Australia vật vã trong đợt nắng nóng lịch sử
Người dân đổ ra biển để chống nóng
Nhiệt độ cao không phải điều bất thường ở Australia trong mùa hè nóng nực tại bán cầu Nam vào dịp đầu năm. Tuy nhiên, biến đổi khí hậu đẩy nhiệt độ mặt đất và biển lên cao, dẫn đến những ngày cực nóng và những vụ cháy rừng nghiêm trọng. Nhìn chung, các bang nằm dọc theo bờ biển miền Tây Australia đều có một tuần nóng kinh hoàng với nhiệt độ trung bình vượt quá 41 độ C.
Theo thống kê, tính từ ngày 12-1 tới ngày 18-1, Australia đã có 5 ngày lọt vào danh sách 10 ngày có nhiệt độ trung bình cao nhất trong lịch sử quốc gia này. Các chuyên gia đã so sánh đợt nóng lần này với đợt nóng năm 2013, khi nhiệt độ trung bình là 39 độ C kéo dài trong 7 ngày liên tiếp. Trong đợt nóng lần này, nhiệt độ trung bình của một số ngày đã đạt tới ngưỡng 40 độ C. Tại một số khu vực rộng lớn, nhiệt độ trung bình lên tới 42 độ C vào ngày 18-1.
Đây là bằng chứng mới nhất cho lời cảnh báo của Tổ chức Khí tượng thế giới (WMO) về hiểm họa Trái đất nóng lên do “hiệu ứng nhà kính”. Theo WMO, do hoạt động sản xuất công nghiệp và sinh hoạt hằng ngày, hiện nay lượng khí thải CO2 trên toàn cầu đã tăng gần gấp 4 lần so với đầu những năm 60 của thế kỷ trước, khiến các đợt nắng nóng cực đoan với cường độ và tần suất nóng ngày càng tăng.
Liên quan đến Australia, mới năm ngoái, một nghiên cứu của các nhà khoa học nước này đã cảnh báo rằng, số ca tử vong do nhiệt độ nắng nóng sẽ ngày càng tăng nếu Chính phủ không nỗ lực đối phó với tình trạng khí hậu đang ngày càng trở nên khắc nghiệt. Họ cảnh báo số người chết do nhiệt độ nắng nóng có thể sẽ tăng lên 471% ở Brisbane, Sydney và Melbourne trong khoảng năm 2031 đến 2080, so với những thập niên trước năm 2010.
Nhìn lại Australia tuần qua, một phần của lời cảnh báo trên đã là hiện thực. Bang New South Wales đã liệt kê hàng loạt vấn đề sức khỏe do nắng nóng như chóng mặt, ngất xỉu, đau cơ, đau đầu, nôn mửa…Trẻ em và người già là 2 đối tượng dễ bị tổn hại do nắng nóng nhất. Chính quyền địa phương đã phải khuyến cáo những đối tượng trên ở nhà, hạn chế hoạt động tối đa trong điều kiện thời tiết nóng khắc nghiệt này.
Không chỉ con người, động vật Australia cũng ngắc ngoải trong nắng nóng. Đợt nóng vừa rồi đã khiến hơn 1 triệu con cá của bang New South Wales chết, buộc chính quyền phải bơm khí oxy xuống dưới lòng sông, hồ để cứu cá. Trong khi đó, tại Adelaide, thủ phủ bang South Australia, hàng ngàn cá thể dơi quạ đã chết và rơi từ trên cây xuống đất vì quá nóng bức. Giới chức địa phương cũng ghi nhận nhiều vụ kangaroo chết do nhiệt độ quá nóng.
Trước nguy cơ khí hậu biến đổi khắc nghiệt, các nhà khoa học Australia cho rằng đã đến lúc Chính phủ cần ban hành các chiến lược giúp người dân thích nghi, chẳng hạn lập kế hoạch đô thị tốt hơn và các chiến dịch giáo dục cộng đồng. Trên tạp chí y khoa PLOS Medicine, ông Guo Yuming Guo, Phó giáo sư về bệnh dịch do môi trường và ứng dụng thống kê sinh học tại Đại học Monash, khẳng định: “Nếu Chính phủ Australia không nỗ lực trong việc giảm tác động của sóng nhiệt, thì nhiều người sẽ chết vì sóng nhiệt trong tương lai”.
Không biết Chính phủ Australia sẽ phản ứng thế nào, nhưng vài năm nay, ngân sách cho nghiên cứu biến đổi khí hậu lại đang bị cắt giảm rất nhiều.
Article sourced from XALUAN.
Original source can be found here: http://xaluan.com/modules.php?name=News&file=article&sid=2455184