Cao nguyên “đệ nhất món“
Ông Tráng A Vu đang nấu ba nồi thắng cố cho kịp phục vụ thực khách.
Giữa biển trời mây món thắng cố tỏa hương quyến rũ
Bắc Hà được ví như Đà Lạt của Tây Bắc. Quả thật, vào mùa xuân khi tiết trời đã ấm áp thì cả bầu trời cảnh vật vừa trùm trong sương lẫn trong mây khói bảng lảng đâu đó những rặng ô rô, cúc tần ven cung đường núi cũng đủ thơ mộng cho những tâm hồn ưa thích xê dịch.
Và sẽ thật đậm đà khi hòa mình vào nhịp sống của người dân nơi đây khi ta ngồi trong một quán rượu ven đường hay ven chợ.
Những thân người co ro nơi xứ lạnh xích lại gần nhau hơ tay bên đống củi rực lửa đã làm cho khu chợ phiên Bắc Hà thêm phần ấm áp.
Sẽ càng vui hơn, ấm hơn khi từng đoàn khách dưới xuôi lên cùng người bản địa quây tròn bên những chiếc bàn gỗ cũ kỹ mà bốn xung quanh quán quây bạt liếp thô mộc che cơn mưa phùn mùa xuân.
Và trong khi chờ đợi một mùi vị sắp đến thì cái mũi người ta đã nở to hít hà được những mùi thơm lạ kỳ từ chiếc chảo lớn đang sôi sùng sục.
Món thắng cố được nấu rất cầu kỳ.
Đó là cái chảo thắng cố đang đến độ nhừ. Và hình như, trong cái tiết trời mây giăng, và giữa cái không khí vẫn còn “hương tết” thì người ta lại càng háo hức hơn với món ăn vốn rất khó hiểu.
Cái mùi thơm lạ lùng ngây ngất kia khi đã thành đậm đặc cao độ là lúc anh chủ quán với cái cười hiền khô, dùng cái môi dài gõ vài ba nhịp quanh mép chảo và bắt đầu múc thắng cố ra những cái bát to.
Múc xong bát nào, cô vợ nhỏ mặc váy xòe bưng ngay đặt giữa bàn mời khách.
Và thật là thú, giữa trời cao nguyên gió thổi, người ta sẽ không còn phân biệt được đâu là khói sương và đâu là khói thắng cố. Trời đất mùi vị như hòa vào nhau để những con người cùng chụm đầu xì xụp với những miếng nào thịt, nào da, nào gân, nào lòng đậm đà hòa với men rượu Bản Phố tuyệt diệu.
Chỉ thế thôi mà sao cái không khí rổn rảng đã đủ cho khách viễn xứ thấy khoái khẩu lẫn thỏa thuê giữa một vùng sơn cước. “Đệ nhất món” là đây, thắng cố là đây, dù không thuộc hàng sơn hào hải vị, nem công chả phượng mà những chú tuấn mã phi nước đại đã tận hiến cho loài người một thức nhắm thượng thặng.
Tự tình với thắng cố
Trong mỗi phiên chợ, thắng cố luôn là món ăn được mong đợi.
Một già làng đáng kính của Bắc Hà là ông Tráng A Vu, người mông ở xã tả Văn Chư kể cho chúng tôi hay: Thắng cố ngựa ra đời cách đây khoảng 200 năm. Lúc ấy, người mông, Tày, Nùng về Bắc Hà sinh cơ lập nghiệp. Ban đầu, món thắng cố chỉ giản đơn nấu thịt và một chút gan, phổi của ngựa. Qua bao nhiêu đời, món thắng cố mới được tổng hợp ngon lành như ngày nay.
Người Bắc Hà nói rằng, trước kia “vua Tày” Hoàng A Tưởng “nghiện” thắng cố lắm. Nhà giàu, nhiều ngựa nên cứ vài ba ngày lại sai kẻ hầu thịt một con ngựa lấy lòng nấu món thắng cố. Trong các dịp tiếp khách sang, cả người Tây lẫn người ta đều được Hoàng A Tưởng dùng đặc sản thắng cố để quảng bá cho sự khéo léo tinh tế của người dân tộc Tày.
Ở Bắc Hà, cả người mông, Tày và Nùng đều giỏi nấu thắng cố. Nó ngon đến độ mà cả ba dân tộc ấy đều tranh về của riêng mình. Bởi thế nên không phải thắng cố nào cũng giống nhau. Mỗi dân tộc, mỗi gia đình lại có cách chế biến, cách nêm gia vị và cả bí quyết khác nhau nữa.
