Bình luận 'giương cờ trắng' của Giáo hoàng gây nhiều tranh cãi

08:00' 14-03-2024
Giáo hoàng Francis kêu gọi Ukraine có dũng khí giương cờ trắng để hướng tới đàm phán hòa bình với Nga, song khả năng này rất khó xảy ra.


    "Đàm phán là cụm từ thể hiện sự can đảm. Khi nhận thấy mình đã thất bại và mọi chuyện đang xấu đi, cần có dũng khí để đàm phán", Giáo hoàng Francis nói trong đoạn trích cuộc phỏng vấn với đài RSI của Thụy Sĩ.

    Tuyên bố được Giáo hoàng đưa ra khi phóng viên dùng từ "giương cờ trắng" để hỏi về lập trường của ông với cuộc tranh luận giữa một bên cho rằng Ukraine nên từ bỏ vì không thể đẩy lùi lực lượng Nga, còn bên kia nhận định làm như vậy sẽ ủng hộ cho lý lẽ của kẻ mạnh.

    "Bên mạnh mẽ nhất là bên nghĩ đến dân thường, có dũng khí giương cờ trắng và bắt đầu đàm phán khi nhìn vào tình hình", Giáo hoàng Francis nói, cho rằng những cuộc thảo luận hòa bình của Ukraine cần có sự giúp sức từ các cường quốc trên thế giới.

    Bình luận của Giáo hoàng lập tức gây ra nhiều tranh cãi về việc khi xung đột bước vào năm thứ ba, phải chăng đã đến lúc Ukraine nên từ bỏ lập trường của mình, chấp nhận nhượng bộ và ngồi vào bàn đàm phán với Nga để chấm dứt cuộc chiến đã cướp đi quá nhiều sinh mạng của hai bên cũng như gây tổn thất lớn với cả thế giới.

    Tổng thống Volodymyr Zelensky thăm tiền tuyến Zaporizhzhia, Ukraine ngày 4/2. Ảnh: Reuters

    Tổng thống Volodymyr Zelensky thăm tiền tuyến Zaporizhzhia, Ukraine ngày 4/2. Ảnh: Reuters

    Kể từ khi Nga phát động cuộc chiến ở Ukraine vào cuối tháng 2/2022, hàng chục nghìn người đã thiệt mạng và nhiều vùng đất rộng lớn ở Ukraine biến thành đống đổ nát hay những bãi mìn dày đặc. Cả Ukraine và Nga đến nay đều từ chối phương án đàm phán và quyết gây tổn thất lớn nhất cho đối phương trên chiến trường.

    Nga từng lạc quan rằng có thể tiến hành chiến dịch tấn công một cách chóng vánh và buộc Ukraine phải đầu hàng trong vài ngày, song sức kháng cự của Kiev đã khiến họ bất ngờ. Trong năm đầu xung đột, quân đội Ukraine đã tiến hành chiến dịch phản công, đẩy lùi quân Nga khỏi khu vực Kharkov và giành lại thành phố Kherson.

    Tuy nhiên, trong năm thứ hai, cuộc chiến diễn ra chậm chạp hơn. Cuộc phản công được kỳ vọng của Ukraine thất bại, khi Kiev không thể đạt được bước đột phá lớn nào, bất chấp hàng tỷ USD viện trợ từ phương Tây.

    Khi chiến sự bước sang năm thứ ba, Ukraine đang phải đối mặt với thách thức lớn hơn, đó là sự suy yếu hỗ trợ quan trọng từ phương Tây. Gói viện trợ quân sự bổ sung của Mỹ trị giá 60 tỷ USD hiện vẫn mắc kẹt ở Hạ viện.

    Theo cuộc thăm dò gần đây của Hội đồng Đối ngoại châu Âu (ECFR) thực hiện ở 12 nước Liên minh châu Âu (EU), chỉ có 10% người châu Âu tin rằng Ukraine có thể đánh bại Nga, theo Euronews. Các tác giả của cuộc khảo sát nhận định kết quả này cho thấy giới chính trị gia EU nên có cách tiếp cận "thực tế" hơn đối với cuộc xung đột và nên tập trung vào cách để đạt được hòa bình.

    "Các lãnh đạo EU sẽ cần thay đổi cách họ nói về cuộc chiến", Mark Leonard, đồng tác giả cuộc khảo sát của ECFR, nói.

    Tuy nhiên, giới quan sát cho biết thỏa thuận hòa bình hiện khó có thể đạt được, do hai bên liên quan trực tiếp đưa ra những điều khoản đàm phán trái ngược nhau.

