Biden tham vọng đưa nước Mỹ trở lại vai trò ''anh cả''
Ứng viên tổng thống đảng Dân chủ Joe Biden từng tuyên bố sẽ tạo ra những thay đổi quan trọng trong chính sách đối ngoại của Mỹ nếu thắng trong cuộc bầu cử ngày 3/11. Nhiều người thân cận với cựu phó tổng thống Mỹ nói rằng khi nắm quyền, Biden sẽ lập tức đảo ngược hàng loạt chính sách của chính quyền Trump trong nhiều vấn đề, từ Iran, biến đổi khí hậu, Covid-19, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), cho tới Triều Tiên hay cải tổ Bộ Ngoại giao Mỹ.
Mục tiêu của Biden là xây dựng lại các quan hệ liên minh, nhằm hàn gắn "rạn nứt" trong các mối quan hệ quốc tế của Mỹ, đối phó với khủng hoảng khí hậu, đại dịch Covid-19 thông qua hợp tác giữa các nước. Đây là cách tiếp cận được đánh giá trái ngược hoàn toàn với chính sách của Tổng thống Trump.
"'Nước Mỹ trên hết' của Trump là 'Nước Mỹ đơn độc'", Brian McKeon, cố vấn chính sách đối ngoại của Biden, nói. "Ngày đầu tiên của nhiệm kỳ, ông ấy sẽ điện đàm với các đồng minh quan trọng để nói rằng Mỹ đã trở lại và Mỹ luôn ủng hộ các bạn".
Ứng viên Joe Biden tại sự kiện tranh cử ở thành phố Philadelphia, bang Pennsylvania hôm 1/11. Ảnh: AP.
Trở lại bàn đàm phán với các đồng minh là một trong những chính sách đầu tiên và quan trọng nhất mà Biden nhắm tới nếu đắc cử tổng thống.
"Trump đã chọc tức tất cả bạn bè và đồng minh của chúng tôi, trong khi kết thân với lãnh đạo các nước đối thủ... Chúng tôi đã mất hết bạn", Biden nói trong cuộc phỏng vấn với CNN hồi tháng 9.
Cố vấn McKeon của Biden tin rằng an ninh quốc gia Mỹ sẽ mạnh hơn và có tác động lớn hơn nếu Washington bắt tay với các đồng minh. "Chúng tôi có mạng lưới liên minh mà Trung Quốc và Nga không có, và chúng tôi sẽ mạnh hơn khi hợp tác với các đồng minh này", McKeon nói.
Tổng thống Trump không ít lần công khai chất vấn, chỉ trích các đồng minh lâu năm với Mỹ, trong đó có NATO, Đức, Hàn Quốc và Nhật Bản. Ông chủ Nhà Trắng cũng rút Mỹ khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran, Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu, WHO và một số cơ quan Liên Hợp Quốc khác.
Trong bài viết trên Foreign Affairs hồi đầu năm nay, Biden cho biết sẽ triệu tập một hội nghị thượng đỉnh ngay trong năm đầu tiên của nhiệm kỳ để "tập hợp các nền dân chủ thế giới nhằm củng cố sức mạnh của các thể chế dân chủ". Chống tham nhũng, nhân quyền dự kiến là những chủ đề quan trọng của hội nghị nhằm "xây dựng chương trình nghị sự chung" này.
Biden hồi tháng 8 cũng tuyên bố sẽ tái gia nhập Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu ngay trong ngày đầu nhiệm kỳ và vận động thế giới thúc đẩy tiến bộ này. Trong khi đó, Tổng thống Trump, người hồi tháng 11/2019 thông báo Mỹ chính thức rút khỏi hiệp định, xem đây là "một trong những thảm họa lớn nhất mọi thời đại".
Ứng viên Dân chủ hồi năm ngoái nói rằng ông sẽ đề nghị các quốc gia trong thỏa thuận này đẩy nhanh các cam kết của họ. Đồng thời ông cũng cam kết ký "hàng loạt sắc lệnh mới", vượt qua tham vọng mà chính quyền tổng thống Barack Obama từng đưa ra, cũng như phát triển các công cụ để ngăn việc sử dụng than đá và các hoạt động gây ô nhiễm của Trung Quốc.
Đầu chiến dịch tranh cử tổng thống, Biden tuyên bố sẽ đưa Mỹ quay lại thỏa thuận hạt nhân Iran (JCPOA) nếu Tehran tiếp tục tuân thủ các điều khoản. Đây là động thái mà nhiều cố vấn của Biden tin rằng chính quyền Mỹ tương lai cần phối hợp chặt chẽ với các đồng minh và phải lập tức bắt đầu các vòng đàm phán mới.
"Nếu Tehran quay lại tuân thủ thỏa thuận, tôi sẽ tái tham gia, làm việc với các đồng minh để củng cố và gia hạn nó, đồng thời đẩy lùi các hoạt động gây bất ổn khác của Iran", ông Biden nói trong bài phát biểu về chính sách đối ngoại năm 2019.
Tổng thống Trump hồi tháng 5/2018 tuyên bố Mỹ rút khỏi JCPOA, khi cho rằng đây là "thỏa thuận tồi tệ chưa từng có". Tehran năm ngoái thông báo không tuân thủ một số hạn chế của thỏa thuận hạt nhân, nhằm đáp lại chiến dịch gây áp lực của chính quyền Trump.
Gia nhập lại WHO cũng nằm trong danh sách thay đổi chính sách lập tức của Biden nếu đắc cử tổng thống năm nay. Động thái này đến sau tuyên bố cắt đứt quan hệ với WHO của Tổng thống Mỹ hồi cuối tháng 5. Trump chỉ trích cách xử lý Covid-19 của WHO, cáo buộc Trung Quốc "toàn quyền kiểm soát" họ, nói thêm rằng khoản đóng góp cho WHO sẽ được chuyển sang "các nhu cầu y tế công cộng toàn cầu khẩn cấp khác xứng đáng hơn".
