Át chủ bài của Iran trong việc gây sức ép với Israel và phương Tây
Xung đột Trung Đông gần đây leo thang nguy hiểm, sau khi Iran phóng gần 200 tên lửa đạn đạo vào lãnh thổ Israel, báo thù cho thủ lĩnh các nhóm dân quân thân Tehran thiệt mạng trong các cuộc không kích của Tel Aviv. Israel cảnh báo Iran đã phạm "sai lầm lớn" và đang chuẩn bị tung đòn đáp trả vào các mục tiêu chiến lược của Tehran.
Michael O'Hanlon, chuyên gia về quốc phòng và chiến lược tại Viện Brookings, trụ sở Mỹ, không loại trừ khả năng Israel tấn công vào cơ sở hạt nhân của Iran, nhưng ông nghĩ khả năng cao mục tiêu mà Tel Aviv nhắm đến là hạ tầng năng lượng, như cảng dầu lớn nhất Iran trên đảo Kharg ở Vịnh Ba Tư.
Iran đã đe dọa sẽ tung đòn phản công "dữ dội hơn" nếu Israel tập kích các cơ sở chiến lược của nước này. Lực lượng vũ trang Iran có thể không nhằm vào lãnh thổ Israel trong đòn đáp trả tiếp theo, do những lần tập kích gần đây đều bị Tel Aviv đánh chặn hầu hết quả đạn.
Thay vào đó, Tehran có thể tung ra lá bài có sức nặng hơn, đó là phong tỏa eo biển Hormuz, tuyến hàng hải quan trọng của Trung Đông cũng như thế giới.
"Nếu Israel thực sự nhắm vào nền kinh tế dầu mỏ của Iran, Tehran không có lý do gì để bỏ qua cho những bên còn lại và dùng đến 'át chủ bài' là eo biển Hormuz", O'Hanlon cảnh báo.
Hormuz là eo biển hình chữ V ngược nằm giữa Iran, Các tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) và Oman, kết nối Vịnh Ba Tư ở phía bắc với Vịnh Oman, thông ra biển Arab. Eo biển dài 161 km, điểm hẹp nhất 33 km, luồng hàng hải theo mỗi hướng chỉ rộng khoảng 3 km.
Vị trí eo biển Hormuz và các quốc gia xung quanh. Đồ họa: NASA
Eo Hormuz có mực nước không quá sâu, khiến tàu hàng rất dễ trúng thủy lôi nếu chúng được rải xuống biển. Nếu Iran quyết định phong tỏa eo biển này, họ có thể dễ dàng dùng tên lửa bờ hoặc tàu chiến cỡ nhỏ tấn công, ngăn chặn tàu chở dầu, khí đốt và các mặt hàng chiến lược đi qua.
Dữ liệu từ Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) cho thấy 30% nguồn cung dầu của thế giới, 20% sản lượng khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) được vận chuyển qua eo Hormuz. Hầu hết dầu của Arab Saudi, Iran, UAE, Kuwait và Iraq đều được xuất khẩu theo tuyến đường biển này.
Richard Bronze, nhà phân tích tại công ty dữ liệu năng lượng Energy Aspects, mô tả eo biển Hormuz là "yết hầu" của thị trường dầu toàn cầu. "Bất kỳ sự gián đoạn nào xảy ra ở đây cũng sẽ có tác động lớn đến nguồn cung và giá dầu thế giới", ông Bronze nói với CNN.
"Nếu xung đột leo thang hơn nữa, Iran có thể tập kích các tàu dầu đi qua eo biển Hormuz bằng UAV, tên lửa", Simone Tagliapietra, nhà nghiên cứu tại viện chính sách Bruegel, trụ sở Bỉ, cho biết. "Kịch bản tệ nhất là Tehran phong tỏa hoàn toàn Hormuz".
Nếu kịch bản này xảy ra, giá dầu thế giới sẽ vọt lên 150-200 USD một thùng, cao hơn cả thời điểm chiến sự Ukraine bùng phát, theo Claudio Galimberti, nhà kinh tế trưởng tại công ty nghiên cứu năng lượng Rystad Energy, trụ sở Na Uy. "Nếu lệnh phong tỏa eo biển kéo dài 10 ngày, đó sẽ là sự gián đoạn rất lớn. Nếu kéo dài một tháng, nó có thể giết chết nền kinh tế toàn cầu".
