Trẻ em cho biết.

    Có rất nhiều cách để phòng tránh trẻ bị xâm hại trên môi trường mạng, nhưng không có cách nào tốt hơn là cha mẹ xây dựng được mối quan hệ đồng hành với trẻ, để trẻ tin cậy và tìm kiếm sự hỗ trợ khi cần. "Làm bạn với con không đơn giản, nhưng cũng đừng đóng vai 'cảnh sát' truy hỏi, hay 'quan toà' phán xét các hành vi của con", bà Nguyễn Phương Linh nói.



    Mời bạn bầu chọn hay chia sẻ trên Facebook:

Bạn đang tìm dịch vụ về ?
Shou Sumiyaki Vùng: Melbourne. Phone: 9663 0801
Xem thêm

ẩm thực đặc sắc của Nhật Bản, thịt bò wagyu thượng hạng


Article sourced from VNEXPRESS.

Original source can be found here: https://vnexpress.net/xam-hai-tre-em-tren-mang-van-nan-trong-dai-dich-4375862.html


Để lại Tên và mobile, chúng tôi sẽ tìm cho bạn những nhà cung cấp dịch vụ tốt nhất.

TÌM DỊCH VỤ