    Stephen Hall, giảng viên chính trị tại Đại học Bath ở Anh, cho biết các điều kiện mà ông Putin yêu cầu để chấm dứt xung đột vẫn gồm "phi phát xít hóa, phi quân sự hóa và trung lập ở Ukraine". Đối với Tổng thống Nga, những mục tiêu đó là không thể thương lượng, dù ông tuyên bố Nga "sẵn sàng" đàm phán hòa bình với Ukraine và phương Tây.

    Tuy nhiên, đây là những điều mà Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky và đồng minh phương Tây không thể chấp nhận. Ông Zelensky từng ra sắc lệnh cấm đàm phán với Nga chừng nào ông Putin còn nắm quyền.

    Ngay cả khi đã hứng chịu thiệt hại nặng nề về người và cơ sở hạ tầng, cũng như đối mặt với tương lai ảm đạm khi sự ủng hộ từ phương Tây suy giảm, Ukraine vẫn thể hiện lập trường cứng rắn trong khả năng đàm phán với Nga. Điều này được thể hiện rõ trong phản ứng giận dữ của Kiev đối với đề xuất "giương cờ trắng" của Giáo hoàng.

    "Quốc kỳ của chúng tôi mang màu vàng và xanh dương. Đây là lá cờ chúng tôi sẽ sống, chết và chiến thắng cùng. Chúng tôi sẽ không bao giờ giương lá cờ nào khác", Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba viết trên X.

    Tổng thống Zelensky trong bài phát biểu tối 10/3 cũng đáp trả bình luận của Giáo hoàng dù không trực tiếp nhắc tên ông. "Giáo hội phải là sát cánh cùng mọi người, chứ không phải ở đâu đó cách xa 2.500 km và giữ thái độ trung lập giữa người muốn sống và người muốn tiêu diệt bạn", ông nói.

    Ba Lan, đồng minh của Ukraine, cũng chỉ trích những bình luận này. "Tại sao không khuyến khích ông Putin can đảm rút quân khỏi Ukraine. Hòa bình sẽ lập tức được đảm bảo mà không cần đàm phán", Ngoại trưởng Ba Lan Radek Sikorski viết.

    Trong mắt Kiev, thỏa thuận hòa bình lý tưởng là buộc Nga phải tôn trọng biên giới được phân chia năm 1991 và áp đặt một hình thức răn đe chống lại bất kỳ nguy cơ tấn công nào của Nga trong tương lai, theo tiến sĩ Jade Glynn, nhà nghiên cứu tại Khoa Nghiên cứu Chiến tranh Đại học King's Collage ở London. Điều này đồng nghĩa đảo ngược mọi thứ Nga đã kiểm soát từ năm 2014, trong đó có bán đảo Crimea.

    Ngoài ra, Ukraine muốn được trở thành thành viên của EU và NATO, điều mà Nga kiên quyết phản đối.

    Tiến sĩ Glynn nhận định một thỏa thuận mà Nga có thể chấp nhận sẽ yêu cầu nước này tiếp tục kiểm soát cả bốn khu vực mà Moskva tuyên bố sáp nhập hồi tháng 9/2022, cùng với thành phố Kharkov và Odessa. Nga cũng có thể sẽ áp đặt điều kiện họ phải là người quyết định cuối cùng việc ai là tổng thống Ukraine. Nhượng bộ duy nhất có thể của Moskva là cho phép Ukraine gia nhập EU, nhưng không phải NATO.

    Những điều kiện "không thể nhượng bộ" mà hai bên đưa ra lại mâu thuẫn nhau, khiến giới chuyên gia cho rằng sẽ không có bất cứ ai chấp nhận "giương cờ trắng" chỉ để chấm dứt xung đột.

    Mathieu Boulegue, chuyên gia an ninh tại Viện Chatham ở Anh, không lạc quan về triển vọng đạt thỏa thuận hòa bình khi ông Putin vẫn nắm quyền. Ông Putin nhiều khả năng sẽ tái đắc cử trong cuộc bầu cử tổng thống Nga tới đây, nên Boulegue dự đoán xung đột sẽ kéo dài nhiều năm tiếp theo.

    "Các cuộc xung đột hiện có xu hướng kết thúc rất nhanh chóng, hoặc diễn ra trong thời gian dài và trở thành thực tế mới, khi không bên nào có thể áp đảo đối phương", ông lưu ý.

    Bởi vậy, chuyên gia của Viện Chatham cho rằng ý tưởng tổ chức các cuộc đàm phán giữa Nga và Ukraine hiện nay là vô ích.

    Mathew Burrows, nhà phân tích của trung tâm Stimson ở Mỹ, cũng nhận định xung đột Nga - Ukraine có nguy cơ đi theo mô hình thường thấy giữa các quốc gia kể từ năm 1946: không thể kết thúc trong năm đầu tiên và kéo dài trung bình hơn một thập kỷ.

    Kịch bản có khả năng nhất là xung đột đóng băng hoặc đạt được ngừng bắn sớm hơn một thập kỷ. Các hiệp ước hòa bình trở nên hiếm hoi đối với tất cả các cuộc chiến tranh kể từ năm 1950, theo Burrows.

    "Điện Kremlin từ lâu sử dụng các cuộc xung đột đóng băng để mở rộng phạm vi ảnh hưởng ra ngoài biên giới Nga", Erik J. Grossman, nhà nghiên cứu tại Đại học Chiến tranh Quốc gia Mỹ, nói.

    Chiến lược này được thể hiện rõ tại vùng Transnistria ở phía đông Moldova, nơi Nga triển khai lực lượng gìn giữ hòa bình để ủng hộ lực lượng ly khai tại đây kể từ năm 1992. Năm 2008, Nga đưa quân tới Gruzia để hỗ trợ chính quyền ly khai ở Nam Ossetia và Abkhazia. Nga hồi năm 2014 đã sáp nhập bán đảo Crimea và ủng hộ phe ly khai ở miền đông Ukraine.

    Trong trường hợp Moldova và Gruzia, xung đột đóng băng đã xảy ra sau khi hầu hết các cuộc giao tranh chấm dứt trong khi đàm phán diễn ra. Tuy nhiên, tất cả các cuộc đàm phán đó đều không mang lại thỏa thuận hòa bình, nhưng cũng không khiến giao tranh bùng phát trở lại. Ông Grossman cho rằng những cuộc xung đột đóng băng như vậy phục vụ mục đích của Điện Kremlin là ngăn "sự phát triển của các liên minh phương Tây trong khu vực".

    Với kịch bản này, xung đột Ukraine - Nga có thể đóng băng sau khi các nguồn viện trợ quân sự và tài chính từ phương Tây giảm dần, làm suy yếu khả năng tấn công của Ukraine, theo giới quan sát.

    Binh sĩ Ukraine khai hỏa vào vị trí chiến đấu của Nga tại Bakhmut, tỉnh miền đông Donetsk, ngày 22/2. Ảnh: AFP

    Binh sĩ Ukraine khai hỏa vào vị trí chiến đấu của Nga tại Bakhmut, tỉnh miền đông Donetsk, ngày 22/2. Ảnh: AFP

    Một khả năng khác có thể xảy ra đối với xung đột hiện tại là hai bên đạt thỏa thuận ngừng bắn. Tuy nhiên, trong trường hợp này, nỗ lực chấm dứt giao tranh đến từ sự mệt mỏi trong nước ở Nga và Ukraine.

    Về phía Ukraine, tình trạng khan hiếm tân binh trẻ ngày càng tăng sẽ là yếu tố quyết định khả năng tiếp tục chiến sự của Kiev. Công chúng Nga cũng có thể sẽ thấy mệt mỏi với các lệnh huy động quân nếu chiến sự kéo dài. Ngoài ra, những áp lực từ các biện pháp trừng phạt cũng có thể là lý do thúc đẩy Moskva tìm cách tạm dừng chiến sự.

    Nhiều chuyên gia tin rằng thỏa thuận hòa bình vào thời điểm này không khả thi, đặc biệt khi Ukraine gần đây chứng kiến nhiều bước lùi trên chiến trường. Các đồng minh phương Tây của Ukraine có thể không giúp được họ đẩy lùi lực lượng Nga, nhưng cũng sẽ không để Kiev bị đánh bại đến mức phải "giương cờ trắng".

    "Tôi không nghĩ các cuộc đàm phán là giải pháp cho xung đột này, ít nhất là trong bối cảnh hiện tại, bởi nó sẽ làm nổi bật rằng phương Tây yếu đuối. Đó sẽ được coi là tín hiệu để Nga có những bước tiến khác ở Ukraine hoặc một quốc gia khác tại châu Âu", Hall nói.



    Mời bạn bầu chọn hay chia sẻ trên Facebook:

Bạn đang tìm dịch vụ về Giáo dục?
Williamstown High School Vùng: Williamstown. Phone: 9393 9039
Xem thêm

Trường có truyền thống về các chương trình học thuật, âm nhạc, thể thao và nghệ thuật.


Article sourced from VNEXPRESS.

Original source can be found here: https://vnexpress.net/hoai-nghi-ve-kha-nang-ukraine-giuong-co-trang-de-dam-phan-voi-nga-4720748.html


Để lại Tên và mobile, chúng tôi sẽ tìm cho bạn những nhà cung cấp dịch vụ tốt nhất.

TÌM DỊCH VỤ