Chiến dịch tiêu diệt thủ lĩnh IS giúp Biden ghi điểm
Sau nhiều tháng lên kế hoạch, Tổng thống Mỹ Joe Biden hồi đầu tuần ra lệnh tiến hành chiến dịch đột kích nhằm vây bắt Abu Ibrahim al-Hashimi al-Qurashi, thủ lĩnh phiến quân Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng đang ẩn náu ở miền bắc Syria.
Khi đặc nhiệm Mỹ tiếp cận nơi y ẩn náu ở thị trấn Atmeh của Syria ngày 3/2, al-Qurashi kích nổ đai bom tự sát, khiến y và các thành viên trong gia đình thiệt mạng.
Ngoài giáng đòn mạnh vào IS, giới quan sát nhận định cuộc đột kích diễn ra vào thời điểm thuận lợi với Biden, khi Tổng thống Mỹ đang rất cần chiến thắng về chính sách đối ngoại giữa những khó khăn bủa vây.
Tổng thống Mỹ Joe Biden trong cuộc họp tại Nhà Trắng hôm 31/1. Ảnh: Reuters.
Uy tín của Mỹ trên trường quốc tế đã bị tổn hại nghiêm trọng vì chiến dịch rút quân khỏi Afghanistan hồi tháng 8/2021, sau 20 năm tham chiến tại đây. Mặc dù cựu tổng thống Donald Trump cũng ủng hộ rút quân và ký thỏa thuận hòa bình với Taliban, quyết định của Biden khiến tỷ lệ tín nhiệm năm đầu nhiệm kỳ giảm xuống mức thấp kỷ lục, khi người Mỹ chứng kiến cuộc rút quân đầy hỗn loạn.
Mức độ tín nhiệm của Biden trong các cuộc thăm dò tại Mỹ vài tháng gần đây liên tục giảm, phản ánh sự thất vọng của người dân về đại dịch Covid-19 và tình trạng lạm phát. Theo kết quả thăm dò được Reuters/Ipsos tiến hành từ 19/1 đến 20/1, chỉ 43% người trưởng thành ở Mỹ bằng lòng với hiệu quả làm việc của Biden, mức thấp nhất nhiệm kỳ. Hoàn cảnh này khiến đảng Dân chủ lo lắng trước thềm cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ vào tháng 11.
Bên cạnh đó, Biden còn đang trong cuộc đối đầu chiến lược căng thẳng với Nga vì vấn đề Ukraine. Mỹ và các nước phương Tây cáo buộc Nga dồn hơn 100.000 quân tiến sát biên giới Ukraine với ý định tấn công nước láng giềng.
Moskva liên tục phủ nhận cáo buộc, khẳng định động thái điều quân của họ chỉ nhằm mục đích tự vệ. Tuy nhiên, hiện diện của quân đội Nga sát biên giới Ukraine gây nỗi bất an ngày càng lớn cho chính quyền Biden và các đồng minh phương Tây.
John Bolton, cựu cố vấn an ninh quốc gia Mỹ dưới thời Trump, cho rằng cuộc đột kích al-Qurashi ở tây bắc Syria là quyết định đúng đắn, có thể giúp Biden chứng minh thái độ cứng rắn trước người đồng cấp Nga Vladimir Putin. "Cuộc đột kích là một chiến thắng rõ ràng. Nhiều người nên chú ý đến điều đó", Bolton đánh giá.
Mặc dù còn vài tháng nữa cuộc bầu cử quốc hội giữa kỳ mới diễn ra và chính sách đối ngoại không phải ưu tiên chính của cử tri Mỹ, màn thể hiện quyền lực của Biden trong cuộc đột kích al-Qurashi và đối đầu với Putin có thể cải thiện hình ảnh của Tổng thống Mỹ trong mắt cử tri, David Axelrod, cựu cố vấn của Barack Obama, đánh giá.
Biden hôm 3/2 đến New York gặp Thị trưởng Eric Adams, một cựu cảnh sát, kêu gọi đầu tư hơn nữa vào các sở cảnh sát địa phương và dịch vụ xã hội, trong bối cảnh đảng Cộng hòa cáo buộc ông yếu đuối về vấn đề tội phạm và cố gắng gán ông vào lời kêu gọi "giải tán" cảnh sát của một số đảng viên Dân chủ, dù Tổng thống Mỹ đã bác bỏ ý kiến này.
"Tôi nghĩ Biden đang cố gắng trở nên cứng rắn hơn trong mắt công chúng", David Gergen, cựu quan chức từng làm trợ lý cho nhiều tổng thống Mỹ, bày tỏ đồng tình với Axelrod.
Tuy nhiên, Gergen chỉ ra rằng quyết định rút quân đầy hỗn loạn khỏi Afghanistan vẫn đeo bám hồ sơ chính sách đối ngoại của Biden, bất chấp cuộc chiến chống IS thành công. "Tôi nghĩ rắc rối Biden phải đối mặt trên trường quốc tế còn nan giải hơn bề ngoài. Khó mà đảo ngược dư luận", Gergen nói.
Ông chỉ ra câu hỏi bao trùm vẫn là vấn đề với Nga sẽ được giải quyết như thế nào. "Đây là phép thử đối với mức độ cứng rắn và năng lực của Biden", ông nhận định.
Mo Elleithee, giám đốc điều hành Viện Chính trị và Dịch vụ Công thuộc Đại học Georgetown, cho rằng cuộc đột kích thủ lĩnh IS và chuyến thăm New York có thể giúp Biden phần nào phản bác những chỉ trích của phe Cộng hòa.
"Khó có thể cáo buộc ai đó yếu đuối trong vấn đề chống khủng bố sau khi họ tiêu diệt được một trong những tên khủng bố hàng đầu thế giới. Biden có khả năng mang lại những kết quả quan trọng về an ninh quốc gia. Và tôi nghĩ mọi người cũng đã thấy ông ấy chịu trách nhiệm về vấn đề tội phạm", Elleithee đánh giá.
Al-Qurashi bị tiêu diệt sau hai năm kế nhiệm cố thủ lĩnh Abu Bakr al-Baghdadi, kẻ cũng bị lực lượng đặc nhiệm Mỹ đột kích ở Syria. Cái chết của al-Qurashi có thể khiến IS ẩn mình trong một thời gian, song nhóm này chưa chắc sụp đổ. IS có thể phát động các vụ tấn công trả đũa để gửi thông điệp về quyết tâm của các thành viên, giới chuyên gia cảnh báo.
Xem thêm
Luật Bồi thường thương tích cá nhân, tai nạn
Article sourced from VNEXPRESS.
Original source can be found here: https://vnexpress.net/cuoc-dot-kich-giup-biden-ghi-diem-doi-ngoai-4424108.html