Cách Nga duy trì nguồn cung UAV từ bên ngoài
Năm tàu treo cờ Nga gồm Baltiyskiy-111, Omskiy 103, Skif V, Musa Jalil và Begey đã thực hiện 73 hành trình qua Biển Caspi đến Iran trong năm qua, theo tài liệu tình báo của chính phủ Ukraine.
Không tàu nào trong số này bị Mỹ và các nước phương Tây liệt vào danh sách trừng phạt. Trước đó, Washington đã áp lệnh trừng phạt hàng chục tàu thương mại và công ty vận chuyển với cáo buộc vận chuyển vũ khí và các mặt hàng quân sự cho Moskva.
Tài liệu của chính phủ Ukraine cho thấy Nga đang thích ứng với lệnh trừng phạt bằng cách chuyển sang sử dụng tàu vận tải có ít liên hệ công khai với Moskva và chưa bị Washington nhắm mục tiêu để duy trì nguồn cung máy bay không người lái (UAV) phục vụ chiến dịch ở Ukraine, theo giới chuyên gia.
"Chiến thuật lách lệnh trừng phạt của Nga luôn thay đổi, bởi đây chính là trò mèo vờn chuột", Eric Woods, chuyên gia tại Viện Nghiên cứu Quốc tế Middlebury ở Mỹ, nói.
Một chiếc UAV bay trên bầu trời Kiev, thủ đô Ukraine, trong cuộc tấn công hồi tháng 10/2022. Ảnh: AFP
Nga bắt đầu sử dụng UAV Shahed do Iran sản xuất tại chiến trường Ukraine từ tháng 8 năm ngoái để tập kích cơ sở hạ tầng dân sự điện, nước và khí đốt, trong nỗ lực đánh vào tâm lý của người dân Ukraine trước thềm mùa đông khắc nghiệt.
Nhỏ gọn, giá rẻ và khó bị phát hiện, những chiếc UAV mang 3-5 kg thuốc nổ này có thể quần thảo trên bầu trời, lựa chọn mục tiêu rồi lao xuống, trở thành thách thức lớn với lực lượng phòng không Ukraine. Kiev gần đây đã nâng cấp lưới phòng không bằng các loại vũ khí do phương Tây viện trợ, song không có cách nào thực sự hiệu quả để đối phó UAV.
Nhà Trắng hồi tháng 6 công bố dữ liệu cho thấy Nga đã sử dụng lộ trình trên Biển Caspi để vận chuyển UAV từ Iran. Mỹ cũng tiết lộ thông tin tình báo cho thấy Nga đang xây nhà máy sản xuất UAV trong nước dựa trên hỗ trợ kỹ thuật và nguồn cung vật liệu từ Iran, với tham vọng xuất xưởng 6.000 chiếc.
Các tàu vận chuyển mà Ukraine ghi nhận thuộc sở hữu của các công ty vận tải nhỏ, không có danh tiếng ở miền nam nước Nga, trong đó có ba công ty ở Astrakhan, gần cửa sông Volga trên Biển Caspi.
Công ty Lagoda Shipping đã bị Ukraine trừng phạt sau khi tàu của họ cập cảng trên bán đảo Crimea, nơi Nga sáp nhập từ năm 2014. Lagoda Shipping và công ty Dalir ở Astrakhan, chủ sở hữu tàu Baltiyskiy-111, đều chỉ vận hành hai tàu.
Các tài liệu cho thấy hoạt động vận chuyển trên Biển Caspi vẫn tiếp diễn. Tàu Begey đã rời Astrakhan vào ngày 17/8 và cập cảng Amirabad của Iran vào 23/8, theo dữ liệu vận chuyển công khai mà WSJ thu thập được.
Chính phủ Mỹ xác định cảng Amirabad là điểm khởi hành của các lô hàng UAV được chuyển tới Nga. Omskiy 103 cũng cập cảng Amirabad vào ngày 23/8, một trong ba chuyến đi tới Iran của tàu này kể từ ngày 1/7.
Việc tuyến đường qua Biển Caspi ngày càng được Nga sử dụng rộng rãi cho thấy thách thức đối với Washington trong nỗ lực ngăn các nguồn vũ khí và vật tư quân sự đến Nga.
Do Biển Caspi là một vùng nước kín nằm giữa Nga ở phía bắc, Iran ở phía đông, cùng các nước Turkmenistan, Kazakhstan và Azerbaijan ở phía đông và phía tây, Mỹ cùng đồng minh rất khó can thiệp để ngăn chặn hoạt động vận chuyển hàng hải ở đây. Các quốc gia ven Biển Caspi cũng có rất ít liên quan tới hệ thống tài chính phương Tây, nên chịu tác động không đáng kể từ lệnh trừng phạt.