Các cường quốc dầu mỏ ở Trung Đông gần như không có phương án nào khác để xuất khẩu dầu nếu eo Hormuz bị phong tỏa. Arab Saudi, UAE chỉ xuất khẩu phần nào dầu qua đường ống trên bộ, trong khi Iraq, Kuwait, Qatar và Bahrain chỉ bán dầu qua đường biển.
Trên thực tế, eo Hormuz chưa bao giờ bị phong tỏa hoàn toàn. Trong chiến tranh Iran - Iraq thập niên 1980, Iran từng thả thủy lôi xuống eo biển Hormuz để đáp trả Iraq tấn công đảo Kharg. Cuộc chiến sau đó trở thành chiến tranh tàu dầu, hai bên tấn công 451 phương tiện trên vùng biển giữa hai nước, đẩy giá dầu và phí bảo hiểm tàu lên cao.
Xuồng cao tốc của lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) di chuyển gần một tàu hàng trên Vịnh Ba Tư ngày 29/4. Ảnh: Reuters
Khi các tàu dầu Kuwait bắt đầu trúng thủy lôi của Iran, hải quân Mỹ can thiệp, điều tàu chiến hộ tống tàu của họ qua vịnh Ba Tư và eo biển Hormuz. Năm 1988, một tàu chiến Mỹ trúng thủy lôi, khiến Washington mở chiến dịch đáp trả gây thiệt hại nặng cho hải quân Iran. Chiến tranh Iran - Iraq kết thúc vào tháng 8/1988 nhờ lệnh ngừng bắn do Liên Hợp Quốc làm trung gian.
Năm 2011, Iran cũng dọa phong tỏa eo Hormuz để đáp trả các lệnh trừng phạt từ phương Tây, nhưng sau đó từ bỏ ý định.
Các nhà quan sát cho rằng Iran trong lịch sử ngần ngại tung ra "át chủ bài" Hormuz, bởi phong tỏa eo biển này đồng nghĩa xuất khẩu dầu của Tehran cũng bị ảnh hưởng.
Theo Financial Times, Iran đang xuất khẩu khoảng 1,7 triệu thùng dầu một ngày, chủ yếu từ cảng dầu lớn nhất nước trên đảo Kharg ở Vịnh Ba Tư. Nếu Israel tập kích đảo Kharg và các hạ tầng dầu khí khác của Iran gây thiệt hại nặng, hoạt động xuất khẩu dầu mỏ của Tehran sẽ tê liệt.
Iran khi đó sẽ không còn hưởng lợi gì từ dầu mỏ nữa, thúc đẩy họ đưa ra quyết định quyết liệt hơn để tăng sức ép với Tel Aviv và phương Tây. "Iran sẽ đặt câu hỏi tại sao bên khác vẫn có nguồn thu từ dầu mỏ, còn họ thì không?", Bjarne Schieldrop, nhà phân tích tại tập đoàn dịch vụ tài chính SEB, trụ sở ở Thụy Điển, nói. "Đây là kịch bản xấu nhất và giá dầu sẽ tăng vọt, có thể lên 200 USD một thùng".
Tư lệnh lực lượng trên biển IRGC Alireza Tangsiri hồi tháng 4 cho biết Iran có phương án làm gián đoạn hoạt động hàng hải qua eo Hormuz, nhưng chọn không thực hiện.
"Eo biển Hormuz cũng quan trọng với chúng tôi, vì Iran vận chuyển hầu hết dầu của mình qua vùng biển này. Do đó, bất ổn ở Hormuz cũng sẽ tạo ra hậu quả cho chúng tôi. Lúc này, chúng tôi chưa nghĩ đến tình huống đó. Nhưng nếu mọi thứ xấu đi, chắc chắn những người có quan điểm cứng rắn sẽ tính đến kịch bản này", một quan chức Iran nói với FT. "Đó là kịch bản tệ nhất, nếu các đòn đáp trả qua lại vẫn tiếp diễn".
Article sourced from VNEXPRESS.
Original source can be found here: https://vnexpress.net/eo-bien-hormuz-at-chu-bai-cua-iran-trong-xung-dot-trung-dong-4801136.html