Bánh tráng nước dừa Tam Quan
Ngoài Bến Tre thì Bình Định được biết đến là xứ sở của dừa xanh. Nơi đây còn có câu ca dao đã đi vào lòng người từ bao thế hệ khi nhắc tới dừa Tam Quan thuộc huyện Hoài Nhơn:
"Công đâu công uổng công thừa
Công đâu gánh nước tưới dừa Tam Quan"
Khi nhắc đến Bình Định hẳn có rất nhiều đặc sản được mọi người biết đến nhưng hơn hết là món bánh tráng nước dừa, một đặc sản đã nổi tiếng từ nhiều đời nay.
Để làm ra một chiếc bánh tráng nước dừa không hề dễ. Đây là một loại bánh đặc biệt dày và thơm ngon cho nên người làm cũng phải bỏ ra nhiều công sức. Chiếc bánh được làm ra phải có mùi thơm đậm đà từ gạo, mè, hành, tiêu và dừa, đặc biệt là phải mặn mà hơn so với các loại bánh thông thường.
Nguyên liệu chuẩn để làm ra bánh tráng dừa bao gồm: Bột gạo xay, nước cốt dừa được lấy từ sọ dừa không quá già mà cũng không quá non, tiêu hột phải là tiêu đen chưa xay nhuyễn, hành tím, muối.
Người làm bánh tráng nước dừa ở Bình Định thường phải dậy từ sớm để bắt đầu một ngày làm bánh. Từ xay dừa, lắng bột, thái hành. Sau khi chuẩn bị nguyên liệu xong sẽ cho gia vị vào rồi trộn đều tay để chuẩn bị cho việc tráng bánh.
Tráng bánh là một công đoạn rất khó, đòi hỏi người thợ làm bánh phải có kinh nghiệm, cẩn thận và tỉ mỉ. Bởi vì cái bánh có tròn đều, độ dày bằng nhau, nhìn có khéo có đẹp hay không là ở bàn tay người tráng bánh. Với những người tráng bánh thì đây là công đoạn khó nhất trong quá trình làm bánh tráng nước dừa.
Làm bánh tráng dừa là nghề truyền thống của nhiều hộ dân ở xã Tam Quan, huyện Hoài Nhơn, Bình Định.Ảnh: IT
Sau khi bánh được tráng xong và bỏ ra phiên. Người thợ ở công đoạn này phải nhanh tay và khéo léo để làm sao cho bánh được thẳng và đẹp mắt.
Cuối cùng là công đoạn phơi bánh. Những chiếc bánh tráng nước dừa được phơi từ lúc hửng nắng cho đến khi chiều tối. Bánh phải được phơi nắng gắt thì mới được. Nếu không có nắng bánh phải phơi 2- 3 ngày mới khô.
Khi ăn, bánh tráng nước dừa được đem nướng dưới lửa than. Chiếc bánh gặp lửa, phồng lên và vàng ươm. Nướng bánh cũng là một nghệ thuật và những ai không quen sẽ không biết cách nướng mà làm chiếc bánh trông lem nhem, chỗ cháy đen, chỗ chai cứng, không ăn được.
Hương vị khó quên của bánh tráng nước dừa.Ảnh: IT
Khi nướng phải lật bánh đều tay, tránh vừa nướng chỗ này, xong lại chừa một phần bánh (để lấy chỗ cầm, vì sợ nóng) và đem nướng chỗ khác. Khi quay lại nướng chỗ chừa kia thì chỗ đó sẽ bị chai và cứng. Tốt nhất là khi nướng bánh cần có một chiếc đũa để tay còn lại cầm cho đỡ nóng.
Chiếc bánh tráng thơm mùi hành phi và có mùi vị bùi, béo của dừa và mè, mằn mặn của muối, vị cay cay của tiêu. Chính sự sáng tạo này làm cho chiếc bánh có sự riêng biệt so với các loại bánh tráng khác.
Nếu có dịp ghé thăm quê hương Bình Định, đi ngang qua vùng đất Tam Quan mọi người hãy thưởng thức những chiếc bánh tráng nước dừa nơi đây và chắc chắn rằng hương vị của bánh tráng nước dừa sẽ làm mọi người nhớ mãi.
Article sourced from XALUAN.
Original source can be found here: http://xaluan.com/modules.php?name=News&file=article&sid=3388565