Tuy nhiên, Mỹ vẫn có thể có một số cách để gây áp lực lên hoạt động vận chuyển của Nga trên Biển Caspi, theo chuyên gia. Một trong số đó là cắt khả năng tiếp cận thị trường bảo hiểm quốc tế của Nga để ngăn họ nhận hàng hóa từ các nước khác.
Những tàu Nga trong đội vận chuyển trên Biển Caspi cũng đi tới Biển Đen và nhiều nơi khác bằng cách sử dụng mạng lưới sông và kênh đào nội địa rộng lớn của Nga. Ít nhất hai tàu, từng lưu thông qua Biển Caspi và bị trừng phạt vì vận chuyển hàng hóa cho quân đội Nga, đã cập cảng ở Thổ Nhĩ Kỳ trong năm qua.
"Luôn có biện pháp đối phó đối với cách lách lệnh trừng phạt của Nga", William Reinsch, cựu thứ trưởng thương mại Mỹ và hiện là cố vấn cấp cao tại Trung tâm Chiến lược và Nghiên cứu Quốc tế (CSIS) ở Mỹ, nói.
Các biện pháp trừng phạt của Mỹ đang gây áp lực lên nguồn cung vũ khí của Nga, buộc Moskva phải tìm cách lách luật để đảm bảo có được những khí tài cần thiết. Trong những tháng gần đây, mạng lưới mua sắm quân sự của Nga đã phải chuyển các lô hàng điện tử qua 3-4 nước trước khi đến Nga, sau khi Mỹ ngăn chặn các chuyến hàng qua Thổ Nhĩ Kỳ và các quốc gia khác, theo quan chức Mỹ.
"Hoạt động sản xuất vũ khí cần hiệu quả và ổn định, trong khi những gì Nga đang làm là dựa vào một chuỗi cung ứng mơ hồ, tùy biến", một quan chức cấp cao Mỹ nói.
Trong tài liệu tình báo được chính phủ Ukraine gửi tới tất cả thành viên nhóm G7, Kiev kêu gọi các bên áp dụng những biện pháp hạn chế xuất khẩu nghiêm ngặt hơn về thiết bị điện tử sử dụng cho sản xuất UAV.
Xác những mẫu UAV Shahed bị bắn hạ ở Ukraine chứa hơn 50 linh kiện được sản xuất tại Mỹ và các nước đồng minh, trong đó có chip xử lý và thiết bị dẫn đường bằng GPS, theo thông tin tình báo Ukraine.
Nỗ lực của Ukraine nhằm ngăn dòng chảy UAV và các linh kiện cần thiết để chế tạo chúng đang trở thành một phần quan trọng của cuộc chiến. Nga đã bắt đầu sử dụng UAV Shahed sản xuất trong nước vào đầu mùa hè này, theo đánh giá của tổ chức Conflict Armament Research.
Mẫu UAV Shahed-136 của Iran. Đồ họa: Washington Post
Quan chức Ukraine dự đoán UAV sẽ đóng vai trò ngày càng quan trọng trong xung đột hiện tại. Tài liệu chỉ ra Nga đã sử dụng nhiều UAV hơn trong các cuộc tấn công nhằm áp đảo hệ thống phòng không của Ukraine.
"Kể từ tháng 4-5, số lượng UAV được sử dụng trong một cuộc tấn công đã tăng đáng kể", báo cáo cho biết, thêm rằng Nga từng sử dụng 58 UAV trong cuộc tập kích Kiev ngày 28/5.
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky hồi đầu tháng 8 nói rằng Nga đã sử dụng tổng cộng 1.961 UAV Shahed trong cuộc xung đột ở Ukraine, trong đó "một số lượng đáng kể" bị bắn hạ.
Theo các tài liệu rò rỉ mà Washington Post có được, Nga được cho là đang theo đuổi mục tiêu sản xuất 6.000 UAV tự sát tại nhà máy bên trong Đặc khu Kinh tế Alabuga thuộc Cộng hòa Tatarstan ở Nga, dựa trên công nghệ, linh kiện của các đối tác, nổi bật là Iran.
Nếu thành công, dự án ở này có thể giúp Moskva duy trì nguồn cung vũ khí để đối phó với lực lượng Ukraine trên chiến trường, đồng thời nâng cao vị thế của Nga trong cuộc chạy đua vũ trang bằng máy bay không người lái với các đối thủ ngang hàng, giới quan sát nhận định.
Tiệm rượu với đầy đủ các lựa chọn về rượu, bia nhiều nhất tại vùng Springvale
Article sourced from VNEXPRESS.
Original source can be found here: https://vnexpress.net/cach-nga-co-the-ne-lenh-trung-phat-de-dam-bao-nguon-cung-uav-4647153.html