Trong mỗi quán chợ, nếu tinh tường thì ta sẽ phát hiện cái mùi vị và cái mùi thơm mỗi quán cũng khác nhau.
Cho nên nếu ai hỏi cái mùi và cái vị thắng cố nó như thế nào, mà người chưa thưởng thức đủ cả các loại sẽ dễ rơi vào hoạt cảnh “thầy bói xem voi”.
Thậm chí, ngay cả những người từng ăn nhiều lần cũng không biết nên tả thế nào cho chuẩn. Thắng cố hình như là một món ăn không dễ để tả, mà thực khách phải tự thưởng thức, như thể tự tình với thắng cố vậy.
Bí quyết món ngon
Ông Tráng A Vu dựng một quán ăn nhỏ ở ven chợ ngựa. Quán ông chỉ bán một món duy nhất là thắng cố ngựa. Khách ra vào tấp nập, nhiều khi người ta phải trải lá chuối xuống đất để ngồi. Ông Vu nấu món thắng cố được dân bản địa đánh giá là ngon nhất Bắc Hà.
Ông tiết lộ rằng: Nấu thắng cố phải có bí quyết riêng thì mới ngon. Sau khi mổ ngựa, tất cả lục phủ ngũ tạng được chặt ra thành từng miếng.
Trên bếp lửa, một cái chảo cỡ lớn đặt sẵn cho nóng rồi cho tất cả thịt thủ, thịt mông, xương đầu, xương chân, tim, gan, lòng vào chảo cùng lúc. Cách xào như xào lăn, đợi miếng thịt se cạnh thì đổ nước vào chảo ninh sôi sùng sục hàng tiếng đồng hồ.
Ngoài muối và chút ít gia vị thì thắng cố cần nhất là thảo quả, địa điền nướng thơm, tán nhỏ ướp vào thịt trước lúc đem xào. Khi thắng cố chín kỹ, các thứ gia vị bổ trợ cho nhau tạo thành thứ hương vị đặc trưng. Theo làn gió núi, mùi thắng cố lan tỏa từ đầu đến cuối chợ như lời mời gọi, chèo kéo hấp dẫn.
Ông Vu rỉ tai: “Nấu cho khách ăn, tôi không dám làm thật. Thắng cố thật không bao giờ được thiếu phân non của ngựa, ấy là nậm pịa. phân non được chọn chỗ còn xanh đem trộn đều với thịt, lòng trước khi xào lăn. Khi xào chín tới, có một chút mùi thum thủm bay ra nhưng khi chín hẳn thì thành mùi thơm của cỏ cây, thảo quả. Ăn thắng cố thật đậm đà, mùi vị hơn rất nhiều”.
Khách dưới xuôi, nhiều người chê bẩn nên người Bắc Hà ít khi cho phân non vào thắng cố. Bởi vậy, cái sự ngon đã giảm đi một nửa mất rồi. Nhưng mà, nhìn những bát thắng cố được múc ra ngào ngạt khói giữa trời giăng sương mưa lạnh mà sao ngây ngất quá. Mỗi người một đôi đũa, chung chai rượu cũng đã đủ thú vị cho một cuộc ngâm nga với đất trời.
Ở Bắc Hà, qua những buổi ăn thắng cố ngoài chợ mà nhiều đôi quen nhau nên nghĩa vợ chồng. Đấy, ai bảo thức ăn chỉ là thứ phàm tục. Nó cũng chứa đựng cả những mối tình, những nhân duyên đẹp đẽ.
Người Bắc Hà bảo rằng, chớ bao giờ mua thắng cố đem về nhà ăn. Thắng cố chỉ ngon khi ăn ngoài chợ. Quả thật, cái món ăn này nó không thích hợp với khung cảnh trầm buồn, yên tĩnh. Thắng cố cần cảm xúc, cần sôi động, cần náo nức ngùn ngụt như làn khói nóng kia.
“Thắng cố là một trong các món đặc sản của cao nguyên Bắc Hà nói riêng và vùng Tây Bắc nói chung. Lịch sử ra đời món ăn này có rất nhiều giai thoại khác nhau. Đa số người miền xuôi đánh giá món thắng cố không được sạch nhưng thực tế, nó là món ăn bổ dưỡng. Ngoài ra, các nhà văn hóa đều coi thắng cố là món ăn kết nối cộng đồng, là đặc trưng văn hóa vùng Tây Bắc” -
Nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Nguyễn Khắc Xương.
Article sourced from XALUAN.
Original source can be found here: http://xaluan.com/modules.php?name=News&file=article&sid=2739105