Cố vấn của cựu phó tổng thống nói rằng Biden sẽ làm việc để cải tổ WHO và tập trung vào việc đảm bảo Trung Quốc tuân thủ các giao thức quốc tế trong cuộc chiến với đại dịch. Ông cũng sẽ đảo ngược quyết định rút các chuyên gia y tế giám sát dịch tễ Mỹ khỏi Trung Quốc của Tổng thống Trump.
Kế hoạch chi tiết về việc gia nhập lại WHO của chính quyền Biden sẽ được xác định trong quá trình chuyển giao quyền lực ở Nhà Trắng sau cuộc bầu cử, theo cố vấn của ông Biden. Họ thêm rằng cựu phó tổng thống cũng sẽ tập trung vào vấn đề tiêm chủng cho tất cả người Mỹ. Đội phản ứng với Covid-19 dưới thời chính quyền Biden dự kiến bao gồm cả chuyên gia trong nước và quốc tế.
Mối quan hệ Mỹ - Trung có thể là vấn đề phức tạp và khó khăn nhất mà bất kỳ tổng thống Mỹ nào thời hiện đại phải đối mặt.
Biden từng nhận xét Tổng thống Trump "thất thường" về vấn đề Trung Quốc, trong khi các cố vấn chính sách đối ngoại của ông nói rằng cách tiếp cận của Trump, hành động mà không tham vấn các đồng minh, đã làm suy yếu mục tiêu cuối cùng là cạnh tranh với Trung Quốc.
Cựu phó tổng thống cho biết Mỹ vẫn có thể hợp tác với Bắc Kinh trong một số lĩnh vực đem lại lợi ích cho Washington như biến đổi khí hậu và Triều Tiên. Cố vấn của Biden nói rằng ông sẽ hợp tác chặt chẽ với đồng minh để thiết lập mặt trận thống nhất về các vấn đề khác như công nghệ, bao gồm Huawei và mạng 5G, đánh cắp sở hữu trí tuệ và những hành động gây bất ổn của Trung Quốc ở các vùng biển châu Á.
Trong nhiều bình luận công khai, Biden đã phản ánh quan điểm của chính quyền tổng thống Obama, trong đó nêu rõ đưa Trung Quốc vào hệ thống thế giới là cách hiệu quả nhất để đảm bảo Bắc Kinh tuân thủ các quy tắc và chuẩn mực quốc tế.
"Chúng tôi muốn Trung Quốc phát triển. Chúng tôi không muốn xảy ra chiến tranh với Trung Quốc", Biden trả lời phỏng vấn CNN hồi tháng 9.
Ứng viên Joe Biden (phải) và cựu tổng thống Barack Obama tại sự kiện tranh cử Flint, bang Michigan hôm 31/10. Ảnh: AP.
Quan hệ với Nga cũng là một trong số vấn đề quan trọng với chính quyền Biden. New START, hiệp ước kiểm soát vũ khí hạt nhân cuối cùng giữa hai nước, sẽ hết hạn ngay sau cuộc bầu cử. Trợ lý của Biden nói rằng nếu chính quyền Tổng thống Trump không thể gia hạn hiệp ước này, Biden sẽ đưa vấn đề đó trở thành ưu tiên hàng đầu sau khi đắc cử.
Tuy nhiên, Biden cũng sẽ hợp tác với các đồng minh Mỹ để đối đầu với Nga, như từng tuyên bố trong cuộc tranh luận thứ hai rằng Moskva "phải trả giá" vì can thiệp bầu cử Mỹ và tuyên bố Nga là mối đe dọa lớn nhất với an ninh Mỹ.
Ứng viên Dân chủ từng chế giễu việc Tổng thống Trump theo đuổi mối quan hệ nồng ấm với Triều Tiên, trong khi Chủ tịch Kim Jong-un vẫn tiếp tục chương trình hạt nhân của quốc gia này bất chấp các hội nghị thượng đỉnh giữa lãnh đạo hai nước.
"Ông ấy đã tín nhiệm họ quá nhiều. Họ đã tiến gần vũ khí hạt nhân hơn bao giờ hết. Ông ấy cũng làm điều tương tự với Iran", Biden nói trong cuộc phỏng vấn hồi tháng 9.
Trong cuộc tranh luận cuối cùng, Biden nói rõ rằng nếu muốn ông ấy gặp mặt, lãnh đạo Triều Tiên cần phải đồng ý cắt giảm năng lực hạt nhân của nước này.
Một trong những cam kết chính sách về ngoại giao của Biden khi đắc cử là cải tổ Bộ Ngoại giao Mỹ. Trong cuộc phỏng vấn đầu tháng này, cựu tổng thống Obama từng nói Trump "cố hủy hoại toàn bộ cơ sở hạ tầng chính sách đối ngoại của chúng tôi một cách có hệ thống". Ông thêm rằng Biden sẽ dựa vào chuyên môn của các nhà ngoại giao và xây dựng lại cơ quan này.
Michael McKinley, cựu đại sứ Mỹ từ chức năm ngoái, cho rằng Bộ Ngoại giao Mỹ đã bị chính trị hóa dưới thời chính quyền Tổng thống Trump, đồng thời cảnh báo rằng nếu không được cải tổ, Bộ Ngoại giao Mỹ có thể phải chịu những tổn thất "không thể cứu vãn kéo dài nhiều thế hệ".
Article sourced from VNEXPRESS.
Original source can be found here: https://vnexpress.net/tham-vong-cua-biden-dua-nuoc-my-tro-lai-vu-dai-quoc-te-4